Đặt vấn đề Bộ quy tắc ứng xử của công chức Thủ đô đang gây tranh cãi những ngày gần đây, chương trình Chuyển động 24h đã có cuộc phỏng vấn ngắn ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để giải đáp một số thắc mắc của dư luận.
Xin trích dẫn cuộc đối thoại giữa phóng viên Chuyển động 24h và ông Nguyễn Khắc Lợi như sau:
Bộ quy tắc đã hoàn chỉnh chưa?
Bây giờ vẫn đang trong quá trình thẩm định. Chúng ta không bao giờ được phép được chủ quan, thậm chí có thể xóa đi làm lại.
Sẵn sàng xóa đi làm lại, vậy công sức để tạo nên Bộ quy tắc như thế nào?
Chúng tôi đã nghiên cứu khoảng 4.000 trang tư liệu trong nước và nước ngoài; Khảo sát lấy ý kiến của từng khu vực một qua khoảng 20 hội thảo khoa học với các nhà khoa học, nhà ngôn ngữ, nhân chủng học rồi thương mại, quản lý…
Quy tắc là khuyến khích hay bắt buộc?
Đấy là định hướng để hướng người ta đến cái tốt đẹp chứ không phải quy chế áp đặt phải thực hiện. Vì vậy nó không có chế tài đi kèm.
Không có chế tài đi kèm sao lại có mục Khen thưởng, Kỷ luật trong Bộ quy tắc?
Tôi không bàn chuyện ấy. Tôi đã nói rồi, chúng tôi còn cả một kế hoạch lâu dài để triển khai chứ mấy cái câu này nó là cái gì?
Theo dõi đoạn video có thể thấy đến câu hỏi cuối cùng này, ông Nguyễn Khắc Lợi không được bình tĩnh cho lắm và câu trả lời có phần gay gắt.
Bình luận về đoạn đối thoại với đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, BTV Ngọc Trinh đặt câu hỏi: "Không hiểu sao, vị lãnh đạo lại có thái độ bức xúc đến như vậy?".
Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng, Bộ quy tắc ứng xử của công chức Thủ đô chỉ mang tính khuyến cáo chứ không bắt buộc.
Điều này đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ tại hội nghị tổng kết công tác Dân vận ngày 26/12 vừa qua.
Trước đó ngày 23/11, Giám đốc Sở Văn hóa Tô Văn Động cho biết "Bộ quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị hành chính thành phố" dự kiến được phê duyệt và ban hành vào ngày đầu tiên của năm 2017.
Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị hành chính thành phố có 6 chương, 16 điều, đưa ra nguyên tắc ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản như: quy tắc ứng xử chung; ứng xử với đồng nghiệp; ứng xử với người dân; ứng xử giữa các cơ quan.
Trong đó, về trang phục, quy tắc khuyến cáo công chức mặc lịch sự (áo có ống tay, cổ áo; váy dài đến gối); đầu tóc gọn gàng; không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp;
Công chức không quảng cáo, vận động, mời gọi đồng nghiệp và công dân mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ có tính chất kinh doanh trong giờ hành chính;
Khi ứng xử với người dân, công chức được yêu cầu không gây căng thẳng, bức xúc, uy hiếp, tấn công người dân.
Nếu có va chạm, người liên quan cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức;
Tại khu dân cư, công chức không tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, mừng thăng chức... linh đình, phô trương, lãng phí, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư…