Nhưng những câu chuyện của cư dân ở đây nghe còn buồn hơn, nhất là chuyện của những phụ nữ không chồng.
Nơi của phụ nữ đơn thân
Gọi Tamangen là “làng không chồng” cũng không ngoa, bởi làng có 69 hộ dân thì trong đó chiếm đến 1/3 là hộ đàn bà làm “trụ cột” gia đình.
Thoạt nghe, tôi cứ ngỡ đây là vùng đất dữ, đàn ông lâm bệnh ngặt nghèo sớm về với tổ tiên bỏ vợ bỏ con côi cút.
Thế nhưng sự tình không phải vậy, mà làng Tamangen chính là nơi chốn dung thân của những phụ nữ “dọc đường gãy gánh” chồng vợ, tập trung về đây định cư.
Trong trí nhớ của cư dân làng Tamangen, trước đây làng này là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, không đường không điện, không bóng người.
Từ khi chính quyền huyện An Lão chọn vùng đất này làm khu tái định cư giãn dân thì Tamangen mới có chút sức sống.
Ở các địa phương vùng đồng bằng của huyện An Lão, gia đình nào đông con đất chật không có chỗ dung thân thì đăng ký định cư ở làng Tamangen để được cấp đất ở, được hỗ trợ 4-5 triệu tiền xây dựng nhà.
Những phụ nữ sau khi ly hôn, bước ra khỏi nhà chồng lâm cảnh không chốn nương thân cũng đổ xô đăng ký về làng Tamangen kiếm 1 nóc nhà dù đơn sơ đến mấy cũng có chỗ cho con cái trú ngụ.
Do đó, ngay những ngày đầu lập làng, Tamangen đã có nhiều cư dân “không chồng”.
Trước năm 2009, làng Tamangen chưa có cây cầu Đất Dài nối với thị trấn An Lão, cư dân ở đây hầu như chẳng mấy khi được nhìn thấy ánh sáng của điện đường của thị trấn, bởi đò giang cách trở.
Cuộc sống mới cũng chẳng có gì khởi sắc, bởi khi về đây họ chỉ được chính quyền cấp đất cất nhà, không được cấp đất sản xuất.
Cư dân ở đây hầu hết là những người đã chạm tới tận cùng khốn khổ, tiền bạc không có, đất đai cũng không nữa thì chẳng biết lấy gì sinh sống.
Hầu hết cư dân của làng Tamangen đều rong ruổi khắp nơi để làm nghề khai thác gỗ rừng trồng kiếm kế sinh nhai. Công đàn ông 150.000đ/ngày, công phụ nữ 120.000đ/ngày.
Nhưng khai thác rừng trồng có mùa chứ đâu phải quanh năm, nên công việc của dân làm mướn cũng “bữa đực bữa cái”, rất bấp bênh.
Những người không bám trụ nổi ở Tamangen thì bán nhà, bán đất dắt díu vợ con tha phương kiếm kế sinh nhai. Nhà đất ở đây rẻ như bèo, chỉ cần 40-50 triệu là mua được căn nhà cấp 4 có nhà trên nhà dưới buồng ngủ bếp núc đàng hoàng.
Đất thì 30 triệu 1 lô ngang 17m dài 20m. Đối với phụ nữ không chồng, một nách 2-3 đứa con thì đây chính là chốn nương thân lý tưởng.
Niềm vui hiếm hoi của trẻ con làng Tamangen |
Phó làng Tamangen Nguyễn Văn Lưu bấm ngón tay nhẩm tính: “Tui tham gia chính quyền làng Tamangen vào năm 2016, mới từ đó đến nay đã có đến 7 trường hợp bán nhà đi nơi khác làm ăn. Thời gian trước đó còn nhiều ra đi nữa.
Giá nhà đất ở đây rẻ như bèo, đó chính là cơ hội cho những hoàn cảnh khốn khổ kiếm chốn nương thân, nhất là những phụ nữ đơn thân. Do đó, làng có 69 nóc nhà thì chiếm 1/3 trong đó là hộ phụ nữ không chồng”.
Ám ảnh cái đói cái nghèo
Lúc thúc trong căn nhà cấp 4 được “xếp hạng” sang nhất nhì trong làng với 2 đứa con nhỏ, chị Lâm Thị Hồng Q. có vẻ mặt “cứng” hơn cái tuổi 30 của mình.
Sau khi ly hôn chồng, Lâm Thị Hồng Q. cùng 2 đứa con về làng Tamangen sinh sống |
Q. quê ở thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ), bén duyên với chồng quê ở xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn). Chồng nhận công tác ở An Lão, Q. theo chồng lên định cư tại làng Gò Bùi, thị trấn An Lão (huyện An Lão).
Năm 2015, đang yên đang lành bỗng anh chồng lâm vào “đỏ đen”, căn nhà của đôi uyên ương “đội nón ra đi” để giải quyết nợ nần cho “con bạc”. Nhà cửa không còn, tiền bạc hết, tình nghĩa vợ chồng rạn nứt theo, cái kết là tờ đơn ly hôn.
Hôn nhân tan vỡ, về quê thì sợ cha mẹ nhìn thấy cảnh côi cút của 3 mẹ con mà xót lòng. Thế là cuộc đời dạt trôi 3 mẹ con cô gái Lâm Thị Hồng Q. vào làng Tamangen.
Gom góp, vay mượn được 50 triệu đồng, Q. mua căn nhà của 1 gia đình bỏ làng ra đi và định cư ở làng Tamangen từ 2011 đến nay.
“Công việc khai thác, bóc vỏ, vận chuyển gỗ rừng trồng lên xe tải vào mỗi mùa khai thác khá nặng nhọc, là công việc của đàn ông.
Nhưng nhà mình không có đàn ông, mà phải nuôi 2 con nhỏ nếu không làm thì lấy tiền đâu ra mua sữa mua gạo cho con.
Công việc lúc có lúc không nên “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, chẳng mấy khi trong nhà dư giả được một vài triệu đồng. Thậm chí có thời gian thất nghiệp, phải 5-7 bữa mới có tiền đi chợ huyện 1 lần.
Không phải chỉ riêng gia đình em, hầu hết người dân ở đây lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái đói cái nghèo”, Q. thở dài bộc bạch.
Theo chân phó làng Tamangen Nguyễn Văn Lưu tôi ghé thăm nhà chị Đinh Thị Y Đ., cô sơn nữ người Hrê có gương mặt mặn mà. Đ. đang phụ cho thợ hồ xây công trình vệ sinh.
Dù đang tất bật, nhưng người Hrê vốn hiếu khách nên Đ. rời công việc, vào nhà ngồi bệch xuống nền xi măng tiếp khách.
Đ. cũng là 1 cư dân “bất đắc dĩ” của làng Tamangen. Trước đây, Đ. lập gia đình định cư ở làng Gò Mít (thị trấn An Lão). Khi chị mới sinh đứa con đầu lòng thì đời sống vợ chồng lâm cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”.
Sau nhiều níu kéo, hàn gắn, nhưng gương vỡ không thể lành, Đ. chấp nhận ly hôn với chồng vào năm 2005. Hôn nhân tan vỡ, mỗi khi nhìn bạn bè cùng lứa trong bản làng hạnh phúc với chồng con, chị thấy xót lòng.
Năm 2006, khi chính quyền An Lão có chủ trương giãn dân, kêu gọi bà con đăng ký định cư ở làng Tamangen với những khoản hỗ trợ về đất ở, tiền xây dựng nhà, 6 tháng ăn, tiền điện…
Đ. nhanh tay đăng ký và trở thành 1 trong những cư dân đầu tiên ở đây.
Đang sống đơn thân tại làng Tamangen, Đinh Thị Y Đ. gặp được chàng trai miền biển lấy làm chồng và đang có cuộc sống hạnh phúc |
“Ngày mới đặt chân lên Tamangen em được Nhà nước cấp cho miếng đất và hỗ trợ 5 triệu đồng để cất nhà. Em cất căn nhà này hết 11 triệu đồng mà chưa làm được nhà vệ sinh, mãi đến bây giờ mới dành dụm được ít tiền để làm”, Đ. phấn khởi khoe.
Cũng như bao người khác trong làng, thu nhập từ nghề rừng cho 2 mẹ con Đ. cái ăn chưa đủ thì lấy tiền đâu mà xây với dựng.
Năm 2010, nhận thấy không thể kiếm cơm từ nghề rừng, Đ. theo chị em ở chợ Xuân Phong (xã An Hòa) xuống vùng quê biển Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) làm thuê trong một cơ sở chế biến thủy sản.
Nghề mới chẳng những cho Đ. công việc đều đặn hơn, nhiều tiền hơn, mà còn cho Đ. gặp được tình yêu mới, chàng trai người Kinh làm nghề biển quê ở Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi).
Tàu cá mà anh Nguyễn Th đi bạn ở xã Hoài Hương, chuyến biển ấy Th theo chủ tàu về quê, tình cờ Th gặp cô sơn nữ người Hrê có gương mặt đầy đặn và đôi mắt “hút hồn”.
Chẳng màng mình nhỏ hơn cô gái đến 6 tuổi, chàng trai miền biển lập tức yêu mê mệt cô gái miền sơn cước.
Cả 2 không thể “rức” khỏi nhau, thế là 1 đám cưới “nội bộ” diễn ra, chàng trai người Kinh và cô gái Hrê nên vợ nên chồng, đến nay Đ đã sinh cho Th 1 đứa con.
Bây giờ, vợ ở nhà làm thuê, chồng đi biển kiếm tiền, đời sống của đôi vợ chồng tuy không còn trẻ lắm nhưng cũng còn đủ thời gian để xây dựng tương lai.
“Cứ đến mùa trăng sáng là tàu cá của chồng em cập bờ, em chạy xe máy ra Sa Huỳnh để đón chồng. Tuy còn vất vả, nhưng cuộc sống của em đã nhìn thấy được niềm vui và hạnh phúc.
Em cũng không ngờ biển lại ban tình yêu cho 1 cô gái miền núi”, nói xong Đ. phì cười như tự thấy xấu hổ về câu nói trải lòng của mình.