Lấy cốc nước dập "vạc dầu" Thổ-Israel: Đại sứ mới chỉ xoa dịu 1 điều, ông Erdogan có ẩn ý gì?

Thúy |

Các báo cáo cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bổ nhiệm một Đại sứ tại Israel. Động thái này ngụ ý về sự tan băng sau nhiều năm đối kháng của 2 quốc gia.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Tin tức bổ nhiệm Đại sứ mới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Israel

Tin tức về việc bổ nhiệm một người đã từng học tại Jerusalem đánh dấu sự tan băng trong quan hệ giữa hai nước sau nhiều năm đối kháng và tranh cãi nảy lửa giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Theo báo cáo tuần trước của Al - Monitor trích dẫn từ nguồn thạo tin cho biết, Ankara đã chọn ông Ufuk Ulutas nhằm dẫn đầu nỗ lực xây dựng mối quan hệ với Israel. Ông Ulutas hiện đang đứng đầu trung tâm nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, ông đã lãnh đạo nhóm tư vấn cho chính phủ.

Theo Al Jazeera, ông Ufuk Ulutas đã học chính trị Trung Đông và tiếng Hebrew tại Đại học Hebrew, Jerusalem.

Các nguồn trích dẫn trong báo cáo của Al-Monitor miêu tả ông là nhân vật "rất bóng bẩy" và "rất ủng hộ Palestine". Al Jazeera dự đoán, ông sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc xoa dịu mối quan hệ đã đi từ xấu đến tồi tệ hơn trong những năm gần đây.

Lấy cốc nước dập vạc dầu Thổ-Israel: Đại sứ mới chỉ xoa dịu 1 điều, ông Erdogan có ẩn ý gì? - Ảnh 1.

Ông Ufuk Ulutas

Mối quan hệ sóng gió

Mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel dưới thời Tổng thống Erdogan trở nên trầm trọng hơn vào năm 2010. Thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel sau khi 10 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ người Palestine thiệt mạng trong một cuộc đối đầu với lính biệt kích Israel trên con tàu Mavi Marmara nhằm phá vỡ sự phong tỏa kéo dài nhiều năm của hải quân Israel đối với dải Gaza.

6 năm sau, hai nước khôi phục quan hệ trong một thỏa thuận hòa giải.

Tuy nhiên, quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và phản ứng gay gắt của Israel đối với các cuộc biểu tình trên đường phố của người Palestine sau đó đã dẫn đến sự đổ vỡ khác trong quan hệ bằng việc hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao cấp cao nhất vào tháng 5/2018 nhưng vẫn giữ lại đại sứ quán và lãnh sự quán.

Tại thời điểm đó, lãnh đạo 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã có những cuộc khẩu chiến gay gắt, với những ngôn từ "miệt thị" lẫn nhau. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng gọi Thủ tướng Israel Netanyahu là "kẻ khủng bố", với những chính sách cứng rắn với dải Gaza.

Lãnh đạo Israel cũng đã lên án những bài giảng về đạo đức của ông Erdogan và gọi ông là kẻ ném bom nhằm vào dân thường - ám chỉ những chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd tại Trung Đông, so sánh động thái này với cuộc thảm sát Holocaust.

Đại sự mới khó xoa dịu khẩu chiến, và chỉ có thể cải thiện kinh tế

Tin tức về vị đại sứ mới xuất hiện sau khi các giám đốc tình báo của hai quốc gia đã gặp nhau để mở đường nhằm cải thiện quan hệ.

Cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Al Jazeera: "Họ có thể đã đồng ý về nguyên tắc để dần dần bình thường hóa, vì vậy tôi hy vọng cuộc khẩu chiến sẽ dừng lại và các nhà lãnh đạo sẽ ngừng giao tiếp thông qua các phương tiện truyền thông."

Tuy nhiên một nhà nghiên cứu cấp cao Gallia Lindenstrauss tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia của Đại học Tel Aviv cho biết, ngay cả việc có đại sứ cũng không làm giảm sự nghi ngờ giữa hai bên.

Bà nói thêm: "Cả hai nhà lãnh đạo đều được hưởng lợi từ các cuộc khẩu chiến, do đó, khi có cơ hội, họ sẽ lại sử dụng những lời hùng biện nảy lửa."

Hai bên đã từng có mối quan hệ tốt. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đa số theo đạo Hồi đầu tiên công nhận nhà nước Israel vào năm 1949 và trong suốt thời kỳ hậu chiến, hai nước đã có mối quan hệ nống ấm với tư cách là hai cường quốc phi Ả Rập, hướng về quyền lực phía Tây trong khu vực.

Các chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trước năm 2002, khi Đảng Công lý và Phát triển của ông Erdogan lên nắm quyền, thường thúc đẩy mối quan hệ bền chặt, với sự hợp tác rộng rãi về quốc phòng, thương mại và du lịch.

Vào năm 2005, ông Erdogan đến thăm Israel, đề nghị làm đặc phái viên hòa bình về vấn đề liên quan đến Palestine, tuy nhiên cuộc tấn công của Israel vào Gaza vào năm 2008-2009 đã làm ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ thân thiết này.

Mặc dù vậy, thương mại hàng năm giữa các quốc gia đã dao động trong khoảng 4.5 tỷ USD - 6 tỷ USD trong 8 năm qua. Theo cơ quan thống kê của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, 10 tháng đầu năm nay, thương mại đạt hơn 5 tỷ USD.

Aljazeera nhận định, sự trở lại của quan hệ ngoại giao đầy đủ chỉ có thể cải thiện quan hệ kinh tế.

Ẩn ý của ông Erdogan

Trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học John Hopkins Lisel Hintz cho biết, việc ông Erdogan tự nhận vai trò đại diện của người Hồi giáo dòng Sunni là trọng tâm trong cách tiếp cận của ông với Israel.

Bà nói với Al Jazeera: "Đối với ông Erdogan, việc ủng hộ sự nghiệp của người Palestine bắt nguồn từ niềm tin của chính ông về tính hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là nhà lãnh đạo Hồi giáo trong khu vực, cũng như sự ủng hộ trong nước và khu vực mà ông ấy có thể tạo ra mỗi khi đứng trước Israel."

Bà cũng lưu ý rằng những luận điểm đối trọng với Israel của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thường trùng hợp với các sự kiện chính trị quan trọng ở địa phương. Chuyên gia Hintz cho biết việc bảo vệ người Palestine giành được "sự ủng hộ từ các nhóm Hồi giáo khác" trong khi "đối đầu với Israel sẽ giúp ông ấy giành được sự ủng hộ của chủ nghĩa dân tộc trong và ngoài nước".

Ông Erdogan cũng được nhận xét là người "tính toán, thực tế và có thể tạo ra những thay đổi đáng ngạc nhiên khác, chẳng hạn như mối quan hệ dựa trên kinh tế với Israel vào năm 2016 - bước đi được coi là một chiến thắng cho Thổ Nhĩ Kỳ."

Nhiều nhà quan sát coi hành động bổ nhiệm Đại sứ mới là phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ trước những áp lực từ bên ngoài tới nước này, cũng như tình hình kinh tế khó khăn trong nước. Trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Joe Biden, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với chính sách cứng rắn hơn từ Mỹ đối với sự can dự của họ ở Syria, Libya và Caucasus.

Trong tuần qua, châu Âu và Mỹ đã đồng ý các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ankara, trước đó là việc thăm dò năng lượng của nước này ở Đông Địa Trung Hải - động thái đối mặt với các thành viên của Liên minh châu  (EU) là Hy Lạp và Síp, sau đó là việc triển khai tên lửa S-400 của Nga.

Việc khôi phục quan hệ với Israel cũng có thể là để "chuẩn bị cho một chính quyền mới ở Washington, nhà ngoại giao nói thêm: "Họ đang chuẩn bị để quan hệ thân thiết hơn với EU và với cả chính quyền ông Biden."

Chưa có các nhận chính thức vào về việc bổ nhiệm ông Ulutas, dẫn đến nghi ngờ rằng ông có thể giữ những cấp bậc ngoại giao thấp hơn.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại