Thủ tướng và Phu nhân đến Ankara bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ .
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam có chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, với kỳ vọng củng cố tin cậy chính trị và tạo động lực mới, mang tính đột phá cho hợp tác của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ trong tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, tới các lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, năng lượng…
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia rất đặc biệt, diện tích trải dài trên cả 2 châu lục Âu và Á. Vì có vị trí chiến lược ở giữa châu Âu - châu Á và giữa 3 biển, Thổ Nhĩ Kỳ từng là ngã tư đường giữa các trung tâm kinh tế. Thủ đô Ankara ngày nay đã trở thành trung tâm chính trị và cũng là thành phố công nghiệp lớn thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ (sau Istanbul).
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Esenboga.
Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1978. Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Thổ Nhĩ Kỳ là 1 trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông và là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, Nam Âu với các mặt hàng gạo, cao su, chè, may mặc, giày dép, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ... Kim ngạch song phương năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 1,6 tỷ USD.
Về đầu tư, tính lũy kế tháng 10/2023, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Mới đây nhất, hồi tháng 8, Công ty IC Ictas (thuộc Tập đoàn IC Holdings) của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu Liên danh Vietur đã trúng gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc Dự án sân bay Long Thành.
Về hợp tác địa phương, HĐND TP Hà Nội và chính quyền Thủ đô Ankara đã ký Thỏa thuận hợp tác từ tháng 9/2011. Các địa phương của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đề xuất ký thỏa thuận hợp tác với một số địa phương của Việt Nam, như: Istanbul – TP.HCM, Antalya - Nha Trang, Konya - Thừa Thiên Huế.
Trong hơn 1 ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ có gần 20 hoạt động liên tiếp.
Trong hơn 1 ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ có gần 20 hoạt động liên tiếp, bên cạnh việc gặp gỡ lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là việc tiếp xúc, dự diễn đàn doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư.
Sáng 29/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat, sau đó đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Tổng thống Mustafa Kemal Ataturk. Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ diễn ra vào 10h cùng ngày, tại Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc hội đàm giữa hai đoàn, lãnh đạo hai bên sẽ cùng chứng kiến lễ ký kết các văn bản hợp tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến có cuộc gặp hẹp với Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz và gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan; gặp Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus; tiếp lãnh đạo Tập đoàn Hayat Holding.
Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ diễn ra vào 10h ngày 29/11.
Dự kiến, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tối cùng ngày (theo giờ địa phương). Cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 200 người, sống rải rác ở các tỉnh, thành khác nhau.
Ngày 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính có lịch trình tiếp và làm việc với nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo chương trình, ông sẽ tiếp Bộ trưởng Ngân khố và Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek; tiếp Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Fatih Kacir. Sau khi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp Lãnh đạo Tập đoàn IC Holding và thăm Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ.
Kết thúc lịch trình tại đây vào chiều 30/11 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ rời Thủ đô Ankara để lên đường tới Dubai thuộc UAE, để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28).