Lan truyền video "Israel bị bảy quốc gia vây hãm": Sự thật vừa sáng tỏ

Hữu Hiển |

Bài đăng trên TikTok cho thấy hai đoạn video về cảnh quan thành phố bị phá hủy, với những tòa nhà chọc trời chìm trong biển lửa và khói bốc lên bầu trời đêm.

Hãng tin AFP (Pháp) ngày 18/12 đưa tin, trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và nhóm Hamas có nguy cơ lan rộng thành xung đột khu vực, trên mạng xã hội đã lan truyền những bài đăng với nội dung rằng có một số quốc gia Trung Đông đang tấn công Israel.

Xuất hiện clip "Israel bị 7 nước vây"

"Israel bị bảy quốc gia vây hãm", phụ đề tiếng Trung xuất hiện trong một video được chia sẻ trên TikTok vào ngày 6/10/2024 cho biết.

Chú thích bên dưới video viết rằng Israel từng ném bom dải Gaza và Lebanon và hiện tại cũng rơi vào hoàn cảnh này, "thật vô cùng thê thảm, người dân đang trong tình trạng tồi tệ".

Bài đăng trên TikTok cho thấy hai đoạn video về cảnh quan thành phố bị phá hủy, với những tòa nhà chọc trời chìm trong biển lửa và khói bốc lên bầu trời đêm.

Video đã thu hút hơn 720.000 lượt xem trên TikTok và cũng được chia sẻ trên X và Instagram. Các bài đăng này viết rằng video thể hiện cảnh tượng khi Iran tấn công Israel.

Ảnh chụp màn hình video được chia sẻ trên Tiktok.

Xung đột Israel - Hamas nổ ra sau cuộc tấn công chưa từng có của nhóm vũ trang Hamas vào lãnh thổ Israel vào ngày 7/10/2023. Theo thống kê của AFP dựa trên số liệu chính thức, bao gồm cả những con tin bị giết hại trong khi giam giữ, đã có 1.208 người thiệt mạng, chủ yếu là thường dân.

Hamas đã bắt giữ 251 con tin, trong đó có 96 người vẫn đang ở Gaza, bao gồm 34 người mà quân đội Israel cho biết đã chết.

Theo số liệu từ cơ quan y tế do Hamas điều hành, chiến dịch quân sự trả đũa của Israel đã giết chết hơn 45.000 người ở Gaza, phần lớn là thường dân. Liên Hợp Quốc coi những con số đó là đáng tin cậy.

Theo AFP, sự phẫn nộ về chiến dịch quân sự đang diễn ra của Israel ở Gaza đã làm bùng phát bạo lực liên quan đến các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, Iraq, Syria và Yemen.

Video do AI tạo ra

AFP cho hay, tìm kiếm ngược hình ảnh trích xuất từ video được chia sẻ trực tuyến nêu trên và tìm kiếm từ khóa đã cho thấy các video do một tài khoản TikTok đăng tải, tài khoản này thường xuyên chia sẻ cảnh quay do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra về các vụ nổ.

Tài khoản "digital.n0mad" tự mô tả mình là "nghệ sĩ AI" và gắn nhãn nội dung của mình là "video giả" và "nghệ thuật AI".

Các video được digital.n0mad đăng vào ngày 12/9 và ngày 1/10 có hình ảnh gần giống với những video nói rằng “Israel bị bảy quốc gia vây hãm” được chia sẻ ở trên. Tài khoản digital.n0mad cũng gắn nhãn “do AI tạo ra” dưới những video này.

Theo TikTok, "người sáng tạo tự gắn nhãn này để chỉ ra rằng nội dung của họ do AI tạo ra hoàn toàn hoặc chỉnh sửa đáng kể".

Ảnh chụp màn hình so sánh giữa video chia sẻ sai sự thật (bên trái) và video được gắn nhãn "do AI tạo ra" của tài khoản digital.n0mad trên TikTok (bên phải).

Shu Hu - người đứng đầu Phòng thí nghiệm học máy và pháp y truyền thông của Đại học Purdue (Mỹ) nói với AFP rằng những video này "rõ ràng là do AI tạo ra".

Ông chỉ ra ngọn lửa đang cháy và chuyển động theo gió trong video đầu tiên "hoàn toàn không nhất quán" với tốc độ của các phương tiện giao thông bên dưới, điều này "cho thấy rõ ràng là có sự can thiệp".

Trong video thứ hai, các đường nét bề mặt của những tòa nhà có vẻ bị bóp méo và uốn cong theo "những cách trái ngược với thực tế", ông nói thêm.

Ảnh chụp màn hình những tòa nhà có hiện tượng biến dạng bất thường được chuyên gia chỉ ra. Các chi tiết bất thường đã được AFP đánh dấu.

Bởi vậy, AFP kết luận rằng những video được chia sẻ trực tuyến nói rằng "Israel bị bảy quốc gia vây hãm" là sai sự thật, chúng đều do AI tạo ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại