Lãnh đạo Nike nói gì về tình hình của hãng ở Việt Nam sau thời gian quay lại sản xuất?

Giang Anh |

"So với 90 ngày trước, chúng tôi lạc quan hơn và tin rằng nguồn cung sẽ quay lại bình thường vào năm tài chính 2023 (từ tháng 6/2022)", Giám đốc tài chính Nike, ông Matthew Friend trả lời Wall Street Journal.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, báo cáo quý 2 năm tài chính 2022 (tính từ tháng 9-11/2021) của hãng giày thể thao Nike cho biết, doanh thu quý 2 của hãng đạt 11,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Mức này vượt mong đợi của các nhà phân tích dự kiến là 11,2 tỷ USD. Thu nhập ròng của Nike trong quý là 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với một năm trước. Doanh thu bán hàng trực tiếp tăng 9% lên 4,7 tỷ USD. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 12%.

Theo Nike, nhu cầu đối với hàng hoá của hãng tiếp tục vượt xa nguồn cung. Những hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến Nike trong quý vừa qua. Cụ thể, sự tăng trưởng của "gã khổng lồ" giày thể thao đã bị kìm hãm trong hai quý liên tiếp bởi sự chậm trễ trong sản xuất và vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới.

Vào ngày 20/12, Nike cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu của hãng tại Trung Quốc, châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh giảm là do hãng phải đóng cửa nhà máy nhằm ngăn chặn sự tác động của Covid-19, khiến cho lượng hàng tồn kho thấp.

Riêng ở thị trường Trung Quốc, những biện pháp siết chặt nhằm giảm sự lây lan của Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động của một phần tư các đối tác bán lẻ của Nike và một nửa số nhà máy làm việc với công ty. Dù thế, hãng đã ghi nhận lưu lượng khách hàng phục hồi về mức trước đại dịch trong suốt quý 2 năm tài chính 2022.

Chia sẻ với WSJ, ban lãnh đạo Nike kỳ vọng tình hình hàng tồn kho của hãng sẽ được cải thiện. Công ty dự báo tăng trưởng sẽ ở mức thấp hơn một con số trong quý 3 do ảnh hưởng tiếp tục từ sản lượng thâm hụt.

Nguyên nhân chính đến từ sự gián đoạn liên quan đến đại dịch ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Hơn một nửa sản lượng giày dép của Nike và khoảng một phần ba sản xuất hàng may mặc của thương hiệu tập trung tại đây. Đại dịch ở Việt Nam đã khiến Nike phải hủy sản xuất khoảng 130 triệu chiếc.

"So với 90 ngày trước, chúng tôi lạc quan hơn và tin rằng nguồn cung sẽ quay lại bình thường vào năm tài chính 2023 (từ tháng 6/2022)", Giám đốc Tài chính Matthew Friend trả lời WSJ. Ông giải thích, sự lạc quan trên xuất phát từ thực tế rằng tất cả nhà máy ở Việt Nam đã hoạt động và sản xuất đạt khoảng 80% so với thởi điểm trước khi hãng phải tạm ngừng hoạt động vì Covid-19.

Với việc biến thể Omicron nhanh chóng lan rộng khắp thế giới, thương hiệu này không chắc liệu việc đóng cửa cảng biển hoặc nhà máy có thể xảy ra hay không và liệu điều này ảnh hưởng đến lịch trình sản xuất hoặc vận chuyển của hãng hay không. Một số quốc gia đang áp đặt các biện pháp giãn cách để hạn chế số ca lây nhiễm.

Matt Friend cho biết: "Nhu cầu với Nike vẫn vô cùng mạnh mẽ. Với doanh số bán lẻ mùa lễ hội trên toàn thị trường tăng trưởng hai con số, được tiếp thêm sức mạnh từ việc người dân có thể quay trở lại với hoạt động thể thao và bắt đầu kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất năm".

Nike cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giá trị thương hiệu cao. Hãng giày này cũng cho rằng, khả năng ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng của công ty là lợi thế chính so với các đối thủ cạnh tranh.

Tuần trước, Nike đã mua lại Rtfkt - startup chuyên phát triển giày kỹ thuật số có NFT. Công ty không tiết lộ chi tiết của thỏa thuận. Tháng trước, hãng cũng tham gia vào metaverse khi ra mắt trụ sở mô phỏng của mình trên trò chơi Roblox Corp. Không gian này có tên là Nikeland, người dùng có thể sử dụng sản phẩm, trang phục của Nike cho các nhân vật.

Các nhà phân tích cho rằng động thái này nói lên tham vọng của công ty trong việc nhanh chóng gia nhập thị trường hàng hóa ảo và phản ánh sự tăng tốc của chiến lược kỹ thuật số. Nó cũng có thể giúp Nike vượt qua tình trạng khan hiếm nguồn cung. Đối thủ cạnh tranh Adidas đã tung ra bộ sưu tập NFT vào tuần trước và thu về khoảng 23 triệu USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại