Trong những tháng cao điểm giãn cách xã hội, mảng cung ứng thực phẩm thiết yếu – đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, được mọi người chú mục quan tâm, vì nó là một trong những mảng kinh doanh được phép hoạt động năng nổ, đóng vai trò huyết mạch của các thành phố lớn như TP.HCM – Hà Nội.
Là một nhà bán lẻ giàu kinh nghiệm, AEON Việt Nam đã cung ứng gần 400 chuyến xe chở hơn 700 tấn hàng hóa thiết yếu đến 20 quận huyện tại 3 thành phố. Tính riêng từ tháng 3 đến tháng 6/2021, hơn 300 tấn rau củ quả từ 10 tỉnh/thành phố đã được hỗ trợ tiêu thụ tại hệ thống siêu thị AEON. Với hình thức đi chợ hộ, chỉ riêng tại siêu thị AEON Bình Dương Canary, họ nhận đơn đặt hàng và chuẩn bị hơn 10.000 combo mỗi ngày.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám Đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam với chúng tôi, trong suốt 1,5 năm diễn ra dịch Covid 19 đến nay, AEON Việt Nam vẫn đảm bảo việc làm cho khoảng 4.000 nhân sự, không cắt giảm số lượng nhân viên, giảm lương hay giờ làm.
Với việc đã quá quen đối phó cùng thiên tai – dịch bệnh tại Nhật Bản trong 263 năm qua, AEON không xem Covid-19 là thách thức lớn nhất. Là "lão tướng" dày dạn với lịch sử hơn 260 năm, AEON đã vừa vận dụng những kinh nghiệm của mình, vừa linh hoạt thay đổi để ứng biến với tình hình đại dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp, AEON Việt Nam chắc cũng không ngoại lệ. Vậy ông có thể cho biết cụ thể những khó khăn, thách thức mà DN đã gặp phải trong thời gian đại dịch Covid- 19 vừa qua?
Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đã gây ra những tác động tiêu cực và những thách thức đáng kể đối với nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội; cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng. Đây là những khó khăn mà tất cả các doanh nghiệp đều phải đối mặt, trong đó có AEON Việt Nam. Có thể kể đến:
Về lực lượng lao động: thiếu hụt nguồn nhân lực vận hành hoạt động kinh doanh khi nhân viên nhiễm bệnh hoặc sống trong vùng phong tỏa, thiếu hụt lực lượng giao hàng (shipper).
Chi phí tăng cao cho các hoạt động phòng dịch: vì phải thường xuyên khử khuẩn địa điểm kinh doanh cộng chi phí xét nghiệm Covid-19 ...
Biên độ lợi nhuận của hàng hóa: vào một số giai đoạn cao điểm, AEON Việt Nam đã chủ động giảm biên độ lợi nhuận để hỗ trợ giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhà cung cấp và đồng thời giữ ổn định giá cả cho khách hàng.
Việc AEON Việt Nam hỗ trợ miễn/giảm chi phí thuê cho các đối tác thuê tại trung tâm mua sắm (tenant) phần nào cũng làm ảnh hưởng đến cấu trúc doanh thu của toàn công ty.
Vận chuyển lưu thông: các nhà cung cấp gặp khó khăn trong việc vận chuyển liên quận/ liên tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, người lao động cũng gặp khó khăn vì quy trình kiểm tra không đồng nhất tại các chốt kiểm soát luồng xanh trong các thành phố dù nhân viên/nhà cung cấp đã có thẻ nhận diện. Rồi khó khăn về tìm kiếm phương tiện và shipper giao hàng cho khách hàng
Số lượng khách hàng giảm do người dân hạn chế ra đường trong thời gian thực hiện các chỉ thị/ quy định về giãn cách, hoặc mua hàng theo combo "đi chợ hộ" tại TPHCM, ...
Tất nhiên, kế hoạch đầu tư mở rộng thêm các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, và các cửa hàng chuyên doanh mới cũng gặp nhiều trở ngại
Đây có phải là những thử thách lớn nhất từ khi AEON vào Việt Nam chưa?
Đại dịch Covid-19 đặt ra những vấn đề phức tạp và vô cùng thách thức cho mỗi doanh nghiệp, nhưng có thể nói đây chính là một yếu tố của môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh luôn phức tạp và khó khăn bất cứ lúc nào và bất kỳ nơi nào.
Thử nghiệm luôn là điều cần thiết. Vào thời điểm khi AEON mới có mặt tại thị trường Việt Nam, có rất ít khách hàng biết đến thương hiệu AEON nhưng bằng rất nhiều nỗ lực, AEON Việt Nam đã từng bước đạt được thành quả của hiện tại, bằng cách luôn không ngừng thử nghiệm cái mới và liên tục thay đổi.
Chúng tôi hiểu rằng việc phát triển một mô hình kinh doanh đã thành công ở Nhật Bản tại Việt Nam sẽ không hiệu quả nếu không có sự điều chỉnh phù hợp với thị trường nước sở tại. Với vai trò của một nhà bán lẻ, sứ mệnh của AEON là góp phần nâng tầm cuộc sống của khách hàng địa phương.
Trong suốt 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, AEON không ngừng từng bước hoàn thiện về không gian mua sắm, danh mục sản phẩm, chất lượng hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
Thế nên, theo tôi, đây vẫn chưa phải thử thách lớn nhất với AEON từ khi vào Việt Nam. Thời mà chúng tôi chập chững vào thị trường Việt Nam cũng khó khăn không kém.
Quá trình thích nghi với Covid-19 của AEON Việt Nam đã diễn ra như thế nào? Sau 1,5 năm sống chung với Covid-19, AEON VN đã có những giải pháp nào để thích nghi với tình hình dịch bệnh Covid-19?
Mặc dù gặp rất nhiều những thách thức từ khi dịch Covid-19 bùng phát, AEON Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức để chung tay cùng Chính phủ và người dân Việt Nam vượt qua khoảng thời gian đầy khó khăn này thông qua hoạt động kinh doanh bán lẻ của AEON.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên vào đầu năm 2020, AEON Việt Nam đã dự đoán và chuẩn bị kịch bản ứng phó dịch bệnh, điển hình như Kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh, Sổ tay ứng phó dịch bệnh (protocol) từ đó quản trị và giảm thiểu các rủi ro trước những diễn biến không thể lường trước của dịch bệnh trong năm 2021 này.
Bên cạnh đó, AEON Việt Nam còn phối hợp với cơ quan chính quyền, triển khai hình thức bán hàng lưu động được triển khai trong thời gian qua, với hơn 400 chuyến xe đã cung cấp hơn 700 tấn hàng hóa thiết yếu đến 20 quận huyện tại 03 thành phố; hình thức đi chợ hộ theo combo hàng hóa.
Với mong muốn chung tay thúc đẩy tiến trình tiêm vắc-xin cho người dân, AEON Việt Nam cùng Tập đoàn AEON và 07 công ty thành viên tại Việt Nam đã đóng góp 25 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Việt Nam. Chúng tôi chủ động làm việc với cơ quan chính quyền để đăng kí tiêm phòng cho đội ngũ nhân viên, đồng thời hỗ trợ về địa điểm để các địa phương có thể tổ chức tiêm cho người dân.
Ngoài ra, trong suốt thời gian qua, AEON Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản bị ùn ứ do ảnh hưởng của dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành như vải Bắc Giang, nhãn Tiền Giang, thanh long Long An, rau củ quả Đà Lạt… Tính riêng từ tháng 3 đến tháng 6/2021, hơn 300 tấn rau củ quả từ 10 tỉnh/thành phố đã được hỗ trợ tiêu thụ tại hệ thống siêu thị AEON.
Trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như vừa qua, liệu có phải nhiệm vụ vừa kinh doanh, vừa đảm bảo cho nhân viên không nhiễm bệnh, nhất là 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, là bất khả thi? AEON Việt Nam đã có những giải pháp gì để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất?
Sự an toàn của khách hàng và nhân viên là ưu tiên hàng đầu của AEON Việt Nam trong suốt thời gian qua. AEON Việt Nam luôn làm việc chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để đăng ký cho đội ngũ nhân viên được tiêm vắc xin trong thời gian sớm nhất, đồng thời đảm bảo môi trường làm việc an toàn, từ đó nhân viên có thể an tâm làm việc và gia tăng tính an toàn, giảm thiểu sự lây nhiễm của dịch bệnh trong quá trình tiếp xúc với khách hàng.
Tại các địa điểm kinh doanh và văn phòng, AEON Việt Nam luôn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, các biện pháp y tế theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đồng thời đã ban hành Sổ tay ứng phó dịch bệnh (protocol) và hướng dẫn kịp thời cho tất cả nhân viên.
Nhân viên được chia thành các nhóm làm việc tại các khu vực khác nhau, được xét nghiệm theo quy định của cơ quan chức năng để giảm rủi ro lây nhiễm. Ngoài ra, công ty cũng thường xuyên cung cấp và hướng dẫn nhân viên về các kiến thức, thông tin liên quan đến dịch bệnh, các biện pháp phòng dịch.
Trong suốt 1,5 năm diễn ra dịch Covid 19, tính đến nay, AEON Việt Nam vẫn đảm bảo việc làm cho khoảng 4.000 nhân sự, không cắt giảm số lượng nhân viên, giảm lương hay giờ làm.
Điều gì đã giúp cho AEON Việt Nam, dù trong giai đoạn căng thẳng nhất như tháng 8 vừa qua, vẫn có đủ hàng hóa với giá cả phải chăng cung ứng cho người dân Việt, mà không rơi vào khủng hoảng thiếu hàng hoặc buộc phải tăng giá như vài doanh nghiệp khác?
Tình hình dịch Covid-19 luôn diễn biến rất phức tạp. Trong nhiều giai đoạn cao điểm, nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Trong bối cảnh đó, AEON Việt Nam vẫn luôn tuân theo nguyên tắc kinh doanh của AEON là "không lợi dụng nhu cầu thị trường đang tăng để gia tăng lợi nhuận cho công ty". Dù giá cả tăng cao do khan hiếm về hàng hóa, chúng tôi sẽ luôn đảm bảo giữ giá bán ổn định dù có phải giảm lợi nhuận.
"Tất cả vì khách hàng" là triết lý kinh doanh bất biến của chúng tôi ở bất kỳ nơi nào AEON hiện diện. Với AEON, chúng tôi mang sứ mệnh của một nhà bán lẻ: đảm bảo cuộc sống hàng ngày của khách hàng thông qua hoạt động kinh doanh của mình.
Trong suốt thời gian qua, AEON Việt Nam luôn có kế hoạch kịp thời để đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa diễn ra thông suốt và giữ giá cả luôn ổn định tại tất cả các siêu thị AEON.
Trước những thay đổi về nhu cầu của khách hàng, AEON Việt Nam luôn chủ động tăng và điều chỉnh lượng hàng dự trữ, đặc biệt đối với hàng tươi sống (rau, củ, quả, cá, thịt ...), thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh; mở rộng diện tích kho ...
Hẳn kinh nghiệm phong phú với việc đối phó cùng thiên tai – thảm họa ở công ty mẹ tại Nhật, đã giúp ích rất nhiều cho AEON Việt Nam? Tuy nhiên, vì cơ sở hạ tầng và văn hóa giữa Nhật - Việt có sự khác biệt nhất định, AEON Việt Nam đã phải tự điều chỉnh việc áp dụng kinh nghiệm như thế nào?
Học hỏi những kinh nghiệm từ Tập đoàn AEON khi vận hành tại Nhật Bản và trong khu vực, AEON Việt Nam luôn nỗ lực hết sức để đồng hành cùng Chính phủ và người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Chúng tôi cố gắng mang đến sự an tâm và tin cậy cho Khách hàng trong cuộc sống hàng ngày thông qua việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa với giá cả ổn định, cung cấp nhiều phương thức mua hàng như xe bán hàng lưu động đến các địa điểm khách hàng không thể đi mua trực tiếp.
Bên cạnh đó, chúng tôi tận dụng những ưu thế về không gian và cơ sở vật chất của các Trung tâm mua sắm để bảo vệ sự an toàn cho người dân, cụ thể như đã sắp xếp khu vực và trang bị đồ dùng để người dân trú lại qua đêm trong cơn bão số 9 đổ bộ vào TP.HCM năm 2018, và cung cấp địa điểm tổ chức tiêm vắc xin cộng đồng cho người dân Bình Dương.
Từ khi dịch Covid-19 vừa mới bùng phát vào đầu năm 2020, Tập đoàn AEON đã ban hành Sổ tay ứng phó dịch bệnh và áp dụng đồng bộ tại tất cả các công ty con của Tập đoàn AEON trên toàn cầu.
Như chúng ta điều biết, AEON có 3 mảng chính là siêu thị cho thuê mặt bằng thương mại xuất khẩu, trong năm 2021, liệu mảng siêu thị hay tiêu dùng có bù được cho 2 mảng kinh doanh còn lại?
Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các khu trung tâm thương mại lớn, trong đó bao gồm trung tâm mua sắm như của AEON – trước giờ là địa điểm thu hút lượng lớn khách hàng đến mua hàng trực tiếp.
Các trung tâm mua sắm của AEON thường được xây dựng theo mô hình đặc trưng gồm khu vực Trung tâm Bách hóa tổng hợp & Siêu thị do AEON Việt Nam kinh doanh, cùng nhiều cửa hàng chuyên doanh và nhà hàng từ nhiều thương hiệu khác nhau.
Tuy nhiên, việc số lượng ca nhiễm tăng nhanh và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các thành phố ở khu vực phía Nam (bao gồm TP.HCM), từ tháng 6/2021, tất cả các cửa hàng kinh doanh sản phẩm/ dịch vụ không thiết yếu cùng các nhà hàng đã phải ngừng hoạt động.
Từ tháng 7, các trung tâm mua sắm tại khu vực miền Bắc cũng chịu ảnh hưởng tương tự, khi nhu cầu và cách thức mua hàng đối với các sản phẩm/dịch vụ không thiết yếu bị hạn chế. Trong khi đó, các siêu thị vừa và nhỏ kinh doanh thực phẩm lại có kết quả khá tích cực khi nắm bắt và phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng ở khu vực lân cận.
Có thể nói, kể cả trong bối cảnh đầy khó khăn của Covid-19, AEON Việt Nam chúng tôi cũng có thể tìm thấy cơ hội để phát triển kinh doanh trong tương lai.
Tiếp đó, từ tháng 8, các quy định hạn chế di chuyển được kiểm soát nghiêm ngặt hơn, đặc biệt ở TP.HCM và tỉnh Bình Dương, việc vận hành kinh doanh tại các siêu thị của AEON Việt Nam cũng khó có thể duy trì như bình thường.
Đến nay, hoạt động bán hàng của các siêu thị AEON vẫn gặp nhiều hạn chế, chủ yếu phục vụ hình thức giao nhận các combo hàng hóa phối hợp với chính quyền địa phương.
Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng bằng những nỗ lực của đội ngũ nhân viên không ngại rủi ro và vất vả, AEON Việt Nam luôn được các cơ quan chính quyền cũng như khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, hàng hóa luôn tươi mới và đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng dịch.
Chỉ riêng tại siêu thị AEON Bình Dương Canary, chúng tôi nhận đơn đặt hàng và chuẩn bị hơn 10.000 combo mỗi ngày. AEON Việt Nam đã và đang tiếp tục cố gắng, nỗ lực hết sức mình để cống hiến và hỗ trợ khách hàng tại địa phương.
Như tôi đã chia sẻ phía trên, do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ riêng với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ sẽ không thể bù đắp được tình hình khó khăn của các lĩnh vực kinh doanh khác. Tuy nhiên, AEON Việt Nam cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm và bài học từ bối cảnh phức tạp và đầy thách thức như hiện nay để chuẩn bị cho những kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Chúng tôi tin rằng khi dịch Covid-19 qua đi, AEON là một trong những Tập đoàn có khả năng phục hồi kinh doanh mạnh mẽ, để tiếp tục phục vụ khách hàng đến mua sắm và tận hưởng chất lượng dịch vụ tại các trung tâm mua sắm, siêu thị và các cửa hàng của chúng tôi.
Cảm ơn ông rất nhiều!