Lịch sử nghìn năm
Những ngày đầu tháng Ba, trong chuyến du Xuân đi thăm thành Cổ Loa và sông Cà Lồ - con sông nguyên mẫu trong truyện ngắn “Chảy đi sông ơi” của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi tình cờ được dự hội kén rể ở Đông Anh.
Sông Cà Lồ nằm cạnh Đường Yên, ngôi làng cổ phát tích cuộc thi độc đáo này. Bến Cốc nay không còn nữa, nhưng không khí của “con sông bến nước mơ màng và buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi” thì vẫn vậy, thậm chí, ngay cả “mùa hoa, trên ngọn cây gạo màu đỏ xao xuyến lạ lùng” trong văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn gần như được tái hiện nguyên vẹn.
Chiều 11/3, tức ngày mùng 2/2 âm lịch, làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh tổ chức Lễ hội kén rể. Người làng kể lại, lễ hội này mới được phục dựng từ năm 2001, sau 60 năm thất truyền.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thị Hạnh cho biết: “Theo thần phả của đình làng, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc Đông Hán (năm 40-43 sau công nguyên) thì ở làng Đường Yên có bà Lê Hoa (còn gọi là Ả Lự) tuổi 17-18 tình nguyện theo quân, lập nhiều công lao. Sau khi Hai Bà Trưng thắng trận lên ngôi vua, Hai Bà phong tước cho bà Lê Hoa là “Nữ sử anh Phong”, “Tuệ Tĩnh phu nhân”. Thời Lê Thái Tổ gia phong “Giảm uyển cương nghị”, thời Nguyễn Duy Tân tặng phong “Dực bảo trung hưng linh phù”.
Khi đất nước thanh bình, bà Lê Hoa vẻ vang về làng, tổ chức lễ hội kén rể để làm tròn bổn phận của người con gái. Lễ kén rể được chia làm hai phần: phần lễ chính là đám rước trọng thể đưa thần hoàng làng từ đền về đình tế lễ và phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ như thi cày, thi câu ếch, bắt chạch trong chum và cả một phần thi khá lạ là chọc chó. Kết thúc các phần thi, người thắng cuộc sẽ được cùng nữ tướng làm lễ vinh quy bái tổ. Cùng với đó, dân làng tổ chức múa hát mừng cho đôi trai tài gái sắc đã nên duyên.
Trải qua gần 2000 năm, lễ hội kén rể chỉ gián đoạn 60 năm do hoàn cảnh chiến tranh. Từ năm 2001, nó được phục dựng và trở thành một “đặc sản văn hóa”, mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách đến tham gia.
Những trò chơi hiếm lạ
Linh hồn của lễ kén rể là bốn nhân vật chính gồm: Mẫu Bà (mẹ bà Lê Hoa, người được chọn đóng Mẫu Bà phải là người đẹp , gia đình êm ấm, con cái song toàn), Đức Thánh Bà (bà Lê Hoa) và hai chàng rể chia làm hai phe Bắc và Hậu.
Khi lễ hội kén rể mới được phục dựng, ông Chu Trinh, người thủ từ của đền Cổ Loa lúc ấy còn khỏe nhiều lần đã mời chúng tôi đến tham dự cuộc vui độc nhất vô nhị này. Ông Chu Trinh nguyên là đội trưởng đội biệt động Hồng Đức, là lính trực tiếp chịu sự chỉ huy của “ông tình báo” Tạ Đình Đề, giải ngũ do bị thương mất một bên chân, ông tình nguyện về làm thủ từ ở Cổ Loa, là một pho sử sống của vùng đất Đông Anh.
Ông Trinh thuộc làu từ thể lệ, trình tự của lễ kén rể cho đến những lời hát nói của từng nhân vật trong lễ rước. Ngồi đọc lại cho tôi ghi âm, ông còn tranh thủ giải thích tường tận vì sao Đức Bà nói thế này, Mẫu Bà lại nói thế kia. Nhiều năm sau xem lại lễ kén rể, tôi vẫn có thể nhẩm theo một vài đoạn. Ví như, mở đầu của lễ hội là màn vinh quy bái tổ. Đức Thánh Bà Lê Hoa xuất hiện, chắp tay trước ngực và nói: “Nhờ phúc dày của tổ tiên/ Quê nhà thanh bình yên lặng/ Con là Lê Hoa chiến thắng trở về/ Tiếng hát ca vang khắp làng quê”…
Phải nói thêm, trong lễ hội này có một màn múa được các nhà nghiên cứu đánh giá là “đỉnh cao của nữ quyền” có tên “Cởi vú mo”. Nguyên lai của điệu múa này được giải thích như sau: khi theo Hai Bà Trưng đánh giặc, bà Lê Hoa phải dùng mo cau để làm áo giáp che đi toàn bộ phần ngực, giả làm con trai. Khi đất nước đã không còn bóng quân xâm lược, mo cau được cởi bỏ, trả lại “thiên tính nữ” để nữ tướng đi lấy chồng. Phần múa này thường do các em nhỏ và phụ nữ đeo mặt nạ thể hiện.
Một thú vị khác nằm ở phần thi của hai chàng trai tham gia kén rể. Họ đại diện cho phe Hậu và phe Bắc. Các diễn viên lần lượt ra sân khấu và “đấu” với nhau bằng những bài vè ngân nga như hát nói khiến khán giả nhiều lần phải ồ lên vì những câu từ hóm hỉnh. Kiểu như khi phe Hậu đề cử: “Dạ, thân dưới khúc trên dựng nên một chữ/ Tôi nay sự thủ chỉ trong làng/ Tính khí dịu dàng thì ngồi ở bên Hậu giáp ạ”, thì phe Bắc đáp lại ngay: “Dạ, lún phún mưa dầm lâm thâm như chẳng tạnh/ Tôi nay cũng mạnh mà lại có tài/ Thủ chỉ thứ hai ngồi bên đông Bắc”. Rồi cứ thế, giống như các liền anh liền chị Quan họ hát đối, Bắc - Hậu dùng lời lẽ vừa hóm hỉnh vừa sắc bén mà bất phân thắng bại, cho đến khi Mẫu Bà phải bước ra phân giải: “Phe Hậu phe Bắc đều tài/ Thông minh ứng xử ai nào thua ai/ Bây giờ ta đố cả hai/Thi cày, câu ếch trước đài ta xem/ Ai thắng thì ta ban khen/ Lấy giềng chọc chó ta bèn thưởng cho/ Bắt chạch bình tĩnh không lo/Thắng cuộc ta sẽ mổ bò, rước con”.
Kế đến, hai chàng trai lần lượt thi từng môn cho Ban giám khảo chấm điểm. Tương ứng với mỗi màn thi, việc hát nói vẫn được duy trì. Và người xem như được một lần nữa trải nghiệm cả nghìn năm lịch sử với những câu chuyện có lớp có lang, có vần có điệu, kiểu như bài hát câu ếch: “Ếch kêu vang khắp gần xa/ Anh tung mồi ngọc chắc là trúng ngay/ Cần câu và cả điếu cày/ Mồi hoa anh nhử được ngay cô mình”. Theo giải thích của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hạnh, tất cả những lời thoại này đều được dịch từ văn bản chữ Hán và hiện được lưu trữ tại Sở Văn hóa Hà Nội.
Thi chọc chó cũng là một tiết mục độc lạ. Luật chơi được gói gọn trong một câu ca dao: “Cọng giềng chọc chó kêu to, ai người thắng cuộc vú mo được vời”. Người làng giải thích, chó kị giềng nên ngửi thấy mùi giềng thì nó ngậm miệng không kêu. Đề bài đặt ra cho hai chàng rể là dùng cọng giềng chọc chó, cho đến khi nó kêu thì thắng.
Sức sống của một lễ hội
Đình làng Đường Yên có lịch sử hàng trăm năm tọa trên một khu đất rộng ngay đầu làng. Sân đình có sức chứa cả ngàn người ken dày khán giả ba vòng trong ba vòng ngoài. Ông Trần Văn Hiến, trưởng thôn Đường Yên cho biết: Trước khi lễ hội kén rể diễn ra, việc chọn người tham gia là mất thời gian nhất. Mỗi nhân vật đều phải cân lên đặt xuống, từ vai bà Lê Hoa, Mẫu Bà, hai chàng rể cho đến người đóng vai trâu cày, ếch… đều phải tập luyện từ trước đó hàng tháng.
Điều đặc biệt là người trong hội khi di chuyển chỉ đi bước một bằng chân trái. Theo ông Hiến giải thích, hành động ngược đời này ám chỉ những việc ít thấy, khó làm, như là việc “cọc đi tìm trâu” từ cách đây hàng nghìn năm là rất hiếm.
Thực chất, lễ hội kén rể không chỉ gói gọn trong ngày 2/2 âm lịch. Trước hội, vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm, làng còn có hoạt động mổ lợn – gọi là “ông bệu,” chiểu theo tích xưa khi bà Lê Hoa về làng khao quân. “Ông bệu” sau khi mổ ra được chia đều cho đàn ông trong mỗi gia đình.
“Đến nay làng vẫn giữ tục này, đã chia “ông bệu” là phải chia đều, chia đủ. Nhà nào có con trai làm việc ở xa, đến Tết phải về để thụ lộc. Nhờ quán triệt thế mà tinh thần hội làng được gìn giữ bao lâu nay”, ông Trần Văn Hiến cho biết.
Được biết, hiện lễ hội kén rể làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh đang trong quá trình xây dựng hồ sơ để ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.