Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành ngân hàng Việt có ngân hàng tài sản đạt 2,5 triệu tỷ đồng

Pha Lê |

Mức tăng 192.000 tỷ đồng chỉ trong 1 quý của ngân hàng này tương đương với tài sản của nhiều ngân hàng trong hệ thống.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024. Theo đó, hầu hết hoạt động kinh doanh của BIDV đều tăng trưởng so với cùng kỳ.

Trong quý, mảng tín dụng mang về khoản lãi 14.837 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.939 tỷ đồng, tăng trưởng 15,8% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận kết quả khá khả quan khi mang về cho ngân hàng khoản lãi 1.726 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng đột biến, gấp 17,7 lần cùng kỳ, đạt hơn 512 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng tăng 24% lên 13.517 tỷ đồng dù trong quý, ngân hàng trích 5.358 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 36%). Sau khi trừ các chi phí, trong quý, BIDV ghi nhận lãi trước thuế gần 8.159 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế gần 15.549 tỷ đồng, tăng 12%.

Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành ngân hàng Việt có ngân hàng tài sản đạt 2,5 triệu tỷ đồng- Ảnh 1.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo là tổng giá trị tài sản của BIDV trong quý 2 đã tăng mạnh. Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của ngân hàng tăng gần 10% so với đầu năm, tương đương mức tăng 192.000 tỷ đồng, lên hơn 2,52 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng mạnh nhất từ trước tới nay của BIDV. Điều này đã giúp cho ngành ngân hàng Việt lần đầu tiên trong lịch sử có ngân hàng có tổng tài sản ở mức cao như vậy.

Điều đáng nói là, mức tăng 192.000 tỷ đồng chỉ trong 1 quý của BIDV tương đương với tài sản của cả ngân hàng Eximbank, gấp rưỡi tổng tài sản ABBank, VietBank, gấp hơn 2 lần NCB, KienlongBank, VietABank, và gấp nhiều lần PGBank, Saigon Bank.

Trong cơ cấu tài sản của BIDV, tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm là khoản mục "cho vay khách hàng", tăng hơn 105.000 tỷ đồng. Khoản mục "tiền, vàng gửi tại TCTD khác" tăng gần 60.000 tỷ đồng. "Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán" tăng 22.000 tỷ đồng và "các khoản phải thu" tăng 23.000 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu Ngân hàng tính đến 30/06/2024 là 28.687 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 1,26% đầu năm lên mức 1,52%. Chi phí bình quân cho nhân viên của BIDV cũng tăng nhẹ trong kỳ với 39,6 triệu đồng/tháng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành ngân hàng Việt có ngân hàng tài sản đạt 2,5 triệu tỷ đồng- Ảnh 2.

Năm 2024, BIDV đặt kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu chính: Dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức ≤1,4%...

Trong năm nay, BIDV cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ công ty. BIDV đề xuất phát hành tổng cộng hơn 1,36 tỷ cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng thông qua hai phương án.

Thứ nhất, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với số lượng gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 21%. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 - 2025.

Thứ hai, chào bán gần 164,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng tỷ lệ 2.89% cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính hoặc cổ đông hiện hữu của ngân hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại