Ảnh minh họa: CCTV; Credit: Tammy
Theo dòng chảy lịch sử, cổ vật từ các thời đại có thể bị trôi dạt về tứ phương. Hoàng đế Phổ Nghi của nhà Thanh khi trốn khỏi cung đã phân phát hàng loạt bảo vật cho các thái giám, cung nữ. Khi liên quân tám nước tấn công Tử Cấm Thành, Từ Hi Thái hậu cũng tháo chạy bỏ lại một cung điện đầy kho báu.
Những cổ vật tại Trung Quốc đã lưu lạc hàng nghìn năm trong dân gian, những năm gần đây mới được tìm lại nhờ các chương trình thẩm định, định giá bảo vật của đài truyền hình.
Trong một tập phát sóng của chương trình "Kiểm định bảo vật" đài CCTV - chương trình kiểm định quy mô lớn nhất đất nước tỷ dân, một người nông dân đến từ Hà Nam (Trung Quốc) đã mang chiếc nồi gỉ sét đến nhờ chuyên gia thẩm định.
Chiếc nồi gỉ sét xuất hiện trong chương trình "Kiểm định bảo vật". Ảnh: Sohu
Ban đầu, ông nói đây là vật gia truyền của gia đình nhưng sau khi bị các chuyên gia hỏi vài câu, lão nông bắt đầu trả lời quanh co và e dè thú nhận rằng ông đã đào được thứ này ở sân sau nhà.
Khi mới mang về nhà, ông không rõ nó là thứ gì vì chiếc nồi có hình thù quái dị nhưng sau này dân làng kéo tới nói đây có thể là đồ cổ giá cao nên ông muốn đem tới đây nhờ thẩm định.
Vị chuyên gia quán sát kỹ món đồ đồng, tỏ ra rất thích thú. Chuyên gia phân tích: "Đây không phải cái nồi sắt bình thường, đây là chiếc nồi ba chân độc nhất vô nhị trong lịch sử!" Chiếc nồi ba chân này có từ thời nhà Liêu (907 - 1125), niên đại khoảng 1000 năm. Trên khắp thế giới có lẽ cũng không tìm được chiếc thứ hai như vậy.
Ông cụ sững sờ khi nghe kết luận của chuyên gia. Ảnh minh họa: CCTV
Lão nông vô cùng mừng rỡ, đoán chắc mình đã kiếm được món tiền lớn nên mạnh dạn hỏi giá. Song vị chuyên gia lại thẳng thắn nói: "Món đồ này cụ phải giao nộp vô điều kiện cho nhà nước!"
Nghe tới đây, lão nông tức giận tranh cãi với các chuyên gia. Ông không hiểu vì sao những người khác trong làng đào được kho báu và có thể bán với giá hàng trăm nghìn tệ trong khi mình lại phải giao nộp. Ông cụ tiến đến lấy cái chậu và tức giận bỏ đi.
Giao nộp cổ vật
Trong tình huống khó xử này, ekip "Kiểm định bảo vật" đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát. Cảnh sát nhanh chóng thu hồi được chiếc nồi và thỏa hiệp với người nông dân. Luật pháp quy định những di tích văn hóa không phải tổ tiên để lại mà đào từ dưới đất sẽ thuộc quyền sở hữu của nhà nước và phải giao nộp vô điều kiện.
Cảnh sát giải thích những người trong làng đem bán di tích văn hóa ra chợ đen là đã phạm pháp, cổ vật quý giá vốn được dùng để nghiên cứu lấp đầy những khoảng trống lịch sử, giờ đây lại bị rao bán, đây chính là tổn thất nghiêm trọng của một quốc gia.
Chiếc nồi sẽ được phục hồi và bảo quản bên trong viện bảo tàng. Ảnh minh họa: Sohu
Trước sự nghiêm minh của pháp luật, lão nông đã ngộ ra sai lầm của mình và tỏ ra rất xấu hổ. Chiếc nồi ba chân sau đó được đưa đi phục hồi tại viện bảo tàng.
Các chuyên gia cho biết chiếc nồi này từng được sử dụng trong chiến tranh nước Liêu và nước Kim hơn 1000 năm trước. Ngôi làng nơi người nông dân kia sinh sống có lẽ từng là nơi đóng quân của nước Liêu trong quá khứ.
Chiếc nồi ba chân này sẽ trở thành tư liệu quan trọng để nghiên cứu về trình độ thủ công, văn hóa của nhà Liêu - triều đại vốn không có để lại nhiều ghi chép trong sử sách Trung Quốc.
Bài viết tham khảo từ Baijiahao