Lê Hoàng Uyên Vy là một cái tên nổi tiếng trong giới startup. Cô gái này nằm trong danh sách 30 gương mặt trẻ của Forbes U30 tại Việt Nam và châu Á, từng giữ vai trò giám đốc trang thương mại điện tử Adayroi của Vingroup. Uyên Vy hiện giữ chức Đối tác điều hành (General partner) quỹ ESP Capital, chuyên đầu tư vào các startup công nghệ.
Tại Vietnam Venture Summit, chị chia sẻ mong muốn Việt Nam trở thành startup hub mới của thế giới, có những yếu tố nào để kỳ vọng vào điều này?
Mỗi công ty đều phải có tầm nhìn. Nếu coi Việt Nam là một đại công ty, cần có tầm nhìn của cả quốc gia. Muốn Việt Nam trở thành startup hub của thế giới là tầm nhìn xa nhưng không phải không khả thi nếu có bước đi đúng, cụ thể.
Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ. Chúng tôi khởi nghiệp từ năm 2000, khi đó còn chưa có khái niệm startup là gì, chỉ có những người làm về tech chơi với nhau. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có sự tham gia của Thủ tướng, Phó Thủ tướng ở những sự kiện của cộng đồng khởi nghiệp như hiện nay.
Tôi rất ấn tượng với quyết định thành lập National Innovation Center (NIC) và Vietnam Global Innovation Fund từ Chính phủ. NIC sẽ trở thành trung tâm hoạt động để giúp các ý tưởng sáng tạo, những chương trình nghiên cứu về deeptech (công nghệ nền tảng) có thể được ươm mầm tại Việt Nam.
Vietnam Global Innovation Fund là chương trình trao học bổng cho nhân tài Việt có thể được đào tạo, làm việc, tiếp xúc với công nghệ cao tại các nước phát triển, từ đó ươm mầm nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước nhà. Chúng ta cần xây dựng thế hệ nhân tài mới có tầm nhìn, đam mê về khởi nghiệp; cần tạo điều kiện để thế hệ trẻ có thể dấn thân, chấp nhận mạo hiểm để có thể xây dựng công ty tầm cỡ.
Cũng trong ngày hôm 10/6, hơn 10 quỹ đầu tư mạo hiểm (venture fund) trong đó có ESP Capital đã cam kết đầu tư hơn 450 triệu USD vào các startup của Việt Nam trong vòng 3 năm tới.
Chính vì vậy, tôi tin rằng cơ hội startup cho các nhà sáng lập Việt không bao giờ tốt như bây giờ.
Chị từng phát biểu, hai công ty startup cùng bắt đầu tại Việt Nam và Singapore thì công ty ở Singapore sẽ phát triển tốt hơn vì dòng vốn đầu tư vào startup của Singapore tốt hơn. Sau buổi họp này, chị đánh giá như thế nào?
Singapore là startup hub của Đông Nam Á trước kia. Startup tại Singapore có lợi thế lớn bởi các quỹ đầu tư từ Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc khi vào Đông Nam Á sẽ mặc định đặt văn phòng đại diện tại đây.
Tôi nhận thấy rằng cách đây 2 năm, quỹ địa phương ở Việt Nam đầu tư vào startup từ vòng đầu rất hiếm, đếm trên đầu ngón tay. Việt Nam thiếu mạng lưới nhà đầu tư thiên thần cá nhân (angel network).
Chúng ta có 3.000 – 4.000 doanh nghiệp startup huy động vốn chủ yếu ở vòng preseed (giai đoạn startup nảy ra ý tưởng và thành lập công ty) hay hạt giống (seed - giai đoạn startup đã có sản phẩm mẫu cần vốn để tăng tốc), trong khi các quỹ đầu tư vào Việt Nam từ vòng A, B (giai đoạn công ty bắt đầu mở rộng và tăng trưởng nhanh). Do đó sẽ có một khoảng trống cho các quỹ mặc dù tìm thấy nhiều doanh nghiệp nhưng quy mô quá bé.
Hai năm trở lại đây đã tích cực hơn. Năm ngoái, 7 quỹ địa phương đầu tư vào khởi nghiệp xuất hiện tại Việt Nam, nhiều quỹ nước ngoài tập trung vào vòng sơ khởi cũng đang về Việt Nam. Các chặng khác nhau của startup có quỹ tương ứng sẽ giúp hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhanh.
Sau khóa học bên Mỹ về, chị tham gia vai trò điều hành quỹ ESP Capital. Đứng ở vai trò nhà đầu tư khác gì với thời điểm chị tự vận hành startup?
Tên quỹ của chúng tôi ESP Capital (Early stage partner) có nghĩa là người bạn đồng hành từ những lúc đầu tiên của một công ty khởi nghiệp. Là người làm khởi nghiệp từ những năm 2000, tôi hiểu khó khăn, vất vả của nhà sáng lập. Chúng tôi muốn là người đầu tiên vào để cùng hỗ trợ công ty.
Ở cả hai vị trí, mình đều hướng đến khách hàng. Về vai trò, khi là nhà đầu tư chiếm cổ phần thiểu số, mình cần là chất xúc tác để founder có thể vận hành công ty tốt nhất, không phải giành việc của CEO. Mình đưa thông tin, mô hình để giúp CEO hoàn thành mục tiêu nhanh, ngắn hơn. Quan trọng nhất là startup có mang đến giá trị cho khách hàng không.
Slogan của ESP Capital là “Together we build the next unicons” (cùng tạo nên thế hệ startup kỳ lân tiếp theo), hiện nay Việt Nam có duy nhất VNG là unicorn (startup kỳ lân có quy mô trên 1 tỷ USD). Liệu ESP Capital Việt Nam có làm được điều này?
VNG là unicorn điển hình và là cột mốc hướng tới cho các công ty khởi nghiệp, đóng vai trò biểu tượng cho thị trường phát triển. Unicorn không phải là đích đến cuối cùng mà là case study để các startup Việt Nam có nhiều động lực. Quan trọng nhất của startup là mang lại giá trị cho khách hàng.
Khi Việt Nam có nhiều unicorn, các quỹ đầu tư sẽ thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn, kéo theo nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn.
ESP Capital thường rót vốn từ vòng seed, ở vòng này vốn sẽ đóng vai trò bao nhiêu phần trăm thành công của startup?
Vốn chỉ là một phần, không phải quá lớn. ESP Capital đồng hành dùng startup đi qua 4 chặng: Tầm nhìn – sản phẩm – vận hành – mở rộng.
Bước đầu tiên của ESP Capital là đồng hành cùng các nhà sáng lập đưa ra tầm nhìn xa hơn. Chúng tôi cũng đặt ra các cột mốc chinh phục thị trường.
Các khoản đầu tư của ESP Capital
Như chúng tôi đầu tư vào Wefit - ứng dụng phòng tập khá phổ biến. Ngay ngày đầu tiên gặp, tất cả mọi thứ ở Wefit chúng tôi đều thích. Đội ngũ rất mạnh, Khôi (Nguyễn Khôi CEO Wefit) từng làm CEO của Edumall, thông hiểu cách vận hành của startup.
Nhưng chúng tôi thấy chưa đủ hấp dẫn vì thị trường gym còn rất bé ở Việt Nam (năm 2017 quy mô khoảng 200 triệu USD) dù tốc độ tăng trưởng lớn. Để tạo thành unicorn từ thị trường 200 triệu USD thì có vẻ sai sai. Sau khi ngồi lại chúng tôi thấy rằng 70% khách hàng của wefit là nữ, quan tâm đến sức khỏe sắc đẹp. Thị trường chăm sóc sắc đẹp năm 2017 là 1,7 tỷ USD và có thể đạt 2 tỷ USD. Hoàn toàn có thể có một unicorn từ thị trường lớn như vậy.
Bước 2 là xây dựng sản phẩm. Ở bất kỳ công ty tech nào, quan trọng là sản phẩm dễ dùng, thân thiện với người dùng. Cách chúng tôi làm là không nói sản phẩm kém/tốt cho đến khi nhìn được dữ liệu và số liệu. Chúng tôi giúp founder cách đo đạc, nhìn lại sản phẩm đang kém ở đâu.
Bước 3 vận hành. Khi xử lý đơn hàng với ít khách hàng rất dễ. Việc vận hành khi quy mô tăng lên làm sao để đảm bảo vẫn hiệu quả, giữ nguyên chất lượng với chi phí phải giảm. Chúng tôi thường xuyên trao đổi, nhận xét để tối ưu hóa quy trình vận hành.
Bước 4, hy vọng nếu chúng tôi may mắn có thể đi đến giai đoạn tăng trưởng nóng, chúng tôi mong muốn mang kiến thức quản trị. Một công ty khi tăng lên 100 nhân sự, quản trị khó, nhất là công ty thương mại điện tử. Mô hình quản trị làm sao để giữ được nhân tài thời kỳ đầu mà vẫn phải có nguyên tắc để phát triển công ty lành mạnh.
Ngoài tiền, chúng tôi hy vọng đấy là các giá trị có thể mang đến cho các startup. Chúng tôi mong muốn được đồng hành với các bạn founder vì các thành viên của quỹ ESP Capital đều là những người vận hành các startup và đã trải qua bài học đắt giá rồi.
ESP Capital có thời gian đầu tư từ 10 -15 năm, quỹ có nghĩ đến câu chuyện chốt lời sớm?
Quỹ chúng tôi không đặt nặng chuyện thoái vốn, điều đó giúp chúng tôi ở lại với DN lâu hơn. Định hướng của chúng tôi là đầu tư từ vòng seed và mong muốn DN trở thành unicorn. Nếu thoái vốn sớm, không tạo lòng tin cho các nhà đầu tư tiếp theo nên quỹ sẽ ở đến khi mang được giá trị đến công ty chúng tôi đầu tư.
Đầu tư từ vòng seed rất dễ sẽ có những khoản đầu tư mất trắng nếu startup không thành công?
Đúng vậy, bù lại lợi nhuận cũng sẽ tương ứng. Chấp nhận đầu tư mức rủi ro càng cao, lợi nhuận càng cao. Ví dụ những người đầu tư Uber từ những ngày đầu sau khi IPO đều có tài sản triệu USD. Rủi ro mất trắng rất cao, là chuyện bình thường nhưng vẫn phải đặt niềm tin để công ty có thể lớn thật.
ESP Capital thường không đầu tư quá bán và chiếm tỷ lệ cổ phần kiểm soát?
Tỷ lệ sở hữu trung bình của quỹ tại các startup thường từ 15-20%, chấp nhận là nhà đầu tư thiểu số nhưng cùng tầm nhìn với nhà sáng lập.
Nhiều người nói nếu deal tốt nên chiếm tỷ lệ sở hữu nhiều hơn thì có lời nhiều hơn nhưng nếu chúng ta sở hữu quá nhiều sẽ khiến nhà sáng lập mất động lực khi tỷ lệ sở hữu bị pha loãng trong những vòng gọi vốn tiếp theo, biến thành lose-lose game thay vì win- win.
Chị có khoản đầu tư cá nhân vào một công ty thực tế ảo (VR), chị có thể chia sẻ về mô hình này?
Hiện khoản đầu tư vào VR là do cá nhân tôi muốn hỗ trợ ngành VR phát triển. Tầm nhìn của tôi, nếu muốn biến Việt Nam thành startup hub, cần có ngành mũi nhọn. VR vẫn là một lĩnh vực mới trên thế giới và đây là cơ hội để Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách về công nghệ. Nếu muốn phát triển thành hub trong đó có các mũi nhọn thì VR là ngành tiềm năng. Khi đầu tư sớm, chấp nhận rủi ro cao, xây được đội ngũ làm được sản phẩm thì có cơ hội tung sản phẩm ra thị trường thế giới.
VR hiện có kính to và đắt. Năm ngoái trên thế giới chỉ có 8,5 triệu kính bán ra, quy mô vẫn còn nhỏ nhưng cái tôi nhìn thấy là tiềm năng của nó.
Điều này cũng giống như thập niên 80 -90 máy tính đều rất cồng kềnh. Sau khi bùng nổ bong bóng dotcom, các phần mềm (software) chuyển thành web trên Internet. Sau đó, là làn sóng tạo ra các app trên mobile khi các sản phẩm của Apple bùng nổ. Tôi tin làn sóng tiếp theo sẽ chuyển từ mobile sang VR. Người xây dựng được nội dung tốt nhất trên VR sẽ có lợi thế. Nhiều khi tầm nhìn 5 – 10 năm nhưng nếu không đầu tư và tạo ra sản phẩm đón đầu sẽ bị trễ.
Sản phẩm deeptech như VR cần đầu tư kiên nhẫn, thay vì muốn thoái vốn nhanh. VR là ngành chưa phát triển nhưng theo tôi nghĩ có thể thay đổi trải nghiệm người dùng.
Việc hỗ trợ đối với công ty VR ngoài tiền thì quan trọng hơn là mô hình kinh doanh. Vừa rồi, chúng tôi đầu tư cho công ty Xtreme Studio, gần như đầu tiên xây dựng sản phẩm VR của người Việt. Xtreme Studio khai phá trải nghiệm Top of Vietnam đặt tại Landmark 81. Ngoài lên sky view ngắm cảnh, lần đầu tiên người Việt được trải nghiệm cảm giác leo ra ngoài tòa nhà lấy balo nhảy dù ở độ cao 461m thông qua kính thực tế ảo. Đó là trải nghiệm mà thực tế khó làm được.
Nếu được chia sẻ với cộng đồng startup chị sẽ nhắn nhủ điều gì?
Làm việc kiến tạo không bao giờ dễ dàng. Người làm kiến tạo thường phải rất kiên nhẫn. Tôi mong muốn 20 năm sau nhìn lại chúng ta là người kiến tạo. Chúng ta phải chấp nhận làm việc khó và kiên nhẫn.
Theo Trí thức trẻ