Thị trường PC toàn cầu đã chứng kiến sự sụt giảm kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ở trong giai đoạn không chắc chắn và số lượng hàng tồn kho tăng lên đã khiến doanh số bán PC toàn cầu sụt giảm trong 4 quý liên tiếp.
Theo công ty nghiên cứu dữ liệu Gartner, các lô hàng máy tính để bàn và máy tính xách tay trên toàn thế giới đã giảm 19,5% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức sụt giảm lớn nhất mà Gartner đã ghi nhận trong hơn hai thập kỷ theo dõi thị trường.
Trong khi đó, khi theo dõi dữ liệu tổng hợp từ đơn vị theo dõi thị trường khác là Canalys, đây cũng là mức sụt giảm lớn nhất từng được ghi nhận.
Hoạt động của các nhà sản xuất PC hàng đầu thế giới trong quý 3/2022.
Doanh số bán PC trên toàn cầu ảm đạm trùng khớp với thời kỳ biến động của ngành công nghệ, hiện đang phải đối mặt với rất nhiều hạn chế sau khi chính phủ Mỹ áp đặt một số lệnh cấm vận đối với việc xuất khẩu chip và công nghệ sang Trung Quốc vào tuần trước.
Giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) cũng chứng kiến mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay trong phiên giao dịch ngày 11/10 khi thị trường phản ứng mạnh với các lệnh trừng phạt mở rộng.
Các nhà cung cấp PC và các nhà cung cấp chip lớn như Advanced Micro Devices Inc. (AMD) đã cảnh báo thị trường máy tính sẽ chậm lại trong năm nay. Nhu cầu sắm PC để phục vụ hình thức làm việc từ xa và học trực tuyến trong đại dịch đã giảm xuống khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, qua đó giảm bớt động lực tăng trưởng đối với thị trường.
Thực tế, khối lượng vận chuyển PC hiện tại vẫn tương đương so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát và các nhà sản xuất PC vẫn tích cực tuyển dụng nhân sự, cho thấy nhu cầu thương mại vẫn ở mức chấp nhận được.
Dù vậy, theo Canalys, việc cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ sau đại dịch có thể khiến thị trường PC chịu tác động tiêu cực trong năm tới.
Nhà phân tích Ishan Dutt của Canalys cho biết: “Sự suy giảm nhu cầu nhanh chóng trên tất cả các phân khúc là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với cả các nhà cung cấp lẫn các bên liên quan trong toàn bộ chuỗi cung ứng PC.
Những ông lớn ngành chip như Intel và AMD đang phải đối mặt với những khó khăn do sự yếu kém trong mảng kinh doanh PC của họ. Trong khi đó, các nhà sản xuất linh kiện nhỏ hơn, từ vi mạch đến bộ nhớ, đang cắt giảm sản lượng và hạ dự báo thu nhập”.
Nhà phân tích của Canalys cũng dự báo rằng thị trường PC toàn cầu có khả năng sẽ chứng kiến sự phục hồi vào nửa cuối năm 2023.
Lenovo Group Ltd. vẫn là nhà sản xuất PC hàng đầu thế giới trong quý 3, mặc dù lượng hàng xuất xưởng của hãng đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, theo Gartner. Trong số 5 nhà cung cấp PC hàng đầu thế giới hiện nay, HP Inc. có mức sụt giảm doanh số lớn nhất trong quý 4 với mức giảm 28% so với cùng kì năm 2021.
Ảnh minh họa
Mặc dù các thương hiệu như Nvidia, Intel và AMD đang dẫn đầu về công nghệ vi xử lý so với các thương hiệu lớn của Trung Quốc, tuy nhiên có những thành phần khác trong PC cũng quan trọng không kém và không yêu cầu quy trình sản xuất tiên tiến như vậy đặt tại Trung Quốc.
Ví dụ với YMTC, một công ty cung cấp bộ nhớ NAND flash dày đặc cho SSD và thẻ nhớ với dung lượng lưu trữ cao. Apple đã bắt đầu sử dụng bộ nhớ flash của nhà sản xuất này trong máy tính và điện thoại di động của mình, dẫn đến việc công ty bắt đầu nhận lời cảnh báo từ chính phủ Mỹ. Quan trọng là, Trung Quốc đang trở nên thành thạo hơn trong lĩnh vực chip nhớ.
Việc hạn chế các công ty bộ nhớ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến giá máy tính xách tay. Hiện tại, bất chấp mối quan hệ chính trị căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, thực tế là các công ty như Asus, Gigabyte và nhiều thương hiệu khác hợp tác rất chặt chẽ với các nhà sản xuất Trung Quốc. Để tạo ra những chiếc máy tính xách tay rẻ hơn, các nhà sản xuất này lại mua RAM và SSD từ các nhà cung cấp Trung Quốc, đặc biệt là Lenovo.