Lời thú nhận rúng động
của xạ thủ bắn tỉa Mỹ
Hãng thông tấn AP ngày 16/7 đưa tin, trên mạng xã hội và một số kênh truyền thông đang lan truyền thông tin:
Một xạ thủ bắn tỉa làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong sự kiện vận động tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hạt Butler, bang Pennsylvania ngày 13/7 vừa tiết lộ thông tin rúng động rằng, người đứng đầu Sở Mật vụ Mỹ đã ra lệnh cho anh ta không được bắn nghi phạm trong vụ ám sát ông Trump.
Điều này dẫn tới việc sau khi nghi phạm nã đạn xuyên qua phần trên tai phải của cựu Tổng thống, xạ thủ bắn tỉa của Mật vụ Mỹ mới bắt đầu bắn trả.
Bên cạnh đó, trên internet còn xuất hiện một bức ảnh cho thấy lỗ đạn trên áo vest của ông Trump, như một bằng chứng cho việc ông đã bị bắn vào ngực trong vụ ám sát.
Dưới đây là nguyên văn bức thư thú nhận của người tự xưng là Jonathan Willis - xạ thủ bắn tỉa của Mật vụ Mỹ đăng trên 4chan [trang web diễn đàn hình ảnh (imageboard) tiếng Anh, nơi người dùng có thể đăng bài ẩn danh].
HỌ KHÔNG CHO TÔI BẮN HẠ KẺ XẢ SÚNG
"Tên tôi là Jonathan Willis. Tôi là viên sĩ quan trong bức ảnh nổi tiếng về 2 xạ thủ bắn tỉa phục kích trên mái nhà tại sự kiện vận động tranh cử của ông Trump. Tôi đến đây để thông báo với mọi người rằng, tôi đã nhắm vào kẻ ám sát trong ít nhất 3 phút, nhưng người đứng đầu cơ quan Mật vụ từ chối ra lệnh hạ gục đối tượng. 100% cấp trên của tôi đã ngăn cản tôi hạ tên sát thủ trước khi hắn ta nổ súng vào cựu Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, tôi đã không tuân theo mệnh lệnh. Ngay khi hắn ta nổ súng vào ông Trump, tôi đã bắn trả bất chấp lệnh không được bắn. Tôi đã để mắt tới tên sát thủ trong 3 phút và quan sát hắn ta loay hoay với khẩu súng trường, điều chỉnh ống ngắm. Rõ ràng hắn ta là một tay súng, nhưng tôi không được phép bắn hạ.
Sau khi giết chết kẻ xả súng, tôi đã bị bắt, bị FBI thẩm vấn và vừa mới được thả cách đây 1 giờ đồng hồ. Tôi đã mất việc vì không tuân theo mệnh lệnh, nhưng dù sao thì tôi cũng rất vui vì cuối cùng đã nổ súng (tiêu diệt sát thủ)".
Sự thật là gì?
Thực hư về bài đăng của xạ thủ bắn tỉa Mỹ
Theo AP, "lời thú nhận của Jonathan Willis" hoàn toàn sai sự thật. Sở Mật vụ Mỹ và Sở cảnh sát Butler (bang Pennsylvania) cho biết, họ không có đặc vụ, sĩ quan hay nhân viên nào mang tên Jonathan Willis – người tự xưng là xạ thủ bắn tỉa của Mật vụ Mỹ. Cũng không có hồ sơ internet nào về một sĩ quan như vậy được tìm thấy.
Trả lời AP, phát ngôn viên của Sở Mật vụ Mỹ cho biết, các xạ thủ bắn tỉa Mỹ được huấn luyện để hành động bất cứ khi nào phát hiện ra mối đe dọa, chứ không chờ đợi chỉ thị trước khi bắn để vô hiệu hóa nghi phạm.
Mặc dù không thể tiết lộ chi tiết về cuộc điều tra nhưng đại diện Mật vụ Mỹ khẳng định, bài đăng trên 4chan là sai sự thật.
Các nhân chứng tại hiện trường đã báo cáo với cơ quan thực thi pháp luật khi trông thấy nghi phạm Thomas Matthew Crooks đang trèo lên nóc một tòa nhà gần đó. Sau khi tiến hành tìm kiếm, một cảnh sát địa phương đã phát hiện ra Crooks nhưng phải rút lui do đối tượng chĩa súng đe dọa.
Sau khi viên cảnh sát vừa lui xuống, Crooks nhanh chóng bắn về phía ông Trump. Các quan chức cho biết, đây cũng là lúc xạ thủ của Sở Mật vụ Mỹ nổ súng tiêu diệt nghi phạm.
Mật vụ Mỹ tiêu diệt nghi phạm nổ súng vào ông Trump. Nguồn: NY Post
Thực hư bức ảnh ông Trump bị bắn vào ngực
Về phần bức ảnh "chụp lỗ đạn trên áo vest của ông Trump", AP cho biết, nhiều người dùng mạng xã hội đang chia sẻ bức ảnh này để chứng minh ông Trump bị bắn vào ngực và sống sót nhờ áo chống đạn.
Trong ảnh, một lỗ nhỏ xuất hiện bên dưới nách áo bên phải của ông Trump vài cm. Tuy nhiên, nhiều bài đăng sau đó đã sử dụng phiên bản phóng to của bức ảnh với một vòng tròn vẽ xung quanh cái lỗ để nhấn mạnh chi tiết khó nhận thấy.
"Có vẻ ông Trump đã bị bắn vào ngực, viên đạn đã xuyên qua bộ đồ của ông ấy, và ông đang mặc áo chống đạn" – Một tài khoản X viết.
Tuy nhiên, theo AP, bức ảnh thực tế cho thấy nếp gấp trên áo vest của một nhân viên Mật vụ đang bảo vệ ông Trump, chứ không phải lỗ đạn.
Hình ảnh do AP chụp trước đó cho thấy nhân viên Mật vụ đang cúi xuống bảo vệ ông Trump, chiếc áo của cô này có màu tối hơn một chút so với màu áo của cựu Tổng thống. Có thể thấy nếp gấp trên áo bằng cách nhìn dọc theo mép áo của nữ Mật vụ, từ cổ đến ngay vai trái của cô ấy.
Ngoài ra, một hình ảnh khác cũng do AP chụp được cho thấy mặt bên phải áo của ông Trump, khi ông làm động tác giơ nắm đấm và hô khẩu hiệu "Fight, Fight, Fight". Không có lỗ thủng nào trên chiếc áo cả.
Trong đoạn video ghi lại về hậu quả của vụ nổ súng, có thể thấy thứ "trông như một cái lỗ trên áo" nhỏ dần khi các Mật vụ di chuyển.