Tích cực điều tra
Tại cuộc họp báo, PV Tiền Phong hỏi về việc Thanh tra Chính phủ (TTCP) chuyển hồ sơ vụ “thổi giá” thiết bị y tế (TBYT) đối với Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Tim và Bệnh viện Thanh Nhàn. Hiện Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tim đã được cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố xét xử, trong khi Bệnh viện Thanh Nhàn thì chưa, ông lý giải vấn đề này thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng trả lời vụ việc ở Bệnh viện Thanh Nhàn
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an chuyển hồ sơ, Công an TP Hà Nội đã tiếp tục tích cực điều tra để làm rõ vụ việc tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Đây là một phần trong loạt vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế, buôn lậu mà C03 Bộ Công an đang điều tra.
“Chúng tôi xem xét toàn bộ các gói thầu trong kết luận thanh tra (TTCP). Vụ việc này đang được Trung ương theo dõi và chỉ đạo giao cho Công an Hà Nội điều tra. Chúng tôi đang rất tích cực, nhưng trong quá trình điều tra có gặp một số khó khăn liên quan đến giá, việc cung cấp tài liệu, hợp đồng từ phía đối tác nước ngoài” ông Tùng nói.
Được biết, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội TP Hà Nội (Ban QLDA VH-XH Hà Nội) đầu tư nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn 2. Theo đó, Bệnh viện Thanh Nhàn được thụ hưởng một Phòng mổ kỹ thuật cao do ngân sách TP Hà Nội cấp.
Một trong những thiết bị đắt tiền nhất của phòng mổ này là Robot Maizor, có xuất xứ từ Israel. Đáng chú ý, thiết bị này được cung cấp bởi Công ty CP Công nghệ y tế BMS - doanh nghiệp từng bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.
TTCP chỉ ra sai phạm khủng
Trước đó, Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ đến Bộ Công an đề nghị điều tra 7 vụ mua sắm trang thiết bị y tế có dấu hiệu sai phạm hình sự tại Bộ Y tế và các đơn vị liên quan. Một trong số đó là việc mua sắm robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não tại Ban QLDA VH-XH Hà Nội.
TTCP cho rằng việc mua sắm thiết bị y tế nêu trên có dấu hiệu “thổi giá”. Cụ thể, từ năm 2018, Ban QLDA VH-XH Hà Nội ký hợp đồng mua sắm thiết bị robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não với mức giá 38,7 tỉ đồng để lắp đặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Tuy nhiên, kết luận của TTCP nêu rõ: “Giá trị theo hợp đồng của hệ thống robot mà Ban QLDA VH-XH Hà Nội mua là giá quá cao so với giá trị thực tế của hệ thống robot đã đưa vào liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai (10,9 tỉ đồng), cần tiếp tục điều tra làm rõ”.
Thương vụ mua sắm TBYT tại Ban QLDA VH-XH Hà Nội liên quan đến dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn 2. Một trong những hạng mục lớn của dự án này (là Phòng mổ kỹ thuật cao) được ngân sách TP Hà Nội cấp và Ban QLDA VH-XH Hà Nội là chủ đầu tư.
Từ năm 2018, Ban QLDA VH-XH Hà Nội ký hợp đồng kinh tế với liên danh nhà thầu Công ty CP công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) - Công ty TNHH xuất nhập khẩu TBYT Đại Phát để mua sắm hệ thống robot Mazor với mức giá hơn 38,7 tỉ đồng. Trong khi đó, giá trị thực của thiết bị này, theo TTCP là khoảng gần 11 tỉ đồng.
Từ năm 2018 - 2019, Bệnh viện Thanh Nhàn đã hoàn thành hạng mục Phòng mổ kỹ thuật cao, đưa vào sử dụng. Thời điểm này, lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn từng công bố trước dư luận về những loại máy móc trang thiết bị tân tiến bậc nhất trong cả nước được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, sau đó những con robot này phải “đắp chiếu” không rõ lý do.
Tháng 9/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố hàng loạt lãnh đạo Công ty BMS, trong đó có ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc, để điều tra về hành vi móc nối với lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nâng giá TBYT, chiếm đoạt cả chục tỉ đồng của bệnh nhân.