Lãnh đạo nhiều địa phương khác có vạch rõ "cây chống lưng" như Chủ tịch Hà Nội đã làm?

Hoàng Linh |

"Bắt cóc bỏ dĩa", cách ví von không thể sai về lập lại trật tự vỉa hè mà Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã nói thẳng. Đằng sau đó là sự chống lưng của một bộ phận nhỏ cán bộ công an.

Nếu Quận 1, TP.HCM mở màn dẹp loạn vỉa hè bằng xe cẩu, búa tạ thì Hà Nội sẽ chọn cách làm khác, như nội dung mà Chủ tịch Chung phát biểu.

Công bằng mà nói, cách làm của Quận 1 chưa tiêu biểu cho một kế hoạch được chuẩn bị khá công phu của TP.HCM, từ việc nghiên cứu khu vực tái bố trí cho hàng rong, thông báo giải tỏa vỉa hè và kỳ hạn…

Nhưng màn hưởng ứng quá hoành tráng của truyền thông và mạng xã hội cho Quận 1 làm công chúng có cái nhìn chưa toàn diện về công tác lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè như phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Lãnh đạo nhiều địa phương khác có vạch rõ cây chống lưng như Chủ tịch Hà Nội đã làm? - Ảnh 1.

Không có "cuộc chiến" giành lại vỉa hè nào ở đây, vì thực chất người buôn bán có chiếm dụng phần vỉa hè đều được phép bằng lệnh miệng hoặc thỏa thuận nào đó.

Có thể điều ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói ra dân Hà Nội ai cũng biết, cán bộ Hà Nội còn tường tận hơn nhưng không ai dám lên tiếng.

Nhưng tỉ lệ 150/180 quán bia lấn chiếm vỉa hè có bóng dáng ông công an chống lưng phía sau đúng là làm dư luận chết đứng. Cơn "động đất" về thông tin như một nhà báo nước ngoài ví von trên Twitter.

Nhưng những cây "chống lưng" không chỉ là công an mà còn có bóng dáng của những con người khả kính như bí thư, chủ tịch phường xã, cán bộ quận huyện với quy mô lợi ích lớn hơn: những bãi giữ xe.

"Không có chống lưng thì không dám công khai vi phạm như vậy" - ông Chung chỉ rõ khi nói về sự tồn tại của các quán bia hơi trên vỉa hè Thủ đô.

Tất nhiên câu chuyện vỉa hè sẽ còn tiếp diễn với những tình tiết khó đoán định vì rất rõ bóng dáng lợi ích nhóm.

Dẹp loạn vỉa hè bằng cách xử lý người buôn bán chỉ là cắt ngọn, nó sẽ nhanh chóng mọc tay chân trở lại. Nhưng dẹp gốc - dẹp nguồn lợi chảy vào túi người có quyền, thì lại không dễ.

Hiệu quả nhất là "nhấc một vài đồng chí đi" như cách của Chủ tịch Chung khi phát hiện ai đó không chịu buông bỏ lợi ích vốn là mầm mống làm loạn vỉa hè.

Nhà báo Hằng Thanh chia sẻ trên trang cá nhân: Mình rất ủng hộ việc lấy lại lòng đường, vỉa hè đã bị ăn cắp, để bảo vệ luật pháp.

Nhưng sau tuyên bố động trời của Chủ tịch Chung hôm qua thì thấy, cách làm ở Hà Nội là chỉ ra được cái gốc của vấn đề.

Lần đầu tiên, vị đứng đầu Thủ đô dũng cảm chỉ ra "ung nhọt" vỉa hè ở địa phương mình - điều xưa nay thậm chí biết rõ mười mươi vẫn phủ nhận, kiểu như "đường cong mềm mại" hay "cướp lộc đánh nhau có văn hoá"!

Việc "chỉ tay day mặt" lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân của chính lực lượng công an và cả chính quyền, khiến tất cả những người có "sân sau" đều phải giật mình.

Nếu tới đây, Chủ tịch Chung kiên quyết cách chức một vài vị đứng đầu những nơi cứ ỳ ra, thì hiệu ứng sẽ còn cao nữa.

Cũng hy vọng, khi đã "tuyên chiến" như thế là Chủ tịch Chung đã lường hết mọi tình huống, để giữ được lửa "chiến đấu", thay vì "đầu voi đuôi chuột"!

Cũng hy vọng, với thế mạnh về nguồn thông tin của một tướng công an, Chủ tịch Chung sẽ "điểm huyệt" được các vị đang bảo kê cho vi phạm vỉa hè.

Dẫu biết đây là việc không dễ ở xã hội mà nhiều giá trị đang bị lệch chuẩn - khi 87% địa điểm vi phạm lại do chính lực lượng bảo vệ pháp luật và cả lãnh đạo chính quyền địa phương dung dưỡng - nhưng vẫn phải bấu víu vào hy vọng!

Hà Nội làm vậy còn các địa phương khác thì sao, rất mong các vị chủ tịch tỉnh, thành phố cũng chỉ ra những cây "chống lưng" thần thánh như Hà Nội đã làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại