Làng “đẻ quan, đẻ trạng” ven dòng Tô giang

THÁI HÀ |

Làng Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là ngôi làng cổ nổi danh từ bao đời nay với truyền thống khoa bảng vào hạng nhất nhì của kinh thành Thăng Long xưa. Mảnh đất bình dị ven dòng sông Tô Lịch, quanh năm khí hậu hiền hòa chính là nơi nuôi dưỡng, phát tích nhiều quan trạng, nho sĩ tài hoa vang danh ngàn đời.

Chuyện làng khoa bảng

Làng Kim Lũ nằm cách kinh thành Thăng Long không xa về phía Nam. Kim Lũ theo phiên âm tiếng Hán có nghĩa là sợi dây vàng, tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Xưa kia, nơi đây có ba xóm lớn là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn.

Sau này phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Thời kháng chiến chống Pháp, làng Kim Lũ thuộc xã Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Kim Lũ nằm cạnh dòng sông Tô Lịch sản sinh ra nhiều câu chuyện huyền thoại. Trước kia, người ta thường nhắc đến cụm từ “sông Tô, núi Nùng” để chỉ vùng đất kinh thành Thăng Long.

Núi Nùng linh thiêng, dòng Tô Lịch hiền hòa được coi là huyệt đạo quan trọng bảo vệ kinh thành, là nơi khởi phát của một số làng khoa bảng danh tiếng.

Nhờ thế mà cổng làng Kim Lũ không rõ từ bao giờ đã được chạm khắc lên hai chữ tự hào “Quan miện” (làng có nhiều quan lớn).

Theo sử sách và nhiều tài liệu ghi chép lại được người dân lưu giữ, từ khi thành lập làng đến đầu thế kỷ XX, làng Kim Lũ có 5 người đỗ Tiến sĩ và 15 người đỗ Trung khoa. Truyền thống khoa bảng trên mảnh đất Kim Lũ tựa như mạch nguồn xuyên suốt, trải dài qua nhiều thế hệ.

Mở đầu, khai khoa ở đây chính là Hồng Hạo (1677 - 1748), đỗ Tiến sĩ khoa Canh Dần 1710, đời vua Lê Dụ Tông.

Kế tiếp là Tiến sĩ Nguyễn Công Thái (1684 - 1758), đỗ khoa Ất Mùi 1715, đời vua Lê Dụ Tông. Tiếp đến là Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872), đỗ khoa Mậu Tuất 1838, đời vua Minh Mạng.

Nguyễn Văn Siêu từng cáo quan về nhà dạy học, dựng nhà ở quê theo kiến trúc hình vuông (gọi là phương đình).

Ông là một nhà văn hóa lớn, thông thạo văn chương, có công rất lớn trong việc tu bổ, nâng cấp khu đền Ngọc Sơn. Tài năng hơn người, lập nhiều công trạng, ông được vua Tự Đức ngợi ca “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” (tài văn thơ như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì trước đời Hán không có ai).

Nối gót truyền thống của làng, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1834 - 1902), hiệu là Kim Giang và Quế Bình. Ông đỗ khoa Ất Sửu 1865, đời vua Tự Đức. Tiến sĩ thứ năm của làng Kim Lũ chính là Nguyễn Sĩ Cốc (SN 1888), cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp.

Ông đỗ khoa Canh Tuất 1910, nhưng không ra làm quan mà viết sách, tham gia phong trào yêu nước Đông Du của Phan Bội Châu.

Ngoài 5 người đỗ Đại Khoa, làng Kim Lũ còn rất nhiều người đỗ Trung khoa (Cử nhân) và Tiểu khoa (Tú tài). Trong số đó, nổi bật là Cử nhân Nguyễn Huy Túc, con của Tiến sĩ Nguyễn Công Thái. Nguyễn Công Húc làm quan ở chức Tả thị lang bộ Lại, Đốc đồng trấn Cao Bằng, tước Tô phái hầu, về cuối đời sống ẩn dật ở Khê Thượng (Sơn Tây).

Con, cháu ông nhiều người đỗ đạt danh tiếng lớn như án sát Nguyễn Danh Kế, và thi sĩ lừng danh Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu).

Bên cạnh đó còn có Cử nhân Hoàng Đạo Thành, người từng làm Tri phủ Đa Phúc sau cáo quan ở nhà viết sách, với khối lượng tác phẩm có giá trị như: Đại Nam hạnh nghĩa liệt nữ truyện, Việt sử tân ước toàn biên.

Con trai Hoàng Đạo Thành là Hoàng Đạo Thúy - nhà văn hóa nổi tiếng, tác giả của các đầu sách: Danh nhân Hà Nội, Phố phường Hà Nội, Trai nước Nam làm gì...

Nơi của những thức quà mộc mạc

Người Kim Lũ không chỉ đỗ đạt làm quan lớn, đóng góp nhiều thành tựu cho đất nước mà còn rất giỏi giang trong lao động sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản như: Bỏng ngô, kẹo lạc, bánh đa khoai, cốm, chè lam, làm quạt thước, quạt Lủ...

Trong vô vàn những thức quà quê giản dị ấy, ở Kim Lũ còn vang vọng những câu ca, lời hát của các bà, các mẹ tần tảo, hy sinh “một nắng hai sương” đổi lấy những ngày vinh quy:

“Em là cô gái Lủ Trung

Bán đường, mua bút cho chồng đi thi

Nửa mai chiếm bảng vinh quy

Bõ công sớm tối bốn thì công lênh...”

Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, Kim Lũ xưa kia nổi tiếng với món chè lam Lủ. Nguyên liệu chính làm chè lam là thóc nếp, lạc, mật mía kèm theo hương vị thảo quả, gừng.

Thóc nếp để làm chè lam hạt phải già và mẩy, được phơi khô giòn trong nắng váng mật của mùa hạ. Thóc được rang cho đến khi chuyển sang dạng bỏng thì xay thành bột, xưa thì phải giã bằng chày tay, khi bột lên màu trắng như tuyết là được.

Mạch nha, nước giếng khơi đun sôi cùng với gừng tươi giã nhỏ, lạc rang tách nhân là được thành phẩm. Chè lam Lủ thường được cắt nhỏ đều như viên kẹo, gói kỹ trong giấy bóng kính, ăn giòn nhưng lại dẻo bùi, không bị khô và ngọt sắc như chè lam ở một số địa phương khác.

Bên cạnh món chè lam, nghề làm bỏng, kẹo ở Kim Lũ có lịch sử từ thời Hậu Lê. Bỏng Lủ có nhiều loại gồm bỏng ngô, ngô rang trộn mật, bỏng bộp (làm từ thóc nếp rang), bỏng cốm (làm từ cốm rang nổ giòn). Nguyên liệu sau khi sơ chế sẽ được cho vào chảo gang cỡ lớn đảo đều, nổ tanh tách là thành bỏng.

Cách làm tưởng đơn giản, nhưng nếu không có kinh nghiệm và bí quyết thì mật, đường sẽ dính ướt tay hoặc khi cắn các hạt bỏng sẽ rời ra. Kẹo ở Kẻ Lủ cũng có khá nhiều loại làm theo mùa vụ như kẹo bột, kẹo vừng, kẹo lạc... riêng kẹo dồi thì làm quanh năm.

Ở Kim Lũ có cốm tươi nhưng vị rất khác cốm ở làng Vòng. Cốm Lủ được làm quanh năm bằng thóc nếp quýt, nếp cái hoa vàng. Thóc sau khi ngâm đủ độ sẽ được đem rang chín rồi cho vào cối cần giã nhanh chày thành cốm trắng, còn gọi là cốm mộc.

Cốm Lủ ăn ngon, bùi, càng nhai kỹ càng thơm càng dẻo, rất tiện lợi cho việc vận chuyển, bảo quản làm lương khô. Cốm Lủ là nguyên liệu chính để làm cốm xào, cốm nén và bỏng cốm. Nó cũng là nguyên liệu chủ yếu quanh năm của các cửa hiệu bánh cốm ở phố Hàng Than, món đặc sản phục vụ các hội hè, đám cưới.

Cuối thế kỷ XIX, Kim Lũ có thêm một nghề làm bánh đa khoai. Tuyên truyền rằng, nghề này do ông Đô Đính truyền dạy lại. Dân làng Kim Lũ thường làm bánh từ tháng 5 ngay sau vụ lúa chiêm. Khoai dùng làm nguyên liệu phải là loại khoai mới thu hoạch.

Khoai luộc xong bỏ vỏ, bỏ vào cối đá giã mịn, đạt tiêu chuẩn rồi ép vào khuôn cho thành hình, thành kiểu tùy ý. Bánh đa khoai sau khi được phơi trong nắng, có mùi thơm và ăn rất giòn. Vị ngọt bùi của khoai đủ độ khiến người ăn một lần nhớ mãi không quên.

Vang bóng một thời

Các nghề thủ công truyền thống cùng với nghề trồng lúa và hoa màu quanh năm đã đem lại cho người dân Kim Lũ cuộc sống đủ đầy, ấm no.

Thời bao cấp, nghề bánh kẹo của làng rất phát đạt, sản vật làng Lủ tràn ngập trên các sạp hàng buôn bán, kẹo dồi, chè lam làng Lủ nổi tiếng khắp đất Kinh Kỳ. Tuy nhiên, đến nay những thức quà ở Lủ đã dần mai một, vô tình bị chìm khuất theo dòng chảy đô thị hóa của thời gian.

Cả làng Kim Lũ chỉ còn lác đác vài hộ gia đình còn làm theo đơn đặt hàng. Còn đâu tiếng chày giã cốm râm ran khắp xóm làng, còn đâu nong bánh đa khoai phơi la liệt sân, rào, đường, ngõ hẻm...

Duy nhất món chè lam, kẹo lạc, kẹo dồi là còn được bày bán thường xuyên mỗi dịp hội làng, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Đạt (SN 1946), chủ tịch Hội Cựu chiến binh làng Kim Lũ, phường Đại Kim chia sẻ: “Kim Lũ là ngôi làng có bề dày văn hiến, đến nay làng vẫn còn lưu giữ được một số phong tục tập quán tốt đẹp.

Người làng Kim Lũ có lối sống “trọng xỉ hơn trọng tước”, tức là đề cao vai trò học hành đỗ đạt nhưng trên hết người học phải biết kính cẩn trước những bậc cao niên trong làng.

Dù sang hay hèn kém, người già bao giờ cũng được kính trọng đúng mực. Có thể nói, đây là nét truyền thống rất đáng quý vẫn còn được lưu giữ ở làng Kim Lũ”.

“Rượu làng Mơ, thơ Kẻ Lủ”, làng Kim Lũ ngày nay vẫn coi trọng con chữ và động viên con cháu phải cố gắng học tập để tiếp nối truyền thống văn vật của cha ông.

Cùng nằm trong hệ thống các làng khoa bảng của đất Thăng Long, làng Kim Lũ đã và đang rèn giũa và bồi dưỡng nên những tấm gương trí thức tiêu biểu, rạng danh đất nước.

Có thể nói, họ chính là người đại diện cho lớp người Tràng An tài hoa, ngàn năm văn hiến, sục sôi hoài bão, khát vọng xây đắp nên một Thăng Long - Hà Nội phồn vinh và thịnh vượng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại