Lãnh đạo Cần Thơ giải thích kế hoạch 30 tỷ đồng... phòng chống chuột

Cảnh Kỳ |

UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch phòng chống chuột, bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Hiện kế hoạch này đang gây xôn xao dư luận.

Kế hoạch do ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký ban hành ngày 10/3/2021.

Tổng số tiền thực hiện kế hoạch là gần 30 tỷ đồng cho 5 năm từ 2021-2025. Trong đó, hơn 22,5 tỷ đồng là vốn đề xuất ngân sách thành phố, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.

Về nội dung thực hiện, đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc, với cây ăn quả là 85 cuộc.

Lãnh đạo Cần Thơ giải thích kế hoạch 30 tỷ đồng... phòng chống chuột - Ảnh 1.

Người dân miền Tây bắt chuột. Ảnh: Hòa Hội

Đối với diện tích cây trồng có nguy cơ bị chuột gây hại, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột với số lượng 22.500 bẫy chuột/năm, tổng 5 năm là 112.500 bẫy chuột trên tổng diện tích 225.142ha.

Hỗ trợ thuốc sinh học trên diện tích bị chuột gây hại với 1.125kg/năm, tổng 5 năm là 5.625kg thuốc sinh học. Ngoài ra, còn thực hiện mô hình bẫy cây trồng nhằm tổ chức ‘diệt chuột cộng đồng’.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống chuột gây hại trên cây trồng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hằng năm sẽ tổ chức hội nghị triển khai và tổng kết để đánh giá tình hình thực hiện và đề ra nhiệm vụ năm tiếp theo.

Lãnh đạo Cần Thơ giải thích kế hoạch 30 tỷ đồng... phòng chống chuột - Ảnh 2.

Thành phố Cần Thơ có hơn 77.100 ha lúa Đông Xuân 2020-2021. Ảnh: Cảnh Kỳ

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, kế hoạch trên "chỉ mang tính tương đối", là kế hoạch 5 năm nhưng ở từng năm sẽ có kế hoạch riêng, gắn với điều kiện thực tế cụ thể. Mặt khác, khi triển khai kế hoạch sẽ lồng ghép với các chương trình, dự án khác.

Được biết, nguyên nhân ra đời kế hoạch trên được cho là do thời gian gần đây, tình trạng chuột gây hại mùa màng tương đối phức tạp hơn trước.

Tuy nhiên, theo nhiều bà con nông dân, họ đã quen và chủ động trong việc phòng chống, không còn lo ngại nhiều như trước. Thậm chí, với họ, kinh nghiệm “đầy mình” nên cũng không cần phải tập huấn về “kỹ thuật” diệt chuột, thậm chí có người còn nói vui “chưa biết ai tập huấn cho ai”.

Đại diện một tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao ở huyện Thới Lai (Cần Thơ) cho hay, đầu năm ngoái, tình trạng chuột gây hại lúa thực tế có xảy ra, có hộ dân thiệt hại gần như hoàn toàn.

Sau đó, người dân đã chủ động mua bẫy chuột cũng như áp dụng các giải pháp bảo vệ khác. Kết quả, cuối năm và vụ Đông Xuân 2020-2021, tỷ lệ lúa bị thiệt hại rất thấp, không đáng kể, số lượng chuột trên đồng cũng còn rất ít.

Khi được hỏi về nhu cầu tập huấn "phương pháp phòng chống chuột", vị này nói không cần, bởi người dân đã ý thức rất cao và có kinh nghiệm trong việc này.

Giám đốc một hợp tác xã (HTX) ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) cũng cho hay, đầu năm 2020, một số diện tích lúa của người dân trong HTX bị chuột gây hại khoảng 30%. Sau đó, người dân đã chủ động phòng trừ nên hiện nay tình trạng này không còn nhiều.

Cũng theo vị giám đốc HTX này, việc mở lớp tập huấn phòng, trừ diệt chuột cho nông dân thì cũng nên làm, tuy nhiên nhưng làm phải hay và hiệu quả hơn cách mà người dân đang làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại