Sáng 10-1, thời tiết xứ Huế rét đậm, nhưng cơ sở sản xuất bánh “tiến vua” của gia đình ông Lưu Đình Ngữ (62 tuổi, trú kiệt 176 Lý Nam Đế, phường Kim Long, TP Huế) vẫn “nóng” không khí làm việc tất bật, khẩn trương.
Vợ chồng ông Ngữ là một trong số ít hộ dân ở phường Kim Long còn lưu giữ nghề làm bánh in, loại bánh từng được dùng tiến cống vua, chúa vào thời nhà Nguyễn sau hàng trăm năm tồn tại.
Đôi tay thoăn thoắt cho bột đậu vào tấm khuôn nhỏ xíu bằng hộp diêm để làm nên những chiếc bánh “tiến vua” có hình dạng xinh xắn, ông Ngữ kể rằng, ông không biết nghề làm bánh “tiến vua” ở vùng Kim Long này có từ đời nào, mà chỉ biết gia đình mình đã có 3 đời theo nghề làm bánh này.
“Cha tôi kể lại rằng, ngày xưa các bậc vua, chúa triều Nguyễn thường thích dùng loại bánh làm từ bột đậu xanh và đường do dân làng Kim Long làm nên để ăn kèm khi uống trà.
Về sau, bánh được dân làng cải tiến với hình dáng nhỏ gọn, trên mặt bánh còn khắc chữ “Thọ” với ý nghĩa cầu chúc cho nhà vua luôn trường thọ, sống lâu trăm tuổi.
Chính vì thế mà loại bánh này còn có tên gọi là bánh “tiến vua””, ông Ngữ giải thích.
Và cứ vào tháng 11 âm lịch hằng năm, lò bánh của gia đình ông Ngữ lại đỏ lửa với 7 nhân công làm việc cả ngày lẫn đêm.
Để làm nên mỗi chiếc bánh thì người thợ trải qua 10 công đoạn, trong đó việc chọn loại đậu xanh hảo hạng để làm nguyên liệu bánh là quan trọng nhất.
Sau khi in bánh, bánh được cho vào lò sấy thủ công bằng than, sau 5 tiếng bánh được đưa ra ngoài để tiến hành gói bằng giấy bóng ngũ sắc. “Bình quân mỗi vụ Tết, lò bánh gia đình tôi sản xuất từ 5 đến 7.000 bánh/ngày.
Hiện thị trường thu mua 100 bánh “tiến vua”, với giá 30 ngàn đồng nên trừ các chi phí, chúng tôi còn có lãi và số tiền này được dùng để mua sắm Tết trong gia đình”, vợ ông Ngữ - bà Trần Thị Tý (60 tuổi) góp chuyện.
Theo các cụ cao niên ở phường Kim Long, nếu khoảng 10 năm trở về trước, cứ đến vụ Tết thì địa phương có hơn 100 lò sản xuất bánh “tiến vua” đỏ lửa nhưng càng về sau, số cơ sở làm bánh giảm dần do việc cạnh tranh thị trường quá “khốc liệt”, sản phẩm làm ra bán với giá bèo, không đủ trả chi phí nhân công và nguyên liệu.
Tuy nhiên, để giữ nghề truyền thống, hiện vẫn còn hơn 20 cơ sở sản xuất bánh “tiến vua” ở Kim Long hoạt động nhằm cung ứng sản phẩm bánh tiến vua các loại cho chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu và khu vực TP Hồ Chí Minh hoặc chuyển ra Bắc tiêu thụ.
Ông Lưu Đình Bá (50 tuổi), một trong những “nghệ nhân” làm bánh “tiến vua” có tiếng ở vùng Kim Long cho hay, vì không muốn làm thất truyền nghề truyền thống của cha ông nên mỗi năm cứ đến vụ Tết, gia đình ông lại bắt tay sản xuất bánh với gần 10 ngàn cái/ngày.
Mới đây vợ chồng ông Bá còn đầu tư thêm 2 loại máy giã đậu xanh và đánh bột để sản phẩm ra lò đạt chất lượng tinh tế hơn. Bên cạnh, cơ sở còn mở rộng sản xuất bánh hạt sen, bánh đậu các loại để đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng trong dịp Tết.
Ông Phan Vĩnh Duy Mãn, Chủ tịch UBND phường Kim Long cho biết, hiện toàn địa phương có 22 tổ dân phố, 7 khu vực dân cư với hơn 15.000 nhân khẩu, nhưng số hộ gia đình có người theo nghề sản xuất bánh “tiến vua” chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Ngoài nghề làm bánh “tiến vua”, hiện trên địa bàn còn lưu giữ nghề làm mứt gừng và một số nghề sản xuất thủ công truyền thống vào dịp Tết.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, địa phương đã thường xuyên tổ chức các tổ công tác đi kiểm tra, đồng thời khuyến khích các chủ cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường hàng hóa vào dịp Tết đến, xuân về”, ông Mãn cho hay.