Giải pháp trên được phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thành Liêm đồng ý giao Sở Tài nguyên môi trường chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải khảo sát nghiên cứu thực hiện.
UBND TP lưu ý việc lắp vòi bơm phun nước, máy quạt bề mặt… không chỉ để tăng cường ôxy hòa tan mà còn nhằm tạo cảnh quan phù hợp.
Tại hội thảo “Cơ sở khoa học về sức tải thủy vực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” tổ chức ngày 28-10, ông Trần Văn Sơn, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết liên tục ba năm liền (từ năm 2014 đến nay) năm nào cũng xảy ra hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Mỗi lần cá chết, ít thì vài tấn, nhiều hàng chục tấn (số cá chết được cơ quan chức năng công bố ngày 18 và 19-5-2016 là trên 70 tấn).
Nguyên nhân cá chết do vấn đề ô nhiễm do môi trường nước bị thay đổi đột ngột trong những cơn mưa đầu mùa.
Còn theo nghiên cứu của PGS-TS Vũ Cầm Lương - trường Đại học Nông lâm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có tới 84,2% là cá rô phi sinh sống.
Ngoài giải pháp được UBND TP chấp thuận, ông Lương còn cho rằng cần phải thực hiện “tỉa” bớt cá rô phi và kiểm soát chất lượng nước thải xuống dòng kênh này.