Đối với các hoàng đế thời xưa trong lịch sử phong kiến, việc đầu tư xây dựng lăng mộ cho chính mình sau khi qua đời là một việc vô cùng được chú trọng. Họ sẵn sàng bỏ lượng vàng bạc châu báu khổng lồ, chiêu mộ hàng ngàn, thậm chí đến trăm ngàn nhân công để xây dựng nơi an nghỉ của mình sao cho hoành tráng, quy mô và xa xỉ nhất.
Theo quan niệm của người xưa tại Trung Quốc, con người sẽ tiếp tục cuộc sống ở thế giới bên kia nên việc an táng phải thực hiện đầy đủ theo lễ nghi. Với các bậc vua chúa được coi là "Thiên tử" thì nơi ở sau khi băng hà càng không được tầm thường. Hầu hết các vị hoàng đế hay quý tộc nói chung tại Trung Hoa đều chôn rất nhiều của cải bên người.
Cũng chính vì vậy nên mới sinh ra nạn trộm mộ. Để ngăn cản những kẻ xấu này đến quấy nhiễu giấc ngủ ngàn thu, trong lăng mộ hoàng đế cũng phải cài cắm rất nhiều cái bẫy hiểm độc. Ví dụ như lăng mộ Tần Thủy Hoàng đến tận ngày nay vẫn không ai dám mở ra vì sợ hãi bí mật ẩn trong nó.
Thông thường, sau khi băng hà, di hài vua chúa sẽ được đưa đến lăng mộ. Khi đã hoàn tất các nghi lễ, cổng mộ phải được đóng lại kín hoàn toàn, niêm phong cẩn thận để người mất an nghỉ. Nếu chỉ niêm phong cửa từ bên ngoài thì dường như quá đơn giản và thiếu an toàn. Vậy trong trường hợp cửa mộ phải được lấp kín từ bên trong, thì số phận của người thợ cuối cùng làm nhiệm vụ đóng mộ sẽ như thế nào?
Theo các chuyên gia sử học Trung Quốc cũng như nhiều sử sách ghi lại, số phận của những người thợ đào mộ có thể là 1 trong 2 đáp án sau: phải chết hoặc vật vã tự tìm đường sống.
Một trong những yêu cầu quan trọng nhất khi xây lăng cho hoàng đế là "bất khả xâm phạm". Để tránh bí mật địa điểm lăng mộ và kiểu thiết kế bị lộ ra, cách "bịt miệng" những người thợ được lựa chọn nhiều nhất là bắt họ ra đi cùng chủ nhân ngôi mộ. Trong lịch sử, đã có biết bao người thợ phải vất vả hàng năm trời đào nấm mồ cho chính mình trong đau đớn.
Thực chất, việc hoàng đế, vua chúa ép người xây lăng của mình thành vật hy sinh hiến tế cũng không phải hiếm thấy trong lịch sử thế giới. Không những vậy, cái chết của họ cũng thường rất tàn khốc: đó là phải đợi đến khi chết ngạt hoặc chết đói.
Trở thành người bồi táng cho chủ nhân là số phận chung của thợ xây lăng mộ thời xưa
Một câu hỏi khác lại được đặt ra là vì sao những người thợ xây biết kết cục thảm thương đó mà vẫn chịu đến làm công việc này? Câu trả lời đơn giản là có nhiều khả năng họ không có quyền lựa chọn vì cãi lệnh vua thì cũng phải chết.
Kết quả khai quật, nghiên cứu một số lăng mộ cổ đã cho thấy, không ít người thợ xây lăng đã âm thầm tự tìm lối giải thoát cho mình. Họ đã đào những lối đi bí mật hoặc làm cửa thoát hiểm tinh vi trong quá trình xây lăng để tẩu thoát.
Một số dấu hiệu của các lối đi bí mật này đã được tìm thấy. Tuy nhiên, việc họ có thành công hay không thì người đời sau không thể xác định được.
Để vào được các hầm mộ, hậu thế cũng phải nghiên cứu và sử dụng nhiều công cụ đặc biệt mới phá được cửa
Điều đáng mừng là vào thời Khang Hy của nhà Thanh, ông đã ra lệnh bãi bỏ phong tục tàn ác và vô nhân đạo này. Kể từ đó, những người thợ xây lăng mộ sau khi làm việc chăm chỉ trong lăng tẩm vài năm có thể trở ra một cách trang nghiêm và nhận thưởng công xứng đáng.
Tôn Điện Anh - kẻ nổi tiếng vì trộm mộ lăng Từ Hi Thái hậu từng tiết lộ rằng bên trong có một lối thoát siêu nhỏ bí ẩn. Đây nhiều khả năng chính là nơi người thợ xây cuối cùng chui ra khi hoàn thành công trình. Nhưng điều ngang trái là Tôn Điện Anh có thể trộm mộ Từ Hi cũng do chính một trong những người thợ năm xưa phản bội chủ nhân tiết lộ mà ra.