Lập trường khác biệt ở phương Tây về việc điều binh sĩ NATO đến Ukraine phản ánh điều gì?

Hà Linh |

Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập đến khả năng điều binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến Ukraine, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu đã lên tiếng bác bỏ viễn cảnh này, cho thấy bất đồng của phương Tây.

Lập trường khác biệt ở phương Tây về việc điều binh sĩ NATO đến Ukraine phản ánh điều gì?- Ảnh 1.

Binh sĩ Đức tham gia cuộc tập trận của NATO tại Pabrade, Litva, ngày 7/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris hôm 26/2, Tổng thống Pháp Macron không loại trừ khả năng đưa quân nhân NATO tới Ukraine để ngăn chặn chiến thắng của Nga. Theo CNN, sau phát biểu của ông Macron, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đều nhắc lại rằng Tổng thống Joe Biden đã loại trừ việc điều quân đội Mỹ đến chiến đấu ở Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh quân sự này không có kế hoạch đưa quân tới Ukraine. Nhiều lãnh đạo châu Âu khác như Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng bày tỏ không có chủ trương cử binh sĩ tham chiến.

Kênh Al Jazeera đánh giá việc điều binh sĩ đến Ukraine là điều cấm kỵ, đặt biệt trong bối cảnh NATO tránh bị lôi kéo vào xung đột rộng hơn với Nga. Và NATO sẽ chỉ tham gia khi cả 31 thành viên đều nhất trí.

Về phần mình, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng một cuộc xung đột trực diện giữa NATO và Nga là không thể tránh được nếu khối quân sự này điều binh sĩ tới Ukraine.

Trong bối cảnh quan điểm của Tổng thống Macron không nhận được nhiều ủng hộ, chính phủ Pháp đã nỗ lực làm rõ phát biểu của nhà lãnh đạo này. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne ngày 27/2 nêu rõ Tổng thống Macron đề cập đến việc điều binh sĩ, nhưng cho một số nhiệm vụ đặc thù, ví dụ như dò mìn, sản xuất vũ khí và an ninh mạng. Bà Sejourne phân tích: “Những công việc này đòi hỏi hiện diện của binh sĩ trên lãnh thổ Ukraine mà không vượt qua ngưỡng chiến đấu. Việc điều binh sĩ không nhằm phát động chiến tranh chống Nga”.

Giáo sư Cui Hongjian tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 28/2 nhận định với tờ Global Times rằng lập trường trái ngược của Mỹ và một số nước châu Âu với nhà lãnh đạo Pháp Macron phản ánh sự chia rẽ nội bộ hiện nay ở phương Tây về vấn đề Ukraine. Giáo sư Cui Hongjian bổ sung rằng NATO khó có thể trực tiếp tham gia vào xung đột và thay vào đó lựa chọn áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động đến lợi ích của khối nhưng vẫn đạt được một số lợi ích chiến lược.

Ông Cui đánh giá thêm rằng khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang năm thứ ba, phương Tây đang rơi vào bế tắc về viện trợ cho Ukraine, và lập trường của Tổng thống Macron có thể được coi là một đòn phản công ngoại giao chống lại Nga, vì phương Tây tin rằng Moskva hiện đang lấy lại động lực trên chiến trường. Ông Cui cho biết: “Những phát biểu khác nhau từ các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu cũng có thể đã dẫn đến ‘mơ hồ về mặt chiến lược’ mà Tổng thống Macron muốn tạo ra, gây ra một số nhầm lẫn cho phía Nga về tình hình hiện tại ở phương Tây”.

Các nhà phân tích lưu ý rằng có vẻ như các bên liên quan đang ngày càng xa rời các cuộc đàm phán hòa bình, vì đều tỏ ra thiếu tin tưởng và chân thành trong theo đuổi đối thoại. Theo ông Cui, phía Nga đang tạo cho phương Tây ấn tượng rằng họ không có ý định tạm dừng xung đột. Đáp lại, châu Âu sẽ không thể hiện sự yếu kém khi đang tiến tới thiết lập sự đồng thuận nhằm ngăn chặn chiến thắng của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại