Tình trạng phân lô , bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương đã tái xuất và cơ quan chức năng đang xử lý.
Có tình trạng nhộn nhạo trở lại là do cách xử lý của cơ quan chức năng cùng sự thiếu hiểu biết của người dân.
Các chiêu trò gian dối
Thời gian qua, rất nhiều khu đất nông nghiệp không được quy hoạch là đất ở bị phân lô, tách thửa trái pháp luật đất nền và đến khi vỡ lở gây mất an ninh trật tự, làm phá vỡ quy hoạch của địa phương, cản trở thu hút đầu tư vì giá đất đã bị đẩy lên quá cao.
Tại TP.HCM, các đại biểu HĐND chỉ mặt những dự án ma nở rộ tại quận 9, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn…
Các dự án ma chủ yếu nằm trên các khu đất không phù hợp quy hoạch, thậm chí đất công. Điển hình như khu đất tại phường An Lạc (quận Bình Tân) được quy hoạch làm công viên cây xanh nhưng Công ty Angel Lina vẽ lên đó dự án khu dân cư (KDC) Triều An để bán.
Tại Đồng Nai, Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba rao bán đất nền của 29 dự án. Trong đó, tại huyện Long Thành, công ty này có 27 dự án, huyện Nhơn Trạch có một dự án, huyện Xuân Lộc có một dự án.
Alibaba dùng chính sách nâng mức chi trả cho khách hàng khi đầu tư mua đất nền (chưa chắc có sản phẩm cụ thể) với lãi suất đến 48%.
Dự án phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp của Công ty CP Địa ốc Alibaba tại thị xã Phú Mỹ bị cưỡng chế, phá dỡ. Ảnh: TK
Ở quận 9, TP.HCM, người dân phản ánh việc phân lô, mua bán đất nền (trên giấy) tại khu đất mặt tiền đường Lò Lu, phường Trường Thạnh.
Đây là khu đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản nhưng Công ty cổ phần TK-XD Địa ốc Đại Phúc Real đã tham gia thực hiện phân phối, mua bán với tên là khu dân cư cao cấp Long Phụng 1. Tuy nhiên, UBND phường khẳng định “Không có dự án nào mang tên kdc cao cấp Long Phụng 1 tại đây”.
Chủ sử dụng đất cũng khẳng định không ủy quyền hay thực hiện bất kỳ cam kết nào cho công ty này đại diện tham gia phân phối, mua bán thửa đất này.
Tại Bình Thuận, chính quyền xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận khẳng định không có dự án nào có tên gọi là Ali Venice City như Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba rao bán. Theo quảng cáo thì đây là khu đô thị sinh thái có diện tích 197 ha và mỗi nền bán ra chỉ 120 triệu đồng!
Còn có tình trạng dự án, công trình trái phép vẫn bán. Như ở Hà Nội, hàng ngàn người dân đã mua căn hộ tại chung cư HH Linh Đàm chưa làm được sổ đỏ do chung cư này là một trong những chung cư có số căn hộ vượt quá so với quy hoạch.
Có dự án đất nền đã bán nhưng chủ đầu tư mang đi thế chấp khiến cư dân lao đao vì phụ thuộc khả năng trả nợ của bên thứ ba.
Ví dụ, ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty TNHH Tư vấn - dịch vụ - thương mại Thanh Bình ký hợp đồng chuyển nhượng đất nền tại dự án khu biệt thự Thanh Bình phường 10, TP Vũng Tàu.
Tuy nhiên, công ty không bàn giao giấy tờ đất cho khách hàng như thỏa thuận mà đem thế chấp tại nhiều ngân hàng để vay vốn. Đến nay một số thửa đất đã bị bán đấu giá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng.
Xử lý của địa phương
Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố điều tra vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án khu biệt thự Thanh Bình…
Với những dự án ma, dự án còn nằm trên giấy, dự án trên đất công…, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP.HCM, cho hay trên địa bàn quận có tới 10 dự án tương tự như dự án KDC Triều An. Quận Bình Tân đã cắm biển cảnh báo để người dân không bị mắc lừa nhưng vẫn không ăn thua.
Quận đã báo cáo UBND TP và kiến nghị Công an TP điều tra, xử lý các công ty đã công khai vẽ dự án ảo để lừa đảo người dân.
Còn ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cũng cho biết huyện đã xác minh được khoảng 100 trường hợp người dân bị mắc lừa và đã đề nghị công an khởi tố vụ án.
Với dự án mang tên kdc cao cấp Long Phụng, UBND phường Trường Thạnh, quận 9 đã thông báo đến nhân dân sinh sống trên địa bàn và các khu vực lân cận và đề nghị các tổ chức, cá nhân có giao dịch đặt cọc, mua bán tại khu đất liên hệ công an để tố cáo.
Nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Thuận cũng cho cắm biển cảnh báo lớn trên nhưng khu đất mà các công ty rao bán là dự án ma nhưng xem ra các biện pháp cảnh báo vẫn chưa đến được với người dân.
Xử lý của các cơ quan chức năng vẫn còn mỗi nơi một khác nên tình trạng dự án ma, bán đất ảo vẫn cứ nhộn nhạo.
Lý do khởi tố vụ án ở Bà Rịa-Vũng Tàu
Theo công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cơ quan CSĐT công an tỉnh này đã khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại dự án khu biệt thự du lịch Thanh Bình để tiếp tục điều tra.
Lý do là nhiều khách hàng mua nền tại dự án đã tố giác ông Phạm Quốc Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Bình) vì họ đã đóng tiền (có biên lai thu tiền, biên bản bàn giao đất trên thực địa, có người đã xây nhà ở trên đất từ lâu…) nhưng công ty không giao giấy tờ chủ quyền đất cho khách hàng.
Ngược lại, công ty đem tài sản đó thế chấp tại nhiều ngân hàng để vay vốn, đảm bảo vay vốn cho bên thứ ba. Đến nay một số thửa đất đã bị bán đấu giá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng…
Sau khi khởi tố vụ án, CQĐT sẽ tiếp tục điều tra, làm việc với các bên, trong đó có ngân hàng để làm rõ quá trình thế chấp, vay vốn của công ty này.
Công an cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tạm dừng việc chuyển dịch về đất đai đối với toàn bộ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Thanh Bình tại phường 10, Vũng Tàu cho đến khi CQĐT kết thúc điều tra, giải quyết vụ việc.