Theo đó, Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ khởi xướng để gia hạn cuộc điều tra quốc tế về các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.
Sứ mệnh của Cơ chế Điều tra chung Liên Hợp Quốc về vũ khí hóa học Syria hết hiệu lực vào nửa đêm ngày 16.11. Dự thảo cần ít nhất 9 phiếu thuận và 0 phiếu chống từ 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc) để được thông qua.
Kết quả là dự thảo nhận được 11 phiếu thuận, 2 phiếu chống của Nga và Bolivia, 2 phiếu trắng của Trung Quốc và Ai Cập.
Cuộc bỏ phiếu đã gây ra khẩu chiến giữa Nga và Mỹ tại Hội đồng Bảo an.
Syria bị cáo buộc tấn công hóa học hôm 4.4 vào làng Khan Sheikhoun làm hàng chục người thiệt mạng, khiến Mỹ lập tức phóng tên lửa vào căn cứ không quân Syria.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cảnh báo sau khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu hôm 16.11: "Chúng tôi sẽ làm lại nếu cần".
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết dự thảo do Mỹ đề xuất là không công bằng. "Chúng tôi cần một cơ chế chuyên nghiệp và mạnh mẽ có thể giúp ngăn chặn sự gia tăng của mối đe dọa khủng bố hóa học trong khu vực, trong khi các vị cần một cơ chế con rối để thao túng ý kiến công luận" - Reuters dẫn lời ông Nebenzia nói.
Ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Nga đã rút lại dự thảo nghị quyết do nước này đề xuất liên quan tới việc gia hạn sứ mệnh của Cơ chế Điều tra chung.
Đại sứ Nebenzia cho biết, ông "thất vọng sâu sắc", và những người bỏ phiếu chống lại dự thảo của Nga "chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc chấm dứt hoạt động của Cơ chế Điều tra chung".
Nga đã bác bỏ 10 nghị quyết tại Liên Hợp Quốc về Syria, bao gồm phủ quyết dự thảo nghị quyết của Mỹ hôm 24.10 đề xuất kéo dài thêm một năm điều tra thủ phạm đứng sau các vụ tấn công hóa học ở Syria.