Sáng 8/11/2018, tại Hội nghị cà phê toàn cầu dành cho các CEO, bà Lê Hoàng Diệp Thảo (đồng sáng lập và đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên, CEO King Coffee) đã chia sẻ câu chuyện về ba làn sóng cà phê Việt Nam, cũng như hành trình của thương hiệu Trung Nguyên Quốc tế trong việc xây dựng và tôn vinh các giá trị dân tộc và toàn cầu.
"Đối với tôi, cà phê luôn gắn với một lịch sử cụ thể. Chính bởi tính lịch sử và tính văn hóa của nó mà cà phê luôn mời gọi trí tưởng tượng của cả người sản xuất lẫn người tiêu thụ, vượt ra ngoài giới hạn của một hàng hóa tầm thường.
Tại Việt Nam, cà phê là một vật phẩm có tính văn hóa sâu sắc, ghi dấu sự đan quyện giữa phương Tây và phương Đông, giữa trung tâm và ngoại biên, giữa cao nguyên thôn dã và đô thị phù hoa.
Lịch sử cà phê ở Việt Nam luôn phản ánh cách người Việt Nam định vị bản thân trong thế giới hiện đại. Nhìn vào đó, chúng ta có thể thấy được những biến động thăng trầm qua các thời kỳ, cũng như nhận ra những thay đổi trong lối sống của người Việt trong sự đan cài của các giá trị địa phương, quốc gia, khu vực, và toàn cầu.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo (áo trắng) tại sự kiện
Tại Trung Nguyên, chúng tôi luôn coi hiểu biết văn hóa - lịch sử như một nguồn lực quan trọng cho quá trình xây dựng thương hiệu. Trên cơ sở đó, công ty chúng tôi tạo nên một chiến lược phát triển gắn sự nhanh nhạy về mặt thị trường với giá trị văn hóa độc đáo của cà phê Việt Nam.
Nói cách khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự thành công của chúng tôi đến từ năng lực kết hợp trải nghiệm riêng có của cà phê Việt Nam với phong vị quốc tế", bà Thảo chia sẻ trong bài thuyết trình của mình.
Đồng thời, bà Thảo cũng mô tả lịch sử cà phê Việt Nam bằng câu chuyện về "ba làn sóng cà phê".
"Làn sóng đầu tiên bắt đầu với quá trình tiếp xúc thuộc địa hơn một trăm năm trước. Người Pháp đã giới thiệu hương vị đắng - ngọt của cà phê vào Việt Nam.
Họ cũng là người đầu tiên khai phá vùng cao nguyên Nam Trung Bộ và biến nơi đây thành chốn hoàn hảo cho các đồn điền cà phê. Cà phê Việt Nam nổi tiếng với hương vị đậm đà và độ sánh mịn quyến rũ.
Làn sóng cà phê thứ hai diễn ra từ sau Chiến tranh Việt Nam năm 1975 cho tới cuối những năm 1990.
Nếu như ở làn sóng thứ nhất, cà phê chủ yếu dành cho người nước ngoài và giới thượng lưu, thì với làn sóng thứ hai, cà phê dần trở thành một phần của đời sống thường nhật.
Trong giai đoạn này, cà phê sữa đá trở thành thức uống quen thuộc của người Việt Nam. Công thức cà phê bình dân này là sự kết hợp ăn ý giữa vị đắng của Robusta với vị bùi béo của sữa đặc có đường.
Cũng chỉ ở Việt Nam, bạn mới có thể uống cà phê với trứng, một sự sáng tạo tuyệt vời của người Việt để đối phó với tình trạng thiếu sữa. Khi thưởng thức cà phê ở Việt Nam, bạn cũng sẽ thấu hiểu nghệ thuật của sự chờ đợi, khi từng giọt cà phê nhỏ xuống chậm rãi từ một loại phin cà phê chỉ phổ biến ở đất nước của chúng tôi.
Trong giai đoạn này, cà phê nhanh chóng trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp hàng đầu khi Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu cả phê lớn nhất thế giới. Đây là điều rất cần thiết đối với thương hiệu của chúng tôi, bởi nó cung cấp cho chúng tôi nguồn nguyên liệu độc lập và ổn định.
Làn sóng thứ ba của cà phê Việt Nam bắt đầu vào năm 1996 với sự ra đời thương hiệu Trung Nguyên. Trung Nguyên đã tạo ra hai biến đổi quan trọng trong nền công nghiệp cà phê Việt Nam, trở thành tác nhân thay đổi then chốt trong giai đoạn này.
Thứ nhất, Trung Nguyên là công ty đầu tiên và tiếp tục là công ty lớn nhất tại Việt Nam sản xuất các sản phẩm cà phê cao cấp, được chuẩn hóa ở quy mô lớn. Sự thay đổi này rất đúng thời điểm, bởi nó bắt nhịp với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam trong mấy thập niên gần đây.
Như chúng ta đã biết, công cuộc đổi mới tại Việt Nam kéo theo sự cải thiện đáng kể về thu nhập của người dân, cùng với đó là sự phát triển của lối sống đô thị và những mô hình tiêu dùng mới.
Tầng lớp trung lưu ngày một mở rộng và họ trở thành khách hàng chủ chốt của Trung Nguyên, điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi đã nắm được thời cơ thuận lợi nhất để phát triển thị trường trong nước.
Năm 1998, Trung Nguyên mở quán cà phê đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, và chỉ trong vòng một năm, chúng tôi đã mở hơn 500 quán cà phê tại đây.
Nhờ có sự mới lạ của các cửa hàng cà phê và chất lượng sản phẩm tốt, chúng tôi nhanh chóng thu hút cư dân thành phố, đặc biệt là nhân viên văn phòng và giới sinh viên.
Thứ hai, sự thành công của Trung Nguyên không chỉ đơn thuần có tính thị trường, mà quan trọng hơn cả là Trung Nguyên đã tái định hình lại văn hóa cà phê ở Việt Nam.
Ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế, Trung Nguyên trở thành một trong những thương hiệu đáng nhớ nhất và tiếp tục là một dấu son của chất lượng hàng hóa Việt. Dấu ấn này chính là thành công đáng kể nhất, bởi chúng tôi đã thực sự tạo thêm giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam như một thương hiệu quốc gia".
Bà Thảo cũng nhấn mạnh, ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế, Trung Nguyên trở thành một trong những thương hiệu đáng nhớ nhất và tiếp tục là một dấu son của chất lượng hàng hóa Việt trong thời toàn cầu hóa.