Lấy ‘mác’ thạc sĩ gửi CV tới 200 nhà tuyển dụng, 32 công ty, tôi vỡ mộng: Chỉ có 2 lời mời phỏng vấn, vài bên nhận trả lương 5 triệu đồng

Vũ Anh |

Vỡ mộng với tầm bằng thạc sĩ, cô gái trẻ nghĩ rằng có lẽ mình sẽ nhận bừa một công việc nào đó, kể cả làm sales.

Lấy ‘mác’ thạc sĩ gửi CV tới 200 nhà tuyển dụng, 32 công ty, tôi vỡ mộng: Chỉ có 2 lời mời phỏng vấn, vài bên nhận trả lương 5 triệu đồng - Ảnh 1.

Tháng 6 này, Gloria Li sẽ tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành thiết kế đồ họa. Cô gái này bắt đầu tìm việc từ bây giờ, với mức lương khởi điểm kỳ vọng đạt khoảng 1.000 USD/tháng (gần 25 triệu đồng) tại một thành phố lớn ở Trung Quốc.

Sau khi nhắn tin cho hơn 200 nhà tuyển dụng và gửi CV tới 32 công ty, Li rất bất ngờ vì chỉ nhận được 2 lời mời phỏng vấn. Cũng có một vài bên hồi âm nhưng chỉ đề xuất vị trí TTS lương 200-300 USD/tháng (khoảng 5-9 triệu đồng), ngoài ra không có thêm quyền lợi gì.

Vỡ mộng với tấm bằng thạc sĩ, Li nghĩ có lẽ mình sẽ nhận bừa một công việc nào đó, kể cả làm sales.

“Khoảng 10 năm trước, Trung Quốc phát triển mạnh và đầy ắp cơ hội. Giờ đây, ngay cả khi muốn phấn đấu, tôi cũng không biết mình nên đi hướng nào”, Li chia sẻ.

Từ mức 11,2% tháng 1/2018, tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ Trung Quốc trong tháng 4/2023 đã đạt mức kỷ lục 20,4%. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 5 người trẻ lại có 1 người không có việc. Nếu so với tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản trong độ tuổi 15-24 lần lượt là 6,5%; 6,5%; 4,7%, con số tại Trung Quốc hiện đang cao gấp 3 - 4 lần.

Tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng hơn đối với những sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp cao bởi họ thường kỳ vọng nhiều từ thị trường việc làm. Chẳng hạn như Alan Rong, 26 tuổi, từng làm việc cho 1 doanh nghiệp phát triển bất động sản tại tỉnh Sơn Đông, thất nghiệp 4 tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được công việc mới.

Zhang, tốt nghiệp năm ngoái với bằng thạc sĩ ngành quy hoạch đô thị tại một trường đại học ở Thượng Hải, cũng gửi 130 hồ sơ xin việc nhưng không nhận được bất cứ lời mời làm việc nào.

Cô gái này hiện đang sống tại một phòng ngủ rộng vỏn vẹn 10 m2, trong căn hộ chung cư 3 phòng ngủ cùng một vài người bạn. Trong thời gian chờ việc, Zhang nhận làm gia sư bán thời gian. Mức lương 700 USD/tháng (khoảng 16 triệu đồng) không đủ để trang trải cuộc sống.

Lấy ‘mác’ thạc sĩ gửi CV tới 200 nhà tuyển dụng, 32 công ty, tôi vỡ mộng: Chỉ có 2 lời mời phỏng vấn, vài bên nhận trả lương 5 triệu đồng - Ảnh 2.

Một số chấp nhận chuyển sang công việc chân tay, trong đó có Yolanda Jiang, 24 tuổi. Từ bỏ công việc kiến trúc ở Thâm Quyến vào mùa hè năm ngoái do bị yêu cầu làm việc 30 ngày liên tục, sau 3 tháng tìm việc bất thành, cô quyết định làm bảo vệ trong khu dân cư của một trường đại học. Ban đầu, Jiang thấy xấu hổ, nhưng dần dần lại đánh giá cao công việc này do không vất vả; bản thân được bao ở miễn phí.

Sau 4 năm áp lực với nghề thiết kế đồ hoạ, một cô gái tên Liu cũng đã quyết định xin nghỉ công việc văn phòng ở tuổi 26, sau đó ứng tuyển vào vị trí cắt tỉa lông cho thú cưng. Mức lương chỉ bằng 1/5 so với trước đây song cô hài lòng với sự thay đổi này và khẳng định hy sinh là xứng đáng.

Nghĩ lại công việc trước đó, Liu cho biết việc thường xuyên phải tăng ca làm ngoài giờ khiến bản thân kiệt quệ: “Tôi phát ốm khi phải sống như vậy. Sau thời gian dài suy nghĩ, tôi biết mình chắc chắn không cần công việc này”.

Trên mạng xã hội Xiaohongshu, hashtag “Lần đầu trải nghiệm lao động chân tay của tôi” thu hút hơn 28 triệu lượt xem. Những người hưởng ứng theo xu hướng này cho biết họ rất vui vì không phải tăng ca, lại còn được làm việc trong môi trường ít cạnh tranh, thoải mái.

“Tôi thà mệt mỏi về thể xác khi phải làm việc với những chú chó bất hợp tác, còn hơn là tổn hại về mặt tinh thần khi làm văn phòng”, Liu nói.

Trong khi đó, Wang, cựu giám đốc quảng cáo ở Côn Minh, thì đã thất nghiệp từ tháng 12/2021. Quá bí bách, anh quyết định về quê và bắt đầu một trang trại lợn vì thành phố không có chỗ cho mình.

Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được vấn đề này. Hồi tháng 4, Bắc Kinh đã đưa ra loạt chính sách kích thích thị trường việc làm, trong đó có trợ cấp cho các công ty thuê cử nhân thất nghiệp. Chính phủ muốn các doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng 1 triệu thực tập sinh vào năm 2023 và đã đặt mục tiêu tạo ra 12 triệu việc làm ở thành thị trong năm nay, tăng từ 11 triệu vào năm 2022.

Theo trang web tuyển dụng Zhaopin.com, trong năm 2022, mức lương trung bình hàng tháng dành cho sinh viên tốt nghiệp cử nhân tại Trung Quốc vào khoảng 6.295 nhân dân tệ (20 triệu đồng), thấp hơn 6% so với một năm trước đó. Tờ Thời báo Hoàn cầu đánh giá, tình trạng dư thừa bằng cấp đã khiến mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp đại học thấp hơn cả người lao động thông thường, chẳng hạn như nhân viên giao hàng.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp cao đang là cơn đau đầu của giới chức Trung Quốc bởi tác động tiêu cực của chúng đến xã hội và chính trị. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng, nhất là khi người trẻ Trung Quốc đã quá mỏi mệt với văn hoá 996 (từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần).

Sau khi nhận bằng thạc sĩ năm 2022, Eunice Wang, 25 tuổi, nhận lời đề nghị làm tư vấn quản trị ở Bắc Kinh. Thời điểm đó, cô vô cùng tự hào với sự nghiệp của mình.

Không lâu sau, Wang rơi vào vòng luẩn quẩn bởi khối lượng công việc lớn, bản thân lại không có thời gian nghỉ ngơi. Cô cũng không được gặp bố mẹ gần một năm vì lệnh hạn chế đi lại do dịch bệnh.

Mùa thu cùng năm, Wang nghỉ việc. Cô hiện là nhân viên tại một quán cà phê ở quê nhà Thẩm Dương với mức lương chỉ bằng 20% so với trước, song cảm thấy hạnh phúc hơn với cuộc sống của mình.

“Mọi người đều cho rằng chinh phục được một dự án hoặc giành được hợp đồng lớn là điều tuyệt vời và tôi đã từng tin là như vậy”, Wang nói về công việc cũ, đồng thời cho biết quan niệm giờ đây đã khác xưa rất nhiều.

Theo: The New York Times, Nippon

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại