Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chủ trì hội nghị (Ảnh: Nhật Minh)
“Một bộ phận không nhỏ” cán bộ suy thoái chưa bị đẩy lùi, còn diễn biến tinh vi
Sáng 9/12, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (T.Ư) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng...
Dự hội nghị tại các điểm cầu T.Ư và các điểm cầu trong toàn quốc có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của T.Ư và địa phương.
Báo cáo tại hội nghị về kết quả thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, nghị quyết đã bước đầu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và tăng cường; góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống nhân dân.
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư trình bày báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Nhật Minh)
Từ năm 2016 – 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật . Trong đó, có hơn 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi bị xử lý…
Tuy nhiên, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cũng chỉ ra một số hạn chế như, một số mục tiêu của Nghị quyết T.Ư 4 khoá XII chưa đạt; tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm. Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp uỷ, lãnh đạo chưa rõ ràng.
Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn nghiêm trọng.
“Đến nay bốn nguy cơ của Đảng chỉ ra từ năm 1994 vẫn còn hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; vẫn còn tụt hậu xa về kinh tế, vẫn đối mặt với nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và tệ nạn quan liêu, “diễn biến hòa bình”. Vì thế, Kết luận 21 yêu cầu đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ”, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh.
Thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cấp phó trong quy hoạch
Điểm lại những nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Kết luận 21, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị, xã hội; thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”.
Cùng với đó, thí điểm một số chủ trương, người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp uỷ giới thiệu để bầu uỷ viên ban thường vụ. Đặc biệt thực hiện giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng, cấp dưới trực tiếp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị (Ảnh: Nhật Minh)
Về kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 21, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư khái quát 11 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, sẽ mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm việc tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Đối với những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc quy định của Đảng, biểu hiện lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc thì cấp trên phải xem xét, chỉ đạo cấp dưới kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
Trong nhiệm kỳ này, sẽ tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo theo quy định, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm trong Ban chấp hành T.Ư Đảng đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; trong Quốc hội khoá XV đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn (năm thứ 3, nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp).
Kế hoạch cũng yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách, tài sản nhà nước, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm, khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản thất thoát; thực hiện có hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (thực hiện thường xuyên).