Lần đầu tiên kể từ khi rời vị trí CEO GoViet, Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ về lý do rời công ty này cũng như Facebook. Người đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Alabaster cũng chia sẻ niềm đam mê mới của mình tại Việt Nam trong việc ngồi "ghế phụ".
Trong cuộc trao đổi với báo Trí thức trẻ, Lê Diệp Kiều Trang nói: “Nếu như chọn một startup mà mình có ý tưởng và cực kỳ đam mê thì chỉ có thể làm một thứ thôi. Còn khi đầu tư vào nhiều đội ngũ, nhiều nhà sáng lập khác nhau thì mình có cơ hội sống với nhiều sản phẩm. Mình đầu tư với Alabaster như một cách đóng góp cho cộng đồng, để làm những việc mình thích, và cũng để tìm kiếm lợi nhuận nhưng trong vai trò ‘ghế phụ’ thôi”.
Sau GoViet, vì sao Trang không chọn điểm đến kế tiếp là một công ty công nghệ đình đám mà lại là Alabaster?
Vợ chồng mình làm Alabaster từ năm 2016 khi vẫn còn ở Fossil cơ (Fossil là tập đoàn đã mua lại startup Misfit ở Silicon Valley do chồng Lê Diệp Kiều Trang đồng sáng lập cùng với John Sculley – cựu CEO Apple) và đã có vài dự án rồi. Lúc đó, anh Sơn là người tìm ra các startup có triển vọng trên thế giới, còn mình đánh giá về mặt tài chính.
Năm 2018 khi mình vào Facebook và sau đó là GoViet thì anh Sơn (Vũ Xuân Sơn – chồng của Lê Diệp Kiều Trang) dành thời gian cho Alabaster nhiều hơn vì mình bận quá. Thực ra, mình thích công việc ở Facebook và GoViet bởi nó có ý nghĩa chứ đó không hẳn là lựa chọn cho con đường sự nghiệp.
Bây giờ, mình có thời gian hơn nên quay lại tập trung cho Alabaster và tính đến chuyện đầu tư vào Việt Nam, vì anh Sơn không có thế mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, công việc ở Alabaster cũng không phải là con đường phát triển sự nghiệp duy nhất và suốt đời của mình. Sau này, có thể mình sẽ lập một công ty khác, nhưng chắc không đi làm thuê nữa đâu (cười lớn).
Nhưng cho dù có làm một công việc gì khác thì việc đầu tư với Alabaster cũng vẫn sẽ song song.
Tại sao Trang không làm thuê nữa trong khi công việc tại nhiều hãng công nghệ cũng đem đến cơ hội học hỏi lớn, tạo ra nhiều điều có ý nghĩa?
(Cười lớn) Có lẽ số mình không có duyên làm thuê nên không làm thuê nữa đâu. Mình có nhiều bài học rồi (lại cười tiếp).
Việc rời GoViet do Trang muốn dành toàn bộ thời gian cho Alabaster hay còn có lý do khác?
Mình nghĩ việc rời GoViet và cả Facebook là do mình không có duyên làm ở hai công ty đó. Thực ra, lúc mới vào mình cũng kỳ vọng làm lâu hơn, sẵn sàng cống hiến lâu hơn, nhưng đúng là không có duyên thật.
Trang tìm thấy gì hấp dẫn ở việc đầu tư?
Thứ nhất, những người khởi nghiệp họ tự tìm đến sự giúp đỡ của mình cũng là bạn bè cũ hoặc những người tin tưởng mình, biết mình đã làm rồi thì họ mới nhờ. Thứ hai, mình cũng từng làm và sống cuộc sống của startup nên hiểu và có nhiều kinh nghiệm chia sẻ được.
Ví dụ như kinh nghiệm gọi vốn, Alabaster đã giúp các công ty đó rất nhiều trong việc gọi vốn. Còn trong quá trình vận hành, mình dừng lại ở mức đưa ra lời khuyên, huấn luyện các bạn founder. Ở vài trường hợp đặc biệt như Harrison.ai (startup của 2 người Việt Nam ở Úc), mình trực tiếp tham gia vận hành cùng 2 bạn founder ở một số dự án.
Với mình, công việc đầu tư ở Alabaster giống như sự cống hiến, đóng góp cho cộng đồng. Tất nhiên, nó cũng là cơ hội giúp mình kiếm tiền tốt, và cho mình được "sống" với nhiều startup cùng lúc.
Trong số 2 công ty nổi tiếng mà Trang làm việc gần đây, thời gian làm việc rất ngắn và một số người gọi đùa Trang là "CEO nhảy việc". Trang nghĩ gì về nhận xét đó?
(Cười) Nói nhảy việc thì cũng không chính xác. Nhảy việc là nhảy từ chỗ này qua chỗ khác để thu nhập khá hơn, cơ hội thăng tiến tốt hơn. Mình thì không phải vậy. Chữ nhảy việc không đúng với lý do mình rời đi. Mình rời vì hết duyên thôi và đó cũng là điều đáng tiếc.
Còn khi làm thì mình dấn thân và không nghĩ nhiều đến việc riêng đâu.
Vì sao vợ chồng Trang lại đặt tên cho quỹ đầu tư là Alabaster?
Trong Kinh Thánh có tích: Có một người phụ nữ rất nghèo, bà ấy có một cái bình đất sét (Alabaster) trong đó có chứa thứ nước hoa rất quý. Khi gặp Chúa, cái bình nhìn bên ngoài trông rất xù xì, người phụ nữ đã đập vỡ cái bình để lấy nước hoa rửa chân cho Chúa.
Mình và anh Sơn (Vũ Xuân Sơn là đồng sáng lập Alabaster cùng Trang) được truyền cảm hứng rất lớn từ câu chuyện đó. Một thứ quý giá và có ý nghĩa ở bên trong một cái vỏ rất thô ráp, xù xì. Việc đi tìm cơ hội đầu tư vào các startup công nghệ cũng giống như vậy nên vợ chồng mình quyết định đặt tên cho quỹ là Alabaster.
Theo công bố thì Alabaster chuyên đầu tư vào những startup có giải pháp công nghệ cho các vấn đề toàn cầu. Vì sao lại là vấn đề toàn cầu mà không gồm cả giải pháp cho từng địa phương (như Việt Nam chẳng hạn) để có thể tận dụng các ưu thế bản địa và sự am hiểu thị trường?
Ban đầu, người phụ trách chính Alabaster là anh Sơn, vì khi quỹ mới thành lập mình rất bận với Facebook và sau đó là GoViet. Anh Sơn rất đam mê deeptech, những thứ đi sâu vào phát minh, sáng tạo và giải quyết được những vấn đề mà anh ấy cảm thấy tâm huyết. Anh ấy muốn đầu tư vào các giải pháp sáng tạo có thể thay đổi được đời sống con người. Lĩnh vực là do anh Sơn lựa chọn và mình chỉ đi theo thôi.
Giờ khi mình quay trở lại dành nhiều thời gian cho Alabaster thì thị trường Việt Nam sẽ được quan tâm nhiều hơn. Đam mê lớn nhất của mình bây giờ là tạo cơ hội cho các startup Việt Nam.
Kinh nghiệm làm Facebook hay GoViet… giúp gì cho Trang khi làm đầu tư ở Alabaster?
Rất nhiều. Khi ở GoViet và Facebook, mình ngồi ở vị trí lãnh đạo, nên mình phải có chiến lược cho công ty. Sản phẩm của các công ty này thì đã được sáng tạo sẵn rồi, nhưng làm sao để người Việt Nam dùng nhiều hơn và tận dụng nó cho các cơ hội kinh doanh khác nhau, làm sao để đem lại nhiều lợi ích cho người dùng thì đó là những cái mà hồi ở Facebook mình làm.
GoViet cũng vậy, sản phẩm của họ đã được định nghĩa rồi: kết nối người lao động với nhu cầu của thị dân. Nhưng đi những bước đi như thế nào, làm sao để thu hút người dùng, để họ sử dụng sản phẩm của mình một cách tiện ích nhất, những vấn đề nào khó vượt qua khi vận hành đội nhóm…
Những điều đó cho mình góc nhìn tốt hơn về kinh tế số, nhìn ra nhiều cơ hội mà Internet có thể mang lại. Nếu không có hai công việc đó thì mình sẽ không nhìn ra được tương tác của con người trên Internet như thế nào và không xác định được các cơ hội mà chỉ thuần túy là một người hiểu về công nghệ thôi.
Thời gian làm ở Facebook và GoViet đã giúp mình có được sự nhạy cảm, hiểu cách mọi người tương tác trên Internet để biết cái gì hiệu quả cái gì không. Thị trường Việt Nam cũng có những đặc thù riêng. Mình đã nghiên cứu cộng đồng Internet Việt Nam vài năm rồi và có khả năng đoán được đội ngũ nào sẽ thành công và không thành công.
Trong buổi giới thiệu về Alabaster tại Việt Nam, Trang có chia sẻ là đang tìm kiếm các startup Việt Nam có định hướng giải pháp công nghệ cho các vấn đề toàn cầu. Hiện Trang đã thấy được những ứng cử viên tiềm năng chưa?
Từ hôm đó đến giờ mình cũng nhận được rất nhiều email, sẽ phải từ từ gặp và tìm hiểu các bạn đang làm gì. Mình hình dung công việc đầu tư là công việc lâu dài và "đãi cát tìm vàng". Đầu tiên phải sàng lọc, cần thời gian để nuôi họ lên chứ không phải sẵn đó bỏ tiền vào mà tới nơi được.
Công việc đầu tư mạo hiểm công nghệ phải rất dài hơi, qua nhiều năm tháng. Nên bạn hỏi đã tìm thấy chưa thì câu trả lời là: "Chắc sẽ tìm thấy thôi, nhưng không thành công ngay đâu". Mình phải đầu tư, hỗ trợ họ và nếu có thành công thì cũng phải nhiều năm sau. Và ngay cả khi họ không thành công thì cũng bình thường (cười).
Cơ hội thành công với một quỹ đầu tư như Alabaster là bao nhiêu khi phải đặt cược vào hầu hết các công nghệ cần có thời gian kiểm chứng?
Thường vòng đời của một quỹ đầu tư là 10 năm. Trong 2-3 năm đầu là đầu tư, 3-4 năm sau là giúp công ty đó đẩy mạnh, 3-4 năm cuối cùng là được mua lại hoặc IPO, hoặc… "tèo" luôn. Trong vòng 10 năm đó, các quỹ sẽ trả vốn lại cho nhà đầu tư.
Riêng Alabaster là quỹ của mình và anh Sơn nên không phải trả tiền lại cho ai hết. Tuy nhiên, anh Sơn và mình cũng đặt ra thời hạn để kiểm tra xem những công ty mà mình đầu tư, công ty nào còn công ty nào mất. Đầu tư từ 2016 đến nay thì chưa có công ty nào mất hết (cười), nhưng có công ty hoạt động hiệu quả hơn những công ty còn lại.
Mình mới chia sẻ về Perfect Day, công ty sữa nhân tạo. Lúc vợ chồng mình đầu tư cho công ty này là năm 2015. Các vòng gọi vốn giờ đã lên hơn 200 triệu USD. Mà những công ty ngang ngửa như vậy thì khả năng trở thành kỳ lân (công ty được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) là rất cao.
Nhưng khả năng mất vốn khi đầu tư mạo hiểm là rất cao, người khác thường làm quỹ với nhiều người góp vốn chứ không chỉ có 2 vợ chồng như gia đình Trang. Thêm nữa, Trang còn quyết không đi làm thuê nữa và tập trung cho Alabaster như kiểu "bỏ hết trứng vào một giỏ"?
Thực ra, với VC (Venture capital) thì 10 lần thất bại nhưng chỉ cần 1 lần thắng là gỡ lại được hết và tỷ suất đầu tư của VC rất khác. Mình với anh Sơn muốn tạo ra lợi nhuận từ Alabaster vì đó là công sức của 2 vợ chồng nhưng cái thích hơn là khi đầu tư vào các startup triển vọng, mình có một cuộc sống rất tích cực.
Mình và anh Sơn cũng đã để dành tiền dự phòng rồi nên lỡ đầu tư có mất hết thì cũng không sao. Tiền bỏ vô quỹ là để cả 2 vợ chồng theo đuổi những đam mê riêng, đóng góp được nhiều điều hữu ích cho cộng đồng. Như anh Sơn là đi sâu về vật liệu, vật lý, năng lượng, còn mình rất thích hỗ trợ các team vận hành, hướng dẫn các bạn founder và cả những người tham gia vào startup đó nữa.
Mình nghĩ chắc là Alabaster sẽ thành công thôi, nhưng kể cả có lỡ không thành công thì tất cả những việc đó cũng khiến cuộc sống của vợ chồng mình có ý nghĩa vì luôn được học hỏi, lúc nào cũng cầu tiến. Đó là những đồng tiền bỏ ra rất đáng. Và tất nhiên, đầu tư như vậy còn hơn là dùng để mua xe và ăn xài (cười giòn tan), nên nếu có mất thì cũng… không sao, không quá lo (cười). Thật đấy!
Ở Việt Nam, trong năm 2019, tinh thần khởi nghiệp lên rất cao và khí thế hừng hực. Ở góc độ một người từng làm thuê, khởi nghiệp và lại đi làm thuê, rồi giờ là một nhà đầu tư hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, việc cổ vũ một trào lưu kiểu "ai cũng có thể khởi nghiệp" sẽ dẫn tới điều gì?
Trào lưu khởi nghiệp cũng đã trải qua một vài giai đoạn rồi. Giai đoạn đầu là nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp đã diễn ra từ năm 2015-2016, cũng có nhiều công ty thất bại rồi. Giờ thị trường khởi nghiệp đã trưởng thành hơn. Cũng phải qua những giai đoạn mọi người rất hào hứng làm rồi mới nhận ra là cứ hăm hở đi làm là không đủ và không nên. Sau đó trào lưu chìm xuống, rồi lại lên lại. Cứ thế nó là một quy trình đào thải tự nhiên: sẽ có những công ty biến mất, có công ty trụ lại được, học hỏi nhiều và trưởng thành.
Khởi nghiệp Việt Nam 2019 đã qua giai đoạn sôi động toàn dân khởi nghiệp rồi. Các bạn trẻ hăm hở nhưng cũng có cái nhìn thực tế hơn, có vốn riêng và năng lực. Thị trường so với 3 năm trước đã lành mạnh hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu quan sát nhân lực của cả những công ty khởi nghiệp lớn thì thấy họ trưởng thành từ tự học rất nhiều chứ không bài bản, mà không bài bản thì khó mà mở rộng tiếp quy mô lớn được.
Mình nghĩ là phải đẩy khởi nghiệp hơn nữa, còn nhiều khoảng trống để phát triển, nhưng không phải đẩy theo kiểu phong trào toàn dân khởi nghiệp mà phải có chiến lược và nguồn lực để phát triển bài bản. Khởi nghiệp là hai tay làm nên sự nghiệp, sẽ cho các bạn trẻ niềm tin về sự công bằng của tri thức, sự kiên nhẫn và cố gắng làm việc. Thúc đẩy nhiều nữa cũng không sao nhưng phải thực chất.
Nếu nhìn vào một vài điểm nhấn về startup công nghệ và phong trào startup của người Việt thì Việt Nam có vẻ không còn là một vùng trũng công nghệ nữa, nhưng nếu nhìn từ góc độ của một nhà đầu tư phải "đốt đuốc" tìm dự án công nghệ tiềm năng như Alabaster thì sao?
Sau một thời gian lăn lộn với Indonesia, mình nhận ra họ có tới 6 kỳ lân, trong khi Việt Nam mới chỉ có VNG. Mình nghĩ có điều gì đó không đúng.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn, về mặt con người, kinh doanh thì nhanh nhẹn, tháo vát, kỹ sư của mình chắc chắn hơn Indonesia. Về dân số, đúng là Việt Nam chỉ bằng 1/3 họ nhưng trình độ dân mình không kém. Nếu nói địa lý thì Việt Nam liền một khối nên logistics thuận lợi hơn Indonesia rất nhiều.
Khi thấy câu chuyện phát triển thần kỳ của Indonesia, mình cho rằng Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tầm. Sẽ còn rất nhiều khoảng trống để phát triển nữa.
Công việc và niềm vui của một founder tại Alabaster khác gì so với vị trí CEO trước đây mà Trang từng đảm nhiệm tại Facebook và GoViet?
Khác nhiều đó. Facebook với GoViet là đi làm thuê nên mình phải giữ vai trò đại diện công ty. Còn Alabaster là của riêng vợ chồng mình, nên được toàn quyền quyết định và Alabaster cũng là đóng góp của mình cho cộng đồng.
Khi đi làm thuê, mình sống với một sản phẩm. Còn khi đầu tư, cùng một lúc mình sống được với rất nhiều sản phẩm, nhiều đội ngũ. Trách nhiệm tập trung không nhiều bằng trước nhưng cho mình lựa chọn được làm nhiều thứ.
Và một thứ rất khác nữa là mình không đại diện cho một tổ chức nào khác nên mình muốn làm gì trong đời sống riêng tư của mình thì mình làm. Hồi ở Facebook đâu có được trả lời báo chí (cười).
Giờ mình có thể đi giảng ở trường đại học cũng được, đi đào tạo mở lớp cũng được, có ý tưởng thì tự xây dựng đội ngũ và làm startup mới cũng được. Trong khi nếu là đại diện cho Facebook hay GoViet thì phải giới hạn mình hơn rất nhiều.
Ngoài 2 vợ chồng Trang, Alabaster vận hành với 4 thành viên chủ chốt khác là 1 người Nhật và 3 người Việt. Quá trình kết hợp với các đồng nghiệp mới này bắt đầu ra sao và giá trị được chia sẻ chung với 2 người sáng lập là gì?
Cả bạn người Nhật và 3 bạn người Việt đều từng làm cho Misfit. Đó là những bạn nòng cốt, yêu thích công việc đầu tư, hỗ trợ cộng đồng startup, và cùng chia sẻ những điều này với vợ chồng mình.
Trước đây khởi nghiệp cùng chồng, giờ lại trở về vị trí đồng sáng lập Alabaster cùng chồng, đi đâu cũng thấy chồng tháp tùng và chăm sóc, mọi người gọi đùa Sơn (chồng Trang) là baby keeper (bảo mẫu). Trang nghĩ gì về điều đó?
Baby keeper? (cười khúc khích) Mình không biết đâu, chỉ thấy hai vợ chồng đi đâu cũng có nhau là sướng lắm. Mình không biết mọi người gọi là gì, mình cũng không quan tâm đâu (cười). Khi anh Sơn đi với mình ở Việt Nam mọi người thấy anh Sơn rất chiều mình. Trang đi đâu thì anh Sơn cũng ủng hộ hết mình.
Nhưng thực ra trong công việc anh Sơn là chủ đạo và mình là người "phục vụ" anh ấy rất nhiều mà nhiều người không biết thôi. Nhìn bên ngoài mọi người cứ nghĩ là anh Sơn đi theo mình chứ thực ra là anh Sơn làm gì thì mình đi theo làm cái đó (cười).
Bài tiếp: Cú sốc khởi nghiệp của CEO công ty chứng khoán trẻ nhất Việt Nam