Các quan chức Lào và Công ty Thủy điện Pak Beng Datang (Lào), nhà đầu tư dự án, đã có buổi gặp gỡ người dân địa phương, nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong để làm dịu bớt lo ngại về tác động có thể xảy ra của dự án.
Ông Jansawaeng Bunnong, lãnh đạo Bộ Chính sách năng lượng và kế hoạch của Lào, đã bảo đảm với người dân địa phương rằng đập Pak Beng, thuộc tỉnh Oudomxay ở miền Bắc Lào, đã trải qua các thủ tục, bao gồm các phiên điều trần công khai được thực hiện theo đúng quy trình của Ủy ban Sông Mê Kông (MRC).
Các thủ tục khác liên quan đến dự án cũng đã được thực hiện ở Thái Lan và đã nộp kết quả cho MRC.
Hệ thống đập dày đặc trên sông Mê Kông - Ảnh: Internet
Trước đó, các chuyên gia Thái Lan và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực đã cảnh báo rằng cần áp dụng các biện pháp khắc phục để giảm thiểu những thay đổi có hại đối với dòng chảy của sông, chẳng hạn việc di cư của cá hay bồi đắp phù sa.
"Dự án này là sự hợp tác giữa Lào và Thái Lan, sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước. 90% lượng điện sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan và thúc đẩy công nghiệp Thái Lan.
Các vật liệu xây dựng cũng được mua từ Thái Lan", ông Jansawaeng cho biết thêm.
Nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong, đại diện cho dân làng từ 8 cộng đồng ven sông, trước đây đã đệ đơn lên Tòa án Dân sự tối cao kiện chính quyền Thái Lan vì không tạo diễn đàn cho họ lên tiếng về những bức xúc xung quanh dự án.
Nhóm Rak Chiang Khong cáo buộc Bộ Thủy lợi, Ủy ban Sông Mê Kông của Thái Lan đã không cung cấp đầy đủ thông tin trong suốt ba cuộc đối thoại trước đó. Nhưng tòa án đã bác bỏ đơn khiếu nại.
Buổi tiếp xúc của nhà đầu tư với người dân - Ảnh: The Nation
Cư dân ở huyện Chiang Khong (Thái Lan) lo ngại các hoạt động nuôi trồng của họ sẽ bị thiệt hại nặng nề do mực nước dâng cao và tác động của đập vào môi trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư tuyên bố dự án sẽ có ít tác động đến hệ sinh thái.
Họ cho biết khi hoàn thành vào năm 2023, con đập sẽ có công suất 912 megawatts điện. Ngoài ra, đường thủy phát triển sẽ tạo điều kiện cho phát triển giao thông và thúc đẩy du lịch.