Mặc dù là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều chuối nhất trên thế giới nhưng 99% lượng chuối được tiêu thụ tại Nhật được nhập khẩu. Mỗi năm, gần 1 triệu tấn chuối được nhập vào Nhật từ Philippines và các nước nhiệt đới khác.
Nhưng nay, một công ty nông nghiệp ở Okayama, phía tây Nhật Bản, đã thành công trong việc phát triển một giống chuối có thể trồng tại Nhật bằng một kỹ thuật có tên "phương pháp thức tỉnh rã đông".
Tái tạo kỷ băng hà
Tại khu vực thử nghiệm của D&T Farm, chuối được phát triển tới kích thước gần đủ lớn để thu hoạch trong một nhà kính đơn giản bằng nhựa.
"Thường từ lúc trồng chuối tới lúc thu hoạch quả cần tới hai năm nhưng ở đây chúng tôi chỉ mất khoảng bốn tháng", Setsuzo Tanaka, người phụ trách nghiên cứu kỹ thuật của D&T Farm, chia sẻ.
Ông Setsuzo Tanaka bên giống chuối của mình
20.000 năm trước, cây cối được đánh thức khỏi chế độ ngủ đông sau khi kỷ băng hà kết thúc và nhiệt độ tăng dần.
Thời điểm đó, sau khi rã đông, cây chuối phát triển rất mạnh mẽ dù nhiệt độ ban ngày tối đa chỉ 12 tới 13 độ C còn nhiệt độ ban đêm dưới 0 độ C. Nhưng dần dần, cây chuối chỉ phát triển được ở các vùng nhiệt đới.
Do vậy bằng cách đóng băng cây chuối giống ở nhiệt độ âm 60 độ C, Tanaka tái tạo nhân tạo khí hậu trái đất 20.000 năm trước. Sau khi rã đông cây chuối được trồng và phát triển rất mạnh mẽ.
Tanaka đã phải rất vất vả mới đạt được thành tựu này. Hơn bốn thập kỷ qua ông đã phải chịu nhiều thất bại trong quá trình nghiên cứu. Bên cạnh việc nghiên cứu giống chuối này ông còn quản lý một công ty đóng tàu và vận tải biển.
Tanaka cho biết ông đã dùng 4,5 triệu USD tiền riêng để đầu tư cho việc nghiên cứu. Với hệ thống thu hoạch ở nhiệt độ thấp hiện tại, những nỗ lực của ông đang được đền đáp.
Một điểm hết sức ưu việt khác là phương pháp này không hề sử dụng thuốc trừ sâu hay biến đổi gen của cây chuối.
Dịch bệnh
Nhật Bản bắt đầu nhập khẩu chuối từ đầu những năm 1900 và chủ yếu nhập từ Đài Bắc Trung Hoa. Sau Thế chiến thứ 2, lượng chuối nhập khẩu tăng cao nhưng năm 1960 Nhật ngừng nhập khẩu chuối Đài Bắc Trung Hoa.
Dịch bệnh đang đe dọa năng suất của chuối trên toàn cầu
Tại thời điểm đó, chuối nhập khẩu chủ yếu là giống Gros Michel và rất ngọt. Tuy nhiên, dịch bệnh Panama đã tiêu diệt giống chuối này.
Gần đây, giống chuối Cavendish đã trở nên phổ biến hơn. Nhưng năng xuất của giống chuối này đang có nguy cơ giảm mạnh do sự xuất hiện của một chủng mới của bệnh Panama.
Giống chuối mà Tanaka đang nghiên cứu dựa trên gióng Gros Michel nhưng ngọt hơn và nhiều chất xơ hơn so với giống chuối mà người Nhật đang dùng hàng ngày.
Dự kiến trong năm 2017, hãng hóa chất khổng lồ Air Water tại Osaka sẽ bắt đầu trồng chuối bằng giống do Tanaka cung cấp. Một hợp tác xã nông nghiệp tại Minami-Kyushu, quận Kagoshima, miền nam Nhật Bản, cũng sẽ triển khai kế hoạch tương tự.
Mối quan tâm từ các công ty nước ngoài
Tanaka cho biết nhà sản xuất chuối Dole Food đã liên hệ với ông để thảo luận ký kết quan hệ đối tác trong tương lai. Tuy nhiên, bản thân dự án cũng đang muốn tự phát triển thành một doanh nghiệp theo đúng nghĩa.
Mặc dù D&T Farm mới được thành lập cách đây hơn một năm nhưng một ngân hàng địa phương đã đề nghị cung cấp tài chính cho công ty mà không cần bất cứ sự đảm bảo hay cam kết nào.
Bên cạnh chuối, Tanaka còn trồng và thu hoạch thành công đu đủ, ca cao, măng cụt và hạt điều bằng phương thức này.
Nếu chuối được trồng rộng rãi trên các cánh đồng bỏ hoang, ngành công nghiệp trồng chuối của Nhật có thể tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ bởi phương thức này cho phép trồng và thu hoạch chuối chỉ trong vòng 4 tới 6 tháng.
"Nếu chuối được trồng trên 30% diện tích ruộng bỏ hoang trên khắp Nhật Bản sẽ tạo ra một thị trường lên tới 600 tỷ Yên và tạo công ăn việc làm cho 200.000 lao động", đại diện của một công ty hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp chia sẻ.
Sản xuất trong nước
Mặc dù rau diếp ban đầu không được trồng tại Nhật nhưng sau Thế chiến thứ 2 cây trồng này đã phát triển mạnh mẽ tại quốc gia mặt trời mọc. Hầu hết rau diếp được phục vụ trên các bàn ăn tại Nhật hiện tại được trồng trong nước và chuối hoàn toàn có thể phát triển tương tự.
Tanaka hy vọng có thể phát triển các giống lùa mì, đậu nành, ngô mới có chất lượng cao thông qua phương thức này. Ông còn muốn mở rộng canh tác và thu hoạch những giống cây trồng mới của mình tại Siberia.
"Siberia có lượng nước dồi dào và đất đai màu mỡ", ông nói. "Nếu các loại quả, hạt có thể được trồng và thu hoạch ở nhiệt độ lạnh thì tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu có thể được giải quyết một cách triệt để".
Theo Nikkei