"Lao ngược chiều gió", kinh tế Trung Quốc tạo nên hiện tượng "độc đắc"

An An |

Trong khi tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nước ghi nhận chỉ số xấu thì Trung Quốc đã tạo nên điều bất ngờ.

Lao ngược chiều gió, kinh tế Trung Quốc tạo nên hiện tượng độc đắc - Ảnh 1.

Trung Quốc tạo nên hiện tượng "độc đắc"

Trong quý đầu tiên của năm 2023, xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 9,89 nghìn tỷ NDT, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu đạt 5,65 nghìn tỷ NDT, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong tháng 3 mặc dù sự tăng trưởng này đi kèm với cảnh báo rằng vẫn còn những cơn gió ngược "nghiêm trọng và phức tạp".

" Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 3. Điều này là một bất ngờ cho thị trường. Trước đó, các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm trong tháng 3 ," Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nói với tờ SCMP (Hồng Kông - Trung Quốc).

Cuộc khảo sát trước đây của Wall Street Journal dự đoán, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 dự kiến ​​​​sẽ giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu giảm 5% và thặng dư thương mại là 41 tỷ USD.

Nhưng con số thực tế là xuất khẩu tháng 3 là 315,6 tỷ USD, tăng “đột biến” 14,8% và thặng dư 88,19 tỷ USD, chấm dứt chuỗi năm tháng giảm liên tiếp, theo dữ liệu do Hải quan Trung Quốc công bố hồi đầu tháng.

Theo tờ Guancha (Trung Quốc), xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 3, có thể coi là một hiện tượng "độc đắc".

Ví dụ, xuất khẩu của Ấn Độ trong tháng 3 đạt 38,38 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 3 đạt 55,12 tỷ USD , giảm 13,6%.

Trái ngược, khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc lại rất lớn. Vậy tại sao xuất khẩu Trung Quốc lại có sự gia tăng đột ngột và "độc đắc" vào tháng 3 như vậy?

Lao ngược chiều gió, kinh tế Trung Quốc tạo nên hiện tượng độc đắc - Ảnh 2.

Các container xếp chồng lên nhau tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Sức mạnh xuất khẩu Trung Quốc đến từ đâu?

Theo SCMP, sự tăng trưởng của xuất khẩu Trung Quốc chủ yếu là nhờ các chuyến hàng đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, tăng mạnh 35,43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết: " Xuất khẩu tăng trưởng mạnh có thể là do mối quan hệ thương mại với các quốc gia [thị trường mới nổi] được củng cố và chuỗi cung ứng toàn cầu đang tiếp tục được hàn gắn ".

Còn theo người phát ngôn Lu Daliang của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thì: " Ngoại thương của Trung Quốc đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ trong quý đầu tiên, với sự khởi đầu ổn định và tích cực, đặt nền tảng cho việc thúc đẩy sự ổn định và cải thiện chất lượng ngoại thương trong suốt cả năm ".

Tuy nhiên, triển vọng thương mại của Trung Quốc sẽ chịu áp lực do môi trường bên ngoài "nghiêm trọng và phức tạp", ông nói thêm. "Sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài do lạm phát toàn cầu cao và tăng trưởng chậm chạp của các nền kinh tế lớn đã có tác động trực tiếp đến ngoại thương của Trung Quốc ".

Các chuyến hàng của Trung Quốc đến Mỹ được cải thiện nhưng vẫn kém trong tháng 3, giảm 7,68% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ tám liên tiếp.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu đã tăng 3,38% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên tăng trưởng trở lại kể từ tháng 9.

Trong một cuộc họp của Quốc vụ viện Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc sẽ "làm mọi cách" để ổn định xuất khẩu sang các nền kinh tế phát triển, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp tục khám phá các nước và khu vực đang phát triển, bao gồm cả khối ASEAN.

Ông Lu chỉ ra, vào năm 2022, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật Bản – những đối tác thương mại phát triển lớn của Trung Quốc – chiếm 36,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, xuất khẩu sang các nước nằm trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, chiếm 32,9%.

Mặc dù khu vực ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc nhưng việc ổn định xuất khẩu sang các nền kinh tế phát triển vẫn có tầm quan trọng lớn đối với ngoại thương nói chung, theo tờ China Trade News thuộc Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc.

" Tỷ trọng thương mại của Trung Quốc với các nền kinh tế phát triển vẫn tương đối cao. Ví dụ, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 16% tổng xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2022 ", tờ này chỉ ra.

Các nhà kinh tế tại Nomura cho biết, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tạm thời duy trì ở mức cao trong tháng 4 nhưng sức mạnh như vậy có thể không bền vững sau đó.

Bởi trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, những cơn gió ngược mà lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc phải đối mặt có thể sẽ vẫn còn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại