Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền do Công ty CP Điện Gia Lai làm Chủ đầu tư. Dự án nằm cách thành phố Huế theo đường chim bay khoảng 50 km về hướng Bắc, cách trung tâm thị trấn Phong Điền khoảng 16 km về phía Đông, được xây dựng trên khu đất 45 ha, có công suất 35 MW, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Dự án được thi công từ tháng 01 năm 2018 với tổng số nhân lực thực hiện hơn 300 công nhân và kỹ sư trong và ngoài nước.
Theo đó, 145.560 tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại, mang lại hiệu suất cao. Các tấm pin này sẽ hấp thụ bức xạ của ánh nắng mặt trời và chuyển đổi thành điện năng hòa vào hệ thống tải điện.
145.560 tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại tại Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền
Như vậy, sau 9 tháng thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền đã chính thức đi vào hoạt động và sẽ phát điện với sản lượng khoảng 60 triệu kWh/năm.
Sản lượng điện này gần bằng mức tiêu thụ điện hàng năm của khoảng 32.628 hộ gia đình ở Việt Nam, ước tính giảm phát thải CO2 khoảng 20.503 tấn/năm.
Dự án đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, đảm bảo khả năng vận hành an toàn, kinh tế của hệ thống điện và hiệu quả đầu tư chung của xã hội...
Bên cạnh làm hạn chế sự nóng lên của trái đất, bảo vệ môi trường, Nhà máy còn góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền sẽ phát điện với sản lượng khoảng 60 triệu kWh/năm
Phát biểu tại sự kiện, đại diện Tập đoàn TTC cho biết: "Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền được triển khai thi công, vận hành có ý nghĩa quan trọng đối với Tập đoàn TTC và Công ty CP Điện Gia Lai.
Mặc dù lĩnh vực này còn khá mới mẻ, nhưng với chính sách tích cực của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp, Việt Nam có đủ cơ sở để đặt niềm tin trong việc phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, góp phần bổ sung nguồn điện năng cho cả nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân."
Đại diện Tập đoàn TTC và Liên danh Sharp - SSSA - NSN cùng vẽ con mắt Daruma như một minh chứng khẳng định cho sự hợp tác thành công, hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng của dự án. Đây còn là sự thể hiện trong việc giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản
Trước đó, ngày 25.9.2018, Nhà máy đã chính thức đóng điện. Dự kiến đến năm 2019, Nhà máy này sẽ mở rộng quy mô thêm công suất 29,5 MW với diện tích 38,5 ha, đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ điện năng trong tương lai.
Cũng trong buổi lễ khánh thành, Công ty CP Điện Gia Lai đã trao tặng 5 căn nhà tình thương cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Phong Điền.
Đây là nét đẹp được TTC và các Công ty Thành viên thực hiện song song cùng nhiều hoạt động thiện nguyện khác trong những năm qua với tôn chỉ "Vì cộng đồng - phát triển địa phương".
Đại diện Tập đoàn TTC trao nhà tình thương cho các gia đình
Ngoài việc khánh thành Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền, dự kiến vào Quý 4/2018, Công ty CP Điện Gia Lai cũng sẽ chính thức đưa Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa tại tỉnh Gia Lai đi vào hoạt động. Dự án có công suất 49 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.406 tỷ đồng với mục tiêu sản xuất và phân phối điện mặt trời.
Bên cạnh các loại hình năng lượng tái tạo truyền thống mà Tập đoàn TTC đang có lợi thế là thủy điện và điện sinh khối, thời gian qua, Tập đoàn TTC không ngừng tích cực chuẩn bị và thực hiện các dự án năng lượng khác, như: điện gió, điện mặt trời, rooftop (điện mặt trời trên mái nhà)…
Chỉ tính riêng trong mảng năng lượng mặt trời này, hiện tại, ngành Năng lượng TTC đang triển khai 6 nhà máy được bổ sung quy hoạch, vận hành trước tháng 6 năm 2019. Kế hoạch chiến lược đến năm 2020, TTC sẽ nâng tổng công suất lên khoảng 1.000 MW tại các tỉnh thành có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời…