Giữa phố xá bộn bề tấp nập, người ta vội vã trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Tiếng còi xe liên tục thay nhau vang lên dồn dập mong được thoát ra đám đông, khiến đoạn đường của Sài Gòn ngày càng bức bí.
Từ trong không gian nhộn nhịp ấy, những âm điệu réo rắt thoát ra lúc trầm, lúc bổng thể hiện những bài nhạc Trịnh làm cho người đi đường không khỏi ngạc nhiên.
Lần tìm theo hướng âm thanh, mọi người nhận ra một ông già nhỏ thó ngồi bên góc đường, với chiếc áo sờn cũ, tựa lưng vào xe gắn máy, với cây đàn hạ uy cầm đặt lên đôi chân đã mỏi, đôi bàn tay mải miết phím đàn.
Mặc tất cả sự xô bồ phố thị, ông gửi tâm tình của mình qua những bài nhạc mượt mà như một người nghệ sĩ thực thụ.
Người "nghệ sĩ" đó là ông Trần Vĩnh Phương (69 tuổi, quê Khánh Hòa, Nha Trang). Hơn một năm nay, cứ khoảng 19h là ông mang đàn ra những góc đường của Sài Gòn để tự mình tâm sự với đời, để nói lên nỗi lòng của biết bao khách qua đường. Từ đó, kiếm tiền nuôi cô con gái vừa vào đại học.
Ông chỉ đàn theo cảm hứng, chơi những bản nhạc xa xưa. Theo ông Phương thì để hiểu tiếng đàn của ông, người nghe phải có những kỷ niệm sâu sắc, hoặc cuộc đời phải qua nhiều thăng trầm như ông.
Dưới ánh đèn của phố thị, mặc dòng xe vội vã lao đi, mặc những ánh nhìn tò mò, tiếng đàn của ông vẫn vút lên. Ông chơi nhạc quên cả đất trời, kể đời mình bằng những nốt thăng, nốt trầm qua các bài nhạc bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy...
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi bán tiếng đàn. Bất đắc dĩ, năm vừa rồi con gái vào đại học, trong túi không còn tiền, sức khỏe yếu, biết lôm côm vài ba bản nhạc để kiếm cơm nuôi con, tôi mới liều, sắm cây đàn rồi luyện tập. Ra góc đường, vừa bày tỏ tâm sự của mình, vừa mưu sinh bằng tấm lòng của người đồng cảm", ông trầm ngâm.
Ông nói mình bán tiếng đàn, nhưng bằng lòng tự trọng của một người "nghệ sĩ", trong suốt thời gian ngồi gảy, ông chưa bao giờ vì tiền mà đánh đàn theo yêu cầu của người khác. Theo ông, âm nhạc phải bắt nguồn từ trái tim, từ tâm hồn thì mới gảy lên được những điệu sâu lắng, đi vào lòng người. Ai thấy hay thì có thể ủng hộ bao nhiêu tùy ý chứ ông chưa từng câu nệ chuyện tiền nong.
Có thể vì thế, tiếng nhạc của ông kéo mọi người xích lại gần nhau hơn, người xe bớt vội vã, những bước chân quên hết mệt nhọc ngừng lại góc đường. Trút hết sự mệt mỏi, họ im lặng thưởng thức sự yên bình bên những bài nhạc: Buồn ơi chào mi, hạ trắng, một cõi đi về, sương lạnh chiều đông...
Hai vợ chồng chị Thiên Hương (quê Trà Vinh) sau một ngày làm việc mệt mỏi thường ra đường Nguyễn Huệ đi dạo mát. Chị nói: "Mấy lần trước tôi hay ngồi bên góc đường kia. Nhưng có một lần đang ngồi hóng mát, tôi nghe tiếng nhạc từ đâu thoát ra mà hay quá nên giục chồng đi tìm rồi gặp ông Phương. Nghe tiếng nhạc của ông già, nhiều khi nhớ quê chảy nước mắt".
Ông Phương chia sẻ: "Tất cả bản nhạc tôi chơi trong thời gian qua đều liên quan đến những kỷ niệm của tôi. Khi chơi nhạc, tôi bỏ qua tất cả sự đời, những bài nhạc lần lượt hiện ra trong đầu gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Người ta khóc có lẽ vì người ta cũng trải qua những khúc quanh cuộc đời như tôi vì vậy tâm hồn trở nên đồng điệu và những lúc như thế, không vật chất nào có thể so sánh được.
Từ lúc tôi biết đàn đến nay, hầu như không mất thứ gì, chỉ có được và được, kể cả nhiều đêm đàn không có tiền cũng vẫn được. Được đó là những người đi đường hiểu bài nhạc của mình, đồng cảm và chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Mà người có thật nhiều tiền nhưng họ không có.
Đời tôi như cánh lục bình, nước lớn thì trôi theo dòng, nước cạn thì bị kéo xuống. Lâu lâu nó vướng vô nhánh tre, nhánh cây nào đó, neo lại được một con nước, hai con nước rồi cái cho đến con nước lớn thì đẩy đi tiếp. Cứ trôi lên, trôi xuống theo dòng. Bây giờ tôi hoàn toàn mất hết rồi, chỉ còn con bé con". Nếu một ngày nơi phố thị lấp lánh cờ hoa thiếu đi người nghệ sĩ, tiếng nhạc ngưng vang từng đêm, ắt hẳn Sài Gòn sẽ thiếu vắng lắm.