Nhiều thắc mắc về quy định xử phạt nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật được giải đáp tại họp báo quý III của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết đã có cơ chế, chế tài để kiểm soát về mặt nội dung và hình thức quảng cáo, nhằm đảm bảo mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng có tính chính xác theo đúng thông tin sản phẩm giới thiệu.
"Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều quảng cáo trên môi trường mạng chưa phản ánh đúng chất lượng sản phẩm. Đối với một số nghệ sĩ - những người có ảnh hưởng lớn quảng cáo sai sự thật - chúng ta đưa ra chế tài pháp lý chặt chẽ hơn. Bởi họ có ảnh hưởng lớn, định hướng người tiêu dùng, định hướng cho sự lựa chọn sản phẩm sai nếu như nghe theo quảng cáo", bà Hương nhấn mạnh.
Trong một số chính sách của dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi cũng nêu rõ quyền và trách nhiệm của người có uy tín khi truyền tải sản phẩm quảng cáo. Những người có uy tín sẽ được định nghĩa trong dự thảo sắp tới".
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) - cho biết Bộ VHTTDL đang phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, hoặc không tuân thủ quy tắc ứng xử, có tác động lớn đến xã hội.
Luật Quảng cáo sửa đổi nêu rõ quyền và trách nhiệm của người có uy tín khi truyền tải sản phẩm quảng cáo.
"Bộ VHTTDL đã ban hành quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, trong đó có các nội dung liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp, công tác xã hội, hoạt động ứng xử với đồng nghiệp. Nghệ sĩ có sức ảnh hưởng, tác động lớn đến xã hội nên bên cạnh xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, nghệ sĩ vi phạm về quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý theo tiêu chí của Bộ Quy tắc ứng xử nói trên", ông Sơn nói.
Những người này sẽ bị Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT đưa vào diện xem xét lập danh sách "cảnh báo", gửi đến các cơ quan liên quan để kiểm soát hình ảnh xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như hoạt động xã hội.