Để đưa những đối tượng phạm tội ra ánh sáng là hành trình gian khó nhưng đầy quả cảm và mưu trí của các trinh sát truy nã tội phạm CA tỉnh Bình Định.
"Các ông giỏi !"
Những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều hành khách trên các tuyến xe Bắc - Nam qua địa phận Quảng Ngãi, Bình Định luôn bị ám ảnh bởi nạn trộm cướp.
Thời điểm ấy, không ít vụ cướp bằng hình thức đánh thuốc mê diễn ra tại Bình Định mà các đối tượng bị bắt sau đó đều khai do Vũ Đức Trịnh (1954, quê Thái Bình) cầm đầu.
Kế hoạch truy tìm Trịnh diễn ra gắt gao nhưng bất thành bởi y có biệt tài "sủi tăm" rất kỹ.
Bẵng đi một thời gian dài, tới năm 2006, tại địa bàn Bình Định lại xảy ra các vụ cướp cũng bằng hình thức đánh thuốc mê có thủ đoạn giống của Vũ Đức Trịnh.
Cụ thể, các đối tượng thuê xe ô-tô sau đó đánh thuốc mê tài xế, cướp xe, giấy tờ cùng toàn bộ tài sản. Qua đấu tranh, một đối tượng trong đường dây bị bắt và khai ra Vũ Đức Trịnh là chủ mưu.
Sau khi củng cố hồ sơ, CA tỉnh Bình Định đã phát lệnh đặc biệt nguy hiểm đối với Trịnh vào năm 2007, nhưng cũng nhiều năm sau vẫn chưa bắt được y.
Tới năm 2013, khi Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTNTP) đã được thành lập, hồ sơ về Trịnh với những vụ cướp chấn động tại Bình Định được lật lại, nghiên cứu và tiến hành kế hoạch truy bắt. Đại úy Phạm Thế Hưng - Đội trưởng Đội truy bắt - Phòng CSTNTP CA tỉnh Bình Định cho biết, Trịnh không thay hình đổi dạng nhưng lại đi nhiều nơi, kể cả sang Lào, Campuchia để trốn.
Khi dựng lại mối quan hệ của Trịnh, các TS đã phải tỏa đi nhiều địa phương, vì Trịnh có anh ruột đang thụ án chung thân tại Lạng Sơn, chị ruột thụ án tại Trung Quốc đều về tội "Buôn bán ma túy", có vợ bé đang ở Hà Nội, có mẹ ở Thái Bình.
Qua nhiều ngày xác minh vất vả, nhất là từ vợ bé của Trịnh, cuối cùng các TS cũng phát hiện đối tượng đang thuê đất ở Hải Dương để lập trang trại trồng trọt, cung cấp rau quả cho Hà Nội.
Sự cáo già của Trịnh ở chỗ y ngang nhiên hợp đồng thuê đất của một Trại giam để lập trang trại ẩn náu với ý nghĩ "nơi nguy hiểm là nơi an toàn nhất".
Quả thực, các TS cứ xác minh tới Trại giam thì dừng lại, mãi sau này mới quyết định tiến sâu vào bên trong.
Đại úy Hưng nói, từ khi phát hiện Trịnh trong trang trại ở Hải Dương, tổ TS phải lên phương án chi tiết, ròng rã suốt 1 tháng trời mới có thể bắt được đối tượng.
Trong thời gian này, một nhóm người thường xuyên vào khu trang trại của Trịnh săn bắt chuột, đôi khi là rắn. Sau đó lại có một nhóm người thu mua rau củ đến liên hệ tiêu thụ rau của Trịnh.
Mặc dù rất tinh quái, nhưng Trịnh không thể biết được rằng 2 "nhóm người" này đã nắm rất rõ địa hình cũng như sinh hoạt của Trịnh tại dây.
Khi Trịnh đang ở trong lán, tay cầm dao làm cá chuẩn bị cho bữa trưa, các TS bình tĩnh chuyện trò, chờ khi đối tượng bỏ dao xuống, tới vị trí an toàn mới bất ngờ ra tay.
Khi bị bắt, Trịnh không chống đối, thừa nhận hết tội của mình, chỉ nói một câu gọn lỏn: "Các ông giỏi!".
Đại ca đất Cảng dạt vào Nam
Một trong những đối tượng giang hồ khét tiếng từng cầm đầu băng cướp 25 tên, gây ra 150 vụ trộm, cướp tại 15 tỉnh, thành phố và cả Campuchia những năm 80 (thế kỷ trước) là Bùi Đức Lưu (1953, quê Hải Phòng).
Năm 1986, Lưu bị CA tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định, Quảng Ngãi) bắt tạm giam, sau đó y lợi dụng sơ hở bỏ trốn và bị TAND Nghĩa Bình xử vắng mặt tuyên phạt 18 năm tù.
Sau khi bỏ trốn, Lưu vào Cần Thơ thay tên đổi họ thành Phan Viết Sơn có hộ khẩu tại Bạc Liêu. Tất nhiên, để phù hợp trong sổ hộ khẩu, Lưu cũng đổi luôn họ tên cho cha và mẹ của mình.
Với bản chất của một đại ca, Lưu thay tên đổi họ không chỉ để trốn truy nã mà còn để phục vụ tiếp cho việc phạm tội của mình. Y đã gây ra hàng loạt vụ phạm tội mới ở Phú Yên, Ninh Thuận, TPHCM.
Năm 2014, lật lại hồ sơ các đối tượng trốn truy nã lâu năm chưa tìm ra, Phòng CSTNTP CA tỉnh Bình Định quyết định nghiên cứu hồ sơ, lên kế hoạch truy bắt Bùi Đức Lưu.
Tổ TS đã ra Hải Phòng để dựng lại các mối quan hệ của Lưu.
Tuy nhiên, qua xác minh thì cha mẹ của Lưu đều đã chết, bản thân Lưu không đăng ký hộ khẩu ở Hải Phòng, anh em ruột của Lưu cũng trôi dạt đi nhiều nơi không rõ tung tích vì thế manh mối gần như rơi vào ngõ cụt.
Thượng tá Nguyễn Hữu Lợi - Trưởng phòng CSTNTP CA tỉnh Bình Định kể, trong lúc đầu mối tại Hải Phòng gần như bế tắc thì qua nghiên cứu hồ sơ một vụ lừa đảo tại Sông Cầu - Phú Yên, phát hiện thấy đối tượng gây ra vụ án này là Phan Viết Sơn có ảnh lưu trong hồ sơ rất giống với ảnh truy nã của Bùi Đức Lưu, do đó rất có thể 2 đối tượng này là một.
Trong hồ sơ vụ án này cũng thể hiện Sơn có vợ là K. (1960, trú Q. Bình Thủy, Cần Thơ) và chiếc xe máy Sơn sử dụng gây án cũng mang tên K.
Tiếp tục nghiên cứu hồ sơ một vụ án khác do Sơn gây ra tại TPHCM thì phát hiện hộ khẩu của Sơn ở Bạc Liêu, nhưng khi về tận địa phương xác minh thì đó chỉ là hộ khẩu "ma".
Từ những thông tin có được, tổ TS nhận định nhiều khả năng Lưu đã đổi tên thành Sơn và đang trú tại quê vợ ở Cần Thơ.
Khi vào Cần Thơ, các TS phát hiện Sơn không có hộ khẩu tại địa phương mà chỉ đăng ký tạm trú, y có vợ và 2 con, bản thân làm nghề cầm cái số đề, cá độ đá banh, cho vay nặng lãi.
Đại úy Phạm Thế Hưng cho biết, do đối tượng rất cảnh giác, lại trốn truy nã gần 30 năm nên hình dạng đã thay đổi rất nhiều.
Vì thế, để xác minh Sơn có phải là Lưu không, tổ TS đã tốn rất nhiều công sức. Cuối cùng khi đã khẳng định đối tượng chắc chắn là Bùi Đức Lưu, các TS đã khéo léo tiếp cận, ra tay bắt giữ.
Khi bị bắt, Lưu mạnh miệng chối bảo TS đã bắt nhầm người, mình là Sơn. Tuy nhiên, trước các chứng cứ rành rành mà tổ TS trưng ra, Lưu đã phải cúi đầu thừa nhận.
(còn nữa)