1 năm trước, ngày 24/11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga. Sự vụ này đã tạo ra căng thẳng tột độ trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn có những quan ngại rằng hai bên có thể xảy ra chiến tranh.
Tuy nhiên, giới quan sát khi đó cho rằng sẽ không có bất cứ cuộc chiến tranh nào vì cả Nga, cả Thổ Nhĩ Kỳ đều không cần đến cuộc chiến tranh này.
Tuy nhiên, khi quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang có chiều hướng cải thiện, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại đưa ra tuyên bố khá sốc về mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ khi đưa quân vào Syria.
“Theo tính toán của tôi, đã có gần 1 triệu người chết ở Syria và con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng, cả trẻ em, phụ nữ và đàn ông.
Liên Hợp Quốc đã ở đâu? Tổ chức này đang làm cái gì? Chúng tôi đã cố gắng nhẫn nhịn nhưng đã không thể ngồi yên thêm nữa nên Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đưa quân đội vào Syria để phối hợp với Quân đội Tự do Syria.
Chúng tôi không có tham vọng với lãnh thổ Syria. Chúng tôi đến đó để khôi phục công lý, để chấm dứt chế độ độc tài Assad - kẻ đã làm nảy sinh khủng bố ở Syria. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ không có các mục đích khác”- ông Erdogan tuyên bố.
Tuyên bố này được cho là đi ngược với chiến lược hành động của Nga ở Syria là ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peskov khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể thực hiện được mục đích này, đồng thời nhấn mạnh, Moscow đang chờ đợi lời giải thích của phía Thổ Nhĩ Kỳ về tuyên bố trên.
Theo giới phân tích, nhiều khả năng lời giải thích của phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đưa ra trong khuôn khổ hội đàm Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Về bản chất, tuyên bố trên của Tổng thống Erdogan được đưa ra 5 ngày sau khi một số binh sỹ của Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng do gánh chịu các đòn không kích của Không quân Syria ở khu vực gần thành phố Al-Bab.
Đáng chú ý là tuyên bố này được ông Erdogan đưa ra trong hội nghị với nghị sỹ các quốc gia Ả rập khác có quan điểm phải lật đổ chế độ Assad tại Syria.
Hơn nữa, khi Quân đội Chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát đối với phần lớn lãnh thổ thành phố Aleppo thì tuyên bố này của ông Erdogan sẽ khó có thể được hiện thực hóa.
Thực tế chiến trường Syria sẽ là minh chứng rõ nét cho nhận định về việc lật đổ chế độ Assad của ông Erdogan sẽ chỉ là “giấc mơ không thể hiện thực hóa”.
Từ tháng 8/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân đội tiến vào lãnh thổ Syria sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa được quan hệ với Nga. Tuy nhiên cho đến nay, lực lượng này của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thể tiến sâu hơn vào lãnh thổ Syria.
Mục đích chính của Thổ Nhĩ Kỳ khi đưa quân vào Syria chỉ là nhằm ngăn chặn việc hình thành khu vực tự trị của cộng đồng người Kurd trên lãnh thổ dọc theo biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Do đó, đụng độ, va chạm quy mô nhỏ có thể xảy ra giữa lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ với Quân Chính phủ Syria nhưng chiến tranh quy mô lớn giữa hai lực lượng này sẽ không thể xảy ra.
Hơn nữa, cho dù không suy nghĩ kỹ thì ông Erdogan cũng thừa hiểu rằng ông Bashar al-Assad là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Putin.
Không có bất cứ lực lượng nào muốn chiến tranh với Nga hay đồng minh của Nga cả. Ông Erdogan chắc hẳn là người hiểu rõ điều này nhất sau sự vụ đối với máy bay Su-24 của Nga.
Về bản chất, ông Erdogan rất muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad nhưng bản thân ông Erdogan cũng thừa hiểu rằng đó là điều không tưởng.
Do đó, đích ngắm chính của ông Erdogan là người Kurd. Nếu như Mỹ và Nga có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ làm suy yếu “mối đe dọa mang tên người Kurd” thì Erdogan sẽ bảo vệ được các lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, ông Erdogan không hề muốn phá vỡ chiến lược của Nga ở Syria. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm kiếm cơ hội có được tiếng nói chung với chính quyền mới của Mỹ.
Tổng thống Erdogan dự kiến sẽ đi thăm Mỹ và gặp gỡ với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trước khi ông Trump làm lễ nhậm chức Tổng thống (dự kiến 20/1/2017). Ankara đang hy vọng rằng ông Trump sẽ không ủng hộ người Kurd mạnh mẽ như ông Obama.
Trong bối cảnh tân Tổng thống Mỹ có thể đạt được thỏa thuận với Nga về giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, ông Erdogan sẽ không dại dột gì lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà sẽ phải chờ đợi các động thái từ thỏa thuận Nga - Mỹ thời gian tới.
Vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay trong giải quyết tình hình Syria thuận lợi hơn nhiều so với thời điểm tháng 11/2015. Bài học từ sự vụ Su-24 vẫn còn nóng hổi và hiển nhiên ông Erdogan không muốn lặp lại sai lầm này.