Sau khi tốt nghiệp đại học, thử đi làm một số công việc đúng chuyên ngành đã học nhưng Thu Hiền (quê Phú Thọ, hiện đang định cư tại Nara, Nhật Bản) đều thấy không phù hợp. Dù sinh ra trong một gia đình không quá khá giả, bố mẹ làm công nhân, nhưng phụ huynh của Hiền là những người kiểu làm 10 đồng thì dành dụm cho con 9 đồng.
Do đó, trong lúc con gái đang loay hoay, bố mẹ khuyên Hiền nên đi du học tự túc để học thêm những cái mới, biết đâu trong hành trình đó sẽ tìm thấy điều mà bản thân giỏi và thực sự đam mê.
Nghe lời khuyên của bố mẹ, Hiền cũng cảm thấy hứng thú, muốn đi để khám phá và thử thách bản thân. Cô quyết định chọn đi Nhật vì gần Việt Nam hơn và chi phí du học cũng rẻ hơn so với việc đi các nước xa như Anh hay Mỹ.
Cặp đôi Thu Hiền và Ryoichi.
Được trai Nhật nhà giàu, kém 5 tuổi theo đuổi
Thời gian đầu sang Nhật, Hiền gặp khá nhiều khó khăn, thứ nhất là về ngôn ngữ. Dù đã học tiếng trước khi sang nhưng cô không thể giao tiếp được với vốn tiếng Nhật của mình. Khó khăn thứ 2 là việc di chuyển bằng tàu điện, khá phức tạp nên không ít lần cô bị lạc, muộn học. Trong khoảng thời gian học tập tại Nhật, Hiền cũng đi làm thêm nhiều công việc để có tiền trang trải.
Khi vừa đi làm, Hiền có dịp gặp gỡ ông xã của mình sau này là Ryoichi, kém Hiền 5 tuổi. Ấn tượng đầu tiên của Hiền vè Ryoichi là vẻ ngoài thật thà, hiền lành.
Thu Hiền đã định cư ở Nhật được 8 năm.
"Chồng mình thì có những ấn tượng không mấy tích cực về mình. Đầu tiên là việc mình hay đi muộn, rồi từ chối lời mời đi ăn cùng mọi người vì muốn tiết kiệm tiền. Ở Nhật, mọi người rất đúng giờ cũng như coi trọng làm việc theo nhóm và quan hệ xã giao.
Tuy nhiên, Ryoichi đã rủ mình nhiệt tình nên không thể từ chối. Ăn xong thì anh nói cũng đã muộn rồi, đi tàu điện không tiện, anh có ô tô nên anh sẽ đưa mình về. Anh còn mời mình đi ăn sushi nữa. Mình lại định từ chối nhưng rồi không cưỡng được sức hấp dẫn của sushi nên quyết định đi.
Lúc đó, Ryoichi nói muốn về nhà thay quần áo nên đưa mình qua nhà. Đi qua thấy nhà anh rất lớn, có 3 chiếc ô tô đỗ ở sân thì mình lại nghĩ: "À chắc định khoe khéo nhà với xe đây mà", Hiền hài hước nhớ lại những kỷ niệm đầu tiên của hai vợ chồng.
Dần dần, Hiền và ông xã nảy sinh tình cảm. Mối quan hệ của họ được gia đình Ryoichi ủng hộ. Bố mẹ chồng rất yêu thương Hiền. Nhưng trái lại, bố mẹ ruột của cô lại kịch liệt phản đối vì chưa biết con rể tương lai là người như thế nào.
Hơn nữa, phụ huynh cũng chưa chuẩn bị tinh thần cho việc con gái lấy chồng xa, tâm lý sợ mất con. Thế nhưng khi Ryoichi về Việt Nam ra mắt, bố mẹ Hiền đã ưng luôn vì: "Trông tử thế, thật thà, nhìn có thể tin tưởng được".
Hiền được gia đình chồng rất yêu thương. Thời gian đầu, cô chỉ sốc văn hóa một chút nhưng sau đó đã quen dần.
Sốc với văn hóa của nhà chồng
"Kết hôn xong, mình sống cùng bố mẹ chồng 1 năm rồi chuyển ra ở riêng cho tiện đi làm. Bố mẹ chồng chiều mình lắm. Nhưng có một điều là thời gian đầu mình bị sốc văn hóa khi gia đình chồng thường tắm chung trong một chiếc bồn.
Nghĩa là trong nhà có một bồn nước nóng và mọi người sẽ lần lượt ngâm mình trong chiếc bồn đó theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn như: Bố chồng, chồng, mẹ chồng, em chồng rồi đến mình. Không phải người này tắm xong thì sẽ tháo nước đi để thay nước mới mà cứ để yên như vậy rồi mọi người thay nhau vào ngâm trong bồn đấy.
Thực ra mọi người cũng sạch, trước khi vào ngâm bồn thì đã tắm trước bằng vòi hoa sen rồi. Mới đầu mình thấy rất sợ, nhưng sau quen rồi thì cũng bình thường", Hiền chia sẻ.
Tổ ấm nhỏ hạnh phúc của vợ chồng Hiền.
Hiện tại, tổ ấm của Hiền đã có 2 cô con gái xinh xắn và đáng yêu. Những ngày giáp Tết, Hiền nhớ Việt Nam da diết vì dịch bệnh phức tạp nên đã 2 năm nay cô chưa về Việt Nam.
"Ở Nhật, mọi người sẽ ăn Tết dương lịch chứ không ăn Tết âm lịch. Và Tết chỉ kéo dài khoảng 3 ngày. Ngày Tất niên thì người Nhật có truyền thống ăn mì Toshikoshi Toba để đón năm mới. Qua năm mới thì mẹ chồng làm Osechi – hộp đựng món ăn mang ý nghĩa may mắn, giàu có, thịnh vượng,… mình thường phụ mẹ làm.
Xem Facebook, tivi thấy ở nhà người thân của mình đón Tết không khí nhộn nhịp, dọn dẹp nhà cửa, rửa lá dong,... nó rất quen thuộc và lâu rồi mình không được trải qua nên nhớ vô cùng. Mẹ thì năm nào cũng hỏi: "Tết này con có về không? Buồn quá, Tết mà chỉ có hai ông bà già". Mình cũng muốn về lắm nhưng có lẽ phải chờ hết dịch và các con lớn hơn một chút thì mới thu xếp về được", Hiền tiết lộ về nỗi nhớ quê hương.
Nguồn: Người kết nối, ảnh: Facebook nhân vật