Lãnh đạo NATO lo ngại ông Trump gây tổn hại tới khối đồng minh, kỳ vọng "ngăn thảm họa"

Tất Đạt |

"Khả năng ông Trump rút quân khỏi những quốc gia không đóng đủ 2% GDP sẽ trở thành mối hiểm họa thực sự. Đó sẽ là viễn cảnh tồi tệ nhất," một vị quan chức nói.

Các nhà lãnh đạo Châu Âu đều đang lo ngại trước bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh NATO sắp diễn ra tại Brussels, Bỉ giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ rút quân đội Mỹ khỏi các quốc gia đồng minh mặc dù những quan chức cấp cao khác của Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định chuyện này sẽ không xảy ra.

Trả lời CNN, một quan chức cấp cao châu Âu cho biết các thành viên của NATO đang chuẩn bị cho viễn cảnh xấu nhất tại kì thượng đỉnh diễn ra vào ngày 11/7, khi ông Trump lặp lại lời đe dọa kết thúc hoặc cắt giảm hợp tác quốc phòng với các đồng minh NATO khi những nước này không hoàn thành "chỉ tiêu" đóng góp 2% GDP quốc gia cho hoạt động quân sự chung của khối.

Nước đi này của ông Trump sẽ làm rạn nứt thêm hoạt động quốc phòng trên danh nghĩa của NATO. Ngược lại, đây có thể là tin vui với Moskva trước cuộc gặp thượng đỉnh của ông Trump với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan.

Tức giận về các khoản chi tiêu

Mỹ và các đồng minh đã thống nhất thỏa thuận sẽ được đàm phán tại kì thượng đỉnh, bao gồm:

* Các bước nhằm cải thiện tính sẵn sàng và năng lực triển khai quân sự khẩn cấp của khối NATO.

* Tăng cường vai trò của NATO trong việc đào tạo và hỗ trợ các chiến dịch tại Iraq.

* Tăng cường năng lực trong an ninh mạng.

* Tuyên bố mới về hai trung tâm chỉ huy NATO tại Mỹ và Đức.

* Cam kết tiếp tục tăng cường đầu tư cho quốc phòng.

Nhưng sự tức giận của ông Trump về khoản chi phí quốc phòng đang bao trùm lên tính khả thi của những thỏa thuận ấy. Trong khi một vài nhà ngoại giao tin rằng ông Trump sẽ điều chỉnh lại ngưỡng đóng góp 2% mà Mỹ yêu cầu, nhiều người lại lo ngại tổng thống Mỹ sẽ rút quân khỏi những nước không đóng đủ chi phí như đã cam kết.

Theo vài quan chức, có khả năng ông Trump sẽ đề cập tới hoạt động tập trận quân sự của NATO, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Âu và việc mở rộng NATO trong tương lai có thể làm suy yếu khối liên minh này.

"Khả năng ông Trump rút quân khỏi những quốc gia không đóng đủ 2% GDP sẽ trở thành mối hiểm họa thực sự. Đó sẽ là viễn cảnh tồi tệ nhất," một vị quan chức nói.

Các lãnh đạo NATO lo ngại ông Trump gây tổn hại tới khối đồng minh, kỳ vọng ngăn thảm họa - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại hội nghị của NATO. Ảnh: Reuters

Ông Trump đã thường xuyên chỉ trích các thành viên của NATO vì trở thành "gánh nặng" cho Mỹ từ khi còn vận động tranh cử hồi năm 2016. Gần đây, ông liên tiếp nhắc lại quan điểm của mình trước khi cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức.

"Nhiều quốc gia NATO - những nước mà chúng ta [nước Mỹ] bảo vệ - không chỉ không đóng đủ khoản tiền cam kết là 2% (tức là mức rất thấp), mà còn chưa hoàn trả những khoản phí còn nợ trong nhiều năm qua. Liệu các nước này có bồi hoàn cho Mỹ hay không?" ông Trump viết trên Twitter khi trên đường tới Brussels.

Theo Derek Chollet, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng và là cố vấn cấp cao cho chính sách an ninh và quốc phòng tại Quỹ German Marshall, "ông Trump hiểu nhầm về NATO - ông ấy lầm tưởng rằng NATO giống như một câu lạc bộ mà mọi thành viên đều mắc nợ."

Ông Trump đã gửi nhiều thông điệp tới các đồng minh NATO, trong đó có Đức, Bỉ, Canada và những quốc gia khác, yêu cầu tất cả tăng cường chi tiêu và đe dọa sẽ thay đổi sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu nếu các nước này không tuân thủ thỏa thuận.

Đáp lại, các quan chức châu Âu tuyên bố chính quyền Mỹ đang "gây ra bất đồng" và cố gắng trấn an các quốc gia đồng minh, nhưng rõ ràng "không ai biết ông Trump sẽ làm gì".

"Các quan chức cấp cao như ông Mattis và Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison đang cố gắng trấn an các nước NATO, nhưng tôi nghĩ việc này sẽ không có hiệu quả," ông James M. Goldgeier tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết.

"Các nước châu Âu thực sự đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình cảnh xấu nhất".

Theo Stephen Sestanovich, một học giả nghiên cứu về Nga và các quốc gia châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông Trump có thể sẽ bác bỏ lời khuyên của các cố vấn quan trọng như tướng Mattis.

Điều này sẽ phù hợp với những gì ông Trump viết trước kì thượng đỉnh và là dấu hiệu cho thấy sự chia cách giữa Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng.

Dấu hiệu chia rẽ trong NATO

Một vài chuyên gia cho biết, kể cả khi ông Trump không đưa ra lời đe dọa trực tiếp tại Brussels, thì sự chia rẽ trong khối đồng minh NATO vẫn sẽ là yếu tố có lợi cho Moskva. Ông Trump sẽ gặp ông Putin tại Helsinki sau kì thượng đỉnh NATO và chuyến thăm tới Anh.

"Dấu hiệu chia rẽ trong NATO là vấn đề đáng ngại. Một trong những chiến lược chủ chốt của Tổng thống Vladimir Putin là tách Mỹ khỏi châu Âu và chứng tỏ rằng khối NATO không hề vững mạnh," ông Chollet nói.

Một quan chức cấp cao của NATO bày tỏ quan điểm về tương lai của khối đồng minh.

"Chúng ta đã từng có bất đồng, chúng ta đã từng đặt ra câu hỏi về mục đích tồn tại của NATO, và mỗi lần sau đó, NATO lại trở nên hùng mạnh hơn, bởi nó là lợi ích của cả Mỹ lẫn châu Âu," người này nói.

Một quan chức châu Âu khác cho rằng lời tuyên bố của ông Trump chỉ nhằm mục đích đối nội và cho tới nay, chính quyền Mỹ vẫn giữ vững cam kết với NATO.

Vị quan chức chỉ ra rằng kỳ thượng đỉnh sẽ chính thức thống nhất các vấn đề về hai trung tâm chỉ huy mới của NATO. Trung tâm đầu tiên được đặt tại bờ Đông nước Mỹ, chịu trách nhiệm bảo vệ các tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương và một trung tâm khác ở Đức sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ hậu cần để đảm bảo NATO có thể phản ứng nhanh chóng trước các hiểm họa.

Theo James Carafano, một nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Di sản, sự bất đồng trong phát ngôn của ông Trump và các quan chức cấp cao Mỹ là một phần trong chiến lược tạo áp lực lên các quốc gia châu Âu. Ông tin rằng ông Trump không hề có ý định "phá hoại" thượng đỉnh NATO - một phần vì các vấn đề đối nội.

Bất kì quyết định nào nhằm hạn chế sự can thiệp của Mỹ trong các cuộc tập trận quân sự của NATO cũng đều có thể gây ra các rào cản đối với Quốc hội trong những vấn đề khác, ví dụ như quy trình xác nhận của Tòa án Tối cao sắp tới.

Nhưng những chuyên gia khác cảnh báo rằng phát ngôn của ông Trump có thể sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đối với quan hệ của Mỹ và các đồng minh quan trọng khác.

Andrew Holland, giám đốc chương trình Nghiên cứu về Năng lượng và Cơ sở hạ tầng của các Dự án an ninh Mỹ, đánh giá rằng phát ngôn của ông Trump có ảnh hưởng sâu sắc tới chính sách đối ngoại.

Ông Chollet cho biết các quan chức quốc phòng tại Mỹ và châu Âu "đang nỗ lực hết sức và tránh kích động ông Trump".

Năm ngoái, ông Trump đã không đồng thuận với Khoản 5 trong cam kết với NATO về vấn đề phòng thủ chung. "Kì thượng đỉnh năm nay sẽ xoay quanh những gì ông Trump nói. Hầu hết các lãnh đạo sẽ hài lòng hơn nếu không có tin gì mới sau cuộc gặp. Họ đang cố gắng đảo ngược viễn cảnh xấu nhất xảy ra với NATO."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại