Cùng với sự phát triển nhanh chóng và rộng khắp của internet, trên các mạng xã hội gần đây liên tục xuất hiện, ra đời nhiều hội, nhóm. Trong đó có sự nở rộ các nhóm fan (người hâm mộ), anti-fan (người tẩy chay) có nguồn gốc từ thái độ yêu - ghét một số người nổi tiếng hoặc được dư luận chú ý, nhất là với các nghệ sĩ trẻ - những người có tầm ảnh hưởng, chủ động tương tác trên mạng xã hội. Đáng chú ý, gần đây là vụ việc trả lời phỏng vấn sau đăng quang hoa hậu của Ý Nhi – Miss World Việt Nam 2023 nhận về nhiều phản hồi tiêu cực từ cộng đồng mạng.
Nhóm anti-fan hoa hậu Ý Nhi hiện đã có 565 nghìn thành viên, số người tham gia vẫn chưa dừng lại. Ảnh chụp màn hình
Luật sư Trần Vũ Hoàng (giám đốc Công ty Luật TNHH AEC) nhận định, có thể thấy, những câu trả lời trước báo chí của tân hoa hậu mang phần phiến diện và thiếu sự tinh tế, điều này cho thấy cô thật sự cần thời gian để rèn luyện thêm về mặt tri thức và cách ứng xử khéo léo không chỉ để chinh chiến tại đấu trường sắc đẹp quốc tế, mà còn có thể giúp Ý Nhi không tự đưa mình vào luồng sóng tiêu cực của dư luận.
Mặc dù những câu trả lời phỏng vấn có phần non nớt ấy khiến cho cộng đồng mạng "quay xe" – chuyển từ yêu sang ghét, nhưng việc lập một nhóm trên facebook với số lượng thành viên lên đến hơn 500 nghìn người chỉ để buông những lời lẽ cay nghiệt về danh dự, nhân phẩm của Tân hoa hậu, liệu có phải là việc nên làm? Và liệu, chỉ vì những bài viết đó có vô tình khiến họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC
Theo vị luật sư, căn cứ Khoản 3, Điều 16 Luật Anh ninh mạng, các hành vi như: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác… đều bị cấm. Vì vậy, việc lập ra các "group anti" người nổi tiếng để thực hiện những hành vi trên là trái pháp luật. Đồng thời, nếu vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về hành vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:
Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.