Nhóm khảo cổ từ Đại học Van Yüzüncü Yıl cho biết họ đã khai quật phần còn lại của lâu đài ma trong trạng thái bị chôn vùi trên đỉnh núi thuộc miền Đông tỉnh Van của Thổ Nhĩ Kỳ. Thiết kế, vật liệu, vị trí của lâu đài giúp họ khẳng định nó thuộc về Vương quốc Uratu hay còn gọi là Vương quốc Van cổ đại, một đế chế hùng mạnh thống trị vùng đất này nhiều thế kỷ trước Công Nguyên.
Theo Acient Origins, các cuộc khai quật mới bắt đầu nên còn quá sớm để xác định quy mô của lâu đài, nhưng rõ ràng nó rất hùng vĩ với những bức tường kiên cố bằng đá vôi và sa thạch. Họ đã khai quật được tàn tích của một bể chứa nước dung tích 105.000 lít, có thể phản ánh phần nào quy mô của lâu đài và số người khổng lồ từng sinh sống bên trong.
Hiện trường khai quậy ở đỉnh núi cao 2.500 mét - Ảnh: Đại học Van Yüzüncü Yıl
Lâu đài có niên đại 2.800 năm và có vẻ đã được sử dụng suốt nhiều thế kỷ, thậm chí tái sử dụng trong thời Trung Cổ.
Nền văn minh Uratian – đế chế Uratu cổ đại tọa lạc trong một khu vực trù phú, chủ yếu nhờ một cao nguyên màu mỡ lọt thỏm giữa vùng núi đá, có nguồn nước tự nhiên dồi dào. Nơi đây cũng có rất nhiều mỏ kim loại quý chứa vàng, bạc, đồng, chì và sắt, giúp người dân sống thoải mái, giàu có qua nhiều thế kỷ.
Miền đất này cũng nằm gần với các tuyến đường thương mại cổ đại. Với nhiều sản phẩm hấp dẫn để giao dịch, người dân vương quốc này trở nên ngày một giàu có và thịnh vượng. Họ nổi tiếng với những lâu đài đồ sộ với kiến trúc đáng kinh ngạc, được xây chót vót trên các đỉnh núi đá, trở thành những pháo đài vững chắc bảo vệ vương quốc.
Tuy nhiên, những cuộc chiến tranh liên miên bởi nhiều đế chế khác lăm le miền đất giàu có này đã đẩy văn minh Uratian vào chỗ diệt vong vào khoảng năm 590 trước Công Nguyên, bởi những kẻ chinh phục vô danh.