Làng vua lửa Plei Ơi và huyền tích gươm báu

KIm Anh |

Ở Việt Nam, duy chỉ có miền đất Tây Nguyên đến cuối thế kỷ XX vẫn tồn tại ông vua bằng xương bằng thịt. Dẫu không ngai vàng, quân lính, không có pháp trị mà chỉ mang tính chất thần quyền nhưng sự chi phối của vua lửa trong đời sống tâm linh vẫn rất lớn.

Ông Trịnh Thiết, Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ cho biết tháng 4 vừa rồi, làng Ơi (Plei Ơi) thuộc xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội cầu mưa của Yang Pơtao Apui (vua lửa).

Trước đó Plei Ơi, ngôi làng các vua lửa sinh sống cũng đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.

Anh Rơmah Thuyn, Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ, hiện sinh sống ở làng Ơi, cho biết, gần đây UBND huyện Phú Thiện đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất và tôn tạo quần thể di tích.

Lễ cầu mưa vang bóng một thời lại được tái hiện ở Plei Ơi.

Huyền tích gươm báu

Truyền thuyết về thanh gươm, theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, xưa kia anh em T’dia và T’diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng, một miệng núi lửa khổng lồ cách trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai) về phía nam khoảng 10 cây số.

Khi rèn xong, thanh gươm bằng đồng cứ đỏ rực, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước... cuối cùng phải nhúng bằng máu các nô lệ thì thanh gươm mới nguội.

TS Nguyễn Thị Kim Vân, Giám đốc Bảo tàng Gia Lai, cho rằng, các tộc người ở Tây Nguyên từng là nạn nhân của những cuộc xung đột triền miên giữa Lâm Ấp và Phù Nam, Chiêm Thành và Chân Lạp nên phải lùi sâu vào những vùng núi cao, hẻo lánh, cách biệt với thế giới bên ngoài.

Cũng vì vậy mà họ biết đến nghề rèn khá muộn. Đến khi những công cụ rèn đầu tiên xuất hiện với nhiều tính năng ưu việt so với trình độ săn bắt hái lượm, phát đốt chọc tỉa lúc bấy giờ, thanh gươm được gán cho yếu tố thần linh.

Trong đời sống của người Tây Nguyên thuở sơ khai khi con người hoàn toàn lệ thuộc vào thiên nhiên, lửa là yếu tố quan trọng nhất và vai trò chính của vua lửa là dùng "gươm thần" để cầu mưa, cũng là một thứ thiết yếu đối với loài người.

Bởi thế họ cho rằng "gươm thần" mang sức mạnh huyền bí và bất khả xâm phạm.

Một khi gươm đã được "phong thần" thì phải tìm người xứng đáng để giữ gươm bởi theo người Jrai ai sở hữu linh vật này có thể nói chuyện, truyền đạt ý nguyện của dân làng với thần linh và ngược lại. Vì thế những người giữ gươm cũng được thần thánh hóa, gọi là Pơtao Apui (vua lửa).

Làng vua lửa Plei Ơi và huyền tích gươm báu - Ảnh 1.

Cổng làng vua lửa.

14 đời Pơtao Apui tồn tại hơn 5 thế kỷ qua rất được cộng đồng tín nhiệm, đặc biệt là vua lửa đời thứ 11 Siu Ăt. Tài liệu nghiên cứu của nhiều học giả ghi nhận vua Siu Ăt có chí khí quật cường.

Năm 1904, ông đã chỉ huy dân làng giết chết Odend’hal khi viên quan người Pháp này muốn cướp gươm thần để thu phục các dân tộc Tây Nguyên.

Thanh gươm được cất giấu rất kỹ ở một nơi đặc biệt mà ngoại trừ vua lửa và phụ tá, không ai được đặt chân đến, kể cả một số người có trách nhiệm của huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.

Đó là đỉnh núi Chư Tao Yang cao 209m, nổi bật giữa đồng lúa mênh mông, xanh mướt. Trên đỉnh núi có một hang đá được tạo bởi 3 viên đá xếp chồng lên nhau. Dưới khe đá là cửa hang nhỏ hẹp chỉ một người chui lọt.

Và để đến được nơi giấu gươm còn phải chui qua hai ngách hang nữa.

"Nơi ấy có thể giữ sự thanh tịnh, uy nghiêm cho gươm, tránh xa những xô bồ chốn trần tục.

Người xưa truyền lại rằng nếu ai dám xâm nhập ngọn núi thiêng này sẽ bị phát điên hoặc có tai họa khác giáng xuống đầu", ông Rơ Lan Hieo, phụ tá của 2 đời vua lửa cuối cùng kể.

Anh Rơmah Thuyn cũng cho biết từ nhỏ đã nghe người già trong làng nói rằng trên núi có đặt thanh gươm quý của Pơtao Apui.

Không ai dám leo lên núi vì sợ Yàng (trời) quở trách. Đám trẻ chăn bò nổi tiếng cứng đầu, nghịch ngợm nhưng cũng không bao giờ dám để bò lên núi gặm cỏ.

"Vì Chư Tao Yang đã ăn sâu vào tiềm thức người dân như là vùng cấm địa nên lâu nay cây cối trên núi mới xanh tươi, rậm rạp thế này", Chủ tịch xã Ayun Hạ Trịnh Thiết nói.

Nổi tiếng khắp Đông Dương

Theo TS Vân, vua lửa được đánh giá là có uy tín, ảnh hưởng về mặt thần quyền cả một khu vực rộng lớn. Hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên, Lào và Campuchia đều biết đến Pơtao Apui.

Một số tài liệu nghiên cứu khác ghi nhận, dưới thời nhà Nguyễn, mỗi khi hay tin có vua lửa mới, các quan ở Phú Yên (tiếp giáp Gia Lai) đều cử người lên thăm và tặng một số vật phẩm.

Đáp lại, vua lửa cũng gửi tặng những vật phẩm của núi rừng như ngà voi, sáp ong.

Làng vua lửa Plei Ơi và huyền tích gươm báu - Ảnh 2.

Núi Chư Tao Yang, nơi cất giấu "gươm thần".

Mỗi khi có dịch bệnh, mất mùa đói kém…, không chỉ đồng bào Jrai và Ba Na ở Gia Lai mà cả các tỉnh lân cận như Phú Yên, Đắk Lắk cũng tìm đến Plei Ơi để rước vua lửa về cúng Yàng giải hạn.

Họ tin rằng nhờ có sức mạnh của vị thần ẩn trong thanh gươm mà các Pơtao Apui có nhiều khả năng đặc biệt, quan trọng nhất là chuyển hạn thành mưa.

Tương truyền nhiều lần các vua lửa đã hô mưa gọi gió giúp dân làng thoát khỏi hạn hán khốc liệt.

"Thực tế thì các Pơtao Apui rất giàu kinh nghiệm sống, am hiểu thiên nhiên và có khả năng thiên bẩm dự đoán thời tiết", TS Vân đúc kết.

"Mặc dù có thế lực và rất được tôn sùng nhưng vua lửa cũng chỉ lấy một vợ và sinh sống như người bình thường. Hàng ngày vua cùng với các phụ tá như chúng tôi phải đi rẫy, săn thú, hái rau rừng để sống", Rơ Lan Hieo hồi tưởng.

Khuôn mặt người phụ tá của vua trông gầy gò khắc khổ, da nhăn nheo, mái tóc bạc gần hết, đôi tay chai sần với nhiều vết sứt sẹo sau bao năm đánh vật với cái cuốc, cái cày…

Già Rơ Lan Hieo kể rằng, nhiều vị vua lửa tiếp nối nhau sinh sống ở Plei Ơi để gìn giữ thanh gươm thần cất giấu trên núi Chư Tao Yang.

Theo tài liệu của Sở VH-TT tỉnh Gia Lai, cũng vì sự hiện diện của thanh gươm trên núi mà toàn bộ các nóc nhà ở làng Ơi đều quay lưng về hướng Bắc, mặt xoay ra hướng Nam, trái ngược với những ngôi làng khác của người Jrai.

Bởi người làng Ơi quan niệm rằng làm nhà theo hướng núi, nơi cất giấu gươm thần thì sức mạnh của nó sẽ làm cho dân làng đau ốm.

Làng vua lửa Plei Ơi và huyền tích gươm báu - Ảnh 3.

Vua lửa Siu Luynh khi còn sống

Vị vua lửa thứ 14 Siu Luynh mất vào năm 1999 và từ đó đến nay vị trí này vẫn để ngỏ. Theo quy định chỉ những người mang họ Siu mới được nối ngôi, trong khi con cái của ông đều theo họ mẹ.

Như vậy em ruột hoặc một người nào đó mang họ Siu có thể kế tục "vương vị" này nhưng chẳng ai chịu "ứng cử".

Một số người trong dòng họ Siu tâm sự, mười mấy năm nay nhà nước đã xây dựng công trình thủy lợi Ayun Hạ để tưới mát cho vùng đất này; con mương lớn của làng Ơi lúc nào cũng ăm ắp nước nên chẳng cần phải cúng kiếng cầu mưa nữa, do đó mà uy lực của vua lửa cũng không còn nhiều, trong khi đã làm vua thì phải kiêng khem nhiều lắm.

"Pơtao Apui không được ăn các loại thịt ếch, nhái, bò, chó", Rơmah Thuyn cho biết. "Tại sao phải kiêng?", tôi hỏi. "Mình không rõ lắm, chỉ nghe ông bà bảo rằng nếu không thể kiêng cữ trong việc ăn uống sẽ làm ô uế thanh gươm.

Có lẽ do bò cày ruộng, ăn nó thì không có ai cày, còn ếch, nhái báo tin sắp có mưa", Rơmah Thuyn trả lời. Ông Rơ Lan Hieo cũng khẳng định các vua phải kiêng khem nghiêm ngặt lắm vì sợ bị Yàng trách phạt, nguy hiểm tới tính mạng.

Lo ngại rằng lễ hội cầu mưa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Jrai bị mai một nên thời gian gần đây chính quyền địa phương và ngành văn hóa đã cho phục dựng.

Già Rơ Lan Hieo được mời điều hành lễ cúng bởi ông là người duy nhất biết điều khiển "gươm thần", khấn vái thần linh để cầu xin những điều tốt lành cho dân làng.

"Gươm thần" cũng đã được chuyển vào nhà để gươm trong khu di tích dưới chân núi.

Một số nhà dân tộc học nhận định huyền tích lừng lẫy nhất Tây Nguyên chính là câu chuyện về "gươm thần" của Pơtao Apui. Nhiều thế kỷ qua, các vị vua lửa vẫn tồn tại trong lòng người Jrai cùng niềm tin về sự linh thiêng của thanh gươm được giấu kín như một báu vật để giữ cho cuộc sống được bình yên, không xảy ra thiên tai địch họa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại