Lễ cúng ông Công ông Táo: Có thể dùng cá chép giấy thay cá chép sống?

Thanh Tú |

GS Trần Lâm Biền khẳng định, tục thờ cúng Táo quân của người Việt không phải là một hủ tục mê tín dị đoan.

Tín ngưỡng giàu tính nhân văn

Ngày mai, 23 tháng Chạp, theo dân gian là ngày cúng Táo quân, hay còn gọi là Táo công, vua bếp.

GS Trần Lâm Biền (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian) khẳng định trên báo Pháp luật TP.HCM, đây không phải hủ tục mê tín dị đoan mà là tín ngưỡng giàu ý nghĩa nhân văn của người Việt, hướng mỗi người sống lương thiện, làm việc tốt.

Theo GS Biền, tín ngưỡng này có nguồn gốc từ 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành huyền tích 2 ông 1 bà, tức vị thần đất, thần nhà và thần bếp núc.

Khi Táo quân lên chầu trời, sẽ báo cáo với Ngọc hoàng chuyện tốt xấu của gia chủ trong năm, vậy nên gia chủ thường chọn bánh mật cúng, với mục đích Táo quân sẽ báo cáo "những lời ngọt ngào" với Ngọc hoàng, có lợi cho gia chủ.

Còn theo chia sẻ của GS.TS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam) với VOV, Tết ông Công ông Táo là một Tết riêng, nhưng thực ra nó lại mở đầu cho Tết Nguyên đán.

Theo quan niệm, ông Công ông Táo ở trong mỗi gian bếp của gia chủ, do đó những việc tốt, xấu, hòa thuận hay không của gia chủ thì ông Công ông Táo đều nắm rõ.

Vị này cho rằng, ý nghĩa giáo dục của ngày này, là mọi người trong gia đình sống như nào để khi ông Công ông Táo về trầu trời sẽ nói những điều tốt đẹp về gia đình, theo đó các quan thần linh thổ địa sẽ phù hộ cho gia chủ.

Lý do chọn cúng cá chép

Ngoài mâm cỗ, mũ mão, vàng mã..., người ta thường chuẩn bị 3 con cá chép và thường là cá chép đỏ để cúng. Theo VOV, có 2 lý do để người ta chọn cúng cá chép vào ngày 23 tháng Chạp.

Thứ nhất, nền văn minh của người Việt là phát triển lúa nước, mà cá chép là sản vật sông nước được coi trọng. Việc người dân dùng sản vật quý để cúng là tôn trọng thần linh. Thứ hai, theo truyền thuyết thì cá chép có khả năng hóa rồng và có thể bay lên trời. Gia chủ cúng cá chép để mong cá hóa rồng đưa Táo quân lên trời.

Ngoài cúng ông Công ông Táo bằng cá chép sống, có một số gia đình còn dùng cá chép giấy để thay thế. GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, thay cá chép sống bằng cá chép giấy cũng được, tuy nhiên, việc cúng cá chép sống có ý nghĩa phóng sinh theo quan điểm của Phật giáo.

"Không chỉ có ngày 23 tháng Chạp mà trong cả năm, trong nhiều nghi lễ của Phật giáo hay có nghi lễ phóng sinh như thả chim, thả cá… Tất nhiên, Tết ông Công ông Táo cũng có thể cúng cá chép giấy với ý nghĩa làm phương tiện để ông cưỡi về trời. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là lòng thành, mình làm một cách nghiêm chỉnh", VOV dẫn lời GS Ngô Đức Thịnh.

Lễ cúng ông Công ông Táo: Có thể dùng cá chép giấy thay cá chép sống? - Ảnh 2.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại