Lần đầu tiên sau 18 năm, Tổng thống Mỹ lại "thổi hơi nóng" vào mùa đông Davos

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Thông điệp "Nước Mỹ trên hết" sẽ tiếp tục được Tổng thống Mỹ Donald Trump quảng bá tại Diễn tại kinh tế thế giới 2018 ở Davos.

Cho tới trước năm 1974, Davos chỉ là một cái làng nhỏ ở Thuỵ Sỹ, mùa đông thu hút những người ham thích trượt tuyết và trượt băng.

Từ khi Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được tổ chức thường niên ở đây, bắt đầu từ năm 1974, Davos trở nên nổi tiếng thế giới, nổi tiếng về WEF hơn là về nơi có điều kiện thời tiết lý tưởng cho trượt tuyết và trượt băng mặc dù mùa đông rất dài trong khi WEF diễn ra chỉ trong có mấy ngày.

Theo thời gian, WEF Davos đã trở thành sân khấu cho những người có quyền lực và của cải, có danh tiếng và ảnh hưởng trên thế giới đến tìm kiếm vai riêng để nhập vai.

Lần đầu tiên sau 18 năm, Tổng thống Mỹ lại thổi hơi nóng vào mùa đông Davos - Ảnh 1.

Davos vốn là ngôi làng nhỏ, thích hợp cho hoạt động nghỉ dưỡng vào mùa đông ở Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Xưa nay, WEF Davos luôn bàn thảo toàn chuyện kinh thiên động địa của thế giới, đầy phát biểu thống thiết và tuyên bố hùng hồn, nhưng rồi sau đó nhanh chóng trôi vào quên lãng để rồi năm sau đến hẹn lại lên. WEF được coi là khuôn khổ diễn đàn đối thoại hiện thân đại diện nhất cho toàn cầu hoá.

Chủ đề của WEF Davos năm nay là Creating a Shared Future in a Fractured World, tạm dịch là Tạo dựng tương lai chung trong thế giới bị phân rẽ. Chủ đề này hay và xem ra rất hợp thời. Nhưng sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại sẽ thu hút gần hết sự quan tâm chú ý chung. Việc ông Trump tham dự WEF năm nay gây bất ngờ thực sự.

Quyết định bất ngờ của TT Trump

Trong lịch sử đến nay của WEF Davos mới chỉ có một tổng thống đương nhiệm duy nhất của Mỹ tham dự. Vào gần cuối nhiệm kỳ cầm quyền của mình cách đây 18 năm, Bill Clinton đã tham dự WEF Davos.

Ông này vốn được công nhận là nhiệt tình hâm mộ và cổ suý cho toàn cầu hoá và tự do hoá mậu dịch cũng như thúc đẩy hoạt động và vai trò của các thể chế, khuôn khổ diễn đàn đa phương. Cả hai tổng thống Mỹ tiếp theo đó là George W. Bush và Barack Obama đều tránh tới WEF Davos vì lý do đối nội.

Lần đầu tiên sau 18 năm, Tổng thống Mỹ lại thổi hơi nóng vào mùa đông Davos - Ảnh 2.

Ông Bill Clinton là Tổng thống Mỹ đương nhiệm duy nhất tham dự WEF Davos. Ảnh: WEF

Công chúng ở Mỹ có xu hướng cho rằng WEF Davos là biểu tượng của cái gì đó viển vông xa lạ với dân chúng và là sân chơi biệt lập của giới tài chính và chính trị thế giới. Với quan điểm thiên lệch hẳn về chủ nghĩa bảo hộ và chống tự do hoá thương mại đa phương cũng như không coi trọng các khuôn khổ diễn đàn đa phương, ông Trump chắc chắn không thích thú gì với WEF Davos hàng năm.

Việc ông Trump dù vậy vẫn quyết định năm nay tới Davos phải là kết quả của sự thúc ép của tình thế hiện tại. Cụ thể bởi những nguyên do sau.

Thứ nhất, cuốn sách mới được xuất bản ở Mỹ Fire and Furry: Inside the Trump White House (tạm dịch là Lửa và giận giữ: Bên trong Nhà Trắng thời ông Trump) của tác giả Michael Wolff, cho dù dao động giữa sự thật và tin giả, đang tác động rất bất lợi tới cá nhân ông Trump.

Trong đó, cựu cố vấn Stephen Bannon của ông Trump đã "thanh toán" với ông Trump mà người này phản đối kịch liệt toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại. Ông Trump đã có hẳn tuyên bố của tổng thống để "thanh toán lại".

Và sự tham dự WEF Davos, biểu tượng cho toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại, sẽ là câu trả lời đanh thép không kém cho những cáo buộc của ông Bannon. Ông Trump muốn dùng sự tham dự WEF Davos năm nay để chứng tỏ ông Bannon không có ảnh hưởng đáng kể gì tới quan điểm chính sách của tổng thống và không đóng vai trò đáng kể gì vào sự đắc cử tổng thống của ông Trump.

Thứ hai, giống như đã làm ở hội nghị cấp cao APEC và hội nghị cấp cao Đông Á hồi cuối năm ngoái, ông Trump muốn tận dụng diễn đàn lớn và nổi tiếng ở Davos để quảng bá cho chủ trương "Nước Mỹ trên hết".

Lần đầu tiên sau 18 năm, Tổng thống Mỹ lại thổi hơi nóng vào mùa đông Davos - Ảnh 3.

Ở Đà Nẵng, ông Trump đã trình bày cho thế giới thấy chính quyền của mình vận dụng khẩu hiệu này như thế nào trong quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại quốc tế. Ở Manila, ông Trump nhìn nhận chuyện chính trị an ninh và khu vực dưới góc độ của "Nước Mỹ trên hết".

Ở Davos năm nay, ông Trump sẽ dùng khẩu hiệu này soi rọi vào vấn đề toàn cầu hoá và chủ nghĩa đa phương. Ở đâu cũng vậy, ông này chỉ quan tâm nhiều nhất đến những gì muốn thể hiện chứ không để ý đến những thể hiện của các đối tác khác.

Thứ ba, tính cách cá nhân đặc thù của ông Trump là luôn muốn ở tâm điểm của mọi sự chú ý, luôn được mọi ánh đèn soi chiếu trên các sân khấu mà WEF Davos là sân khấu không thể tuyệt vời hơn được nữa. Nơi hội tụ của những người có quyền thế và ảnh hưởng, của người giàu và người đẹp giữa trùng trùng phóng viên và nhà báo như WEF Davos thì chính là nơi ông Trump thích đến.

Nhờ ông Trump mà WEF Davos năm nay thêm thú vị. Diễn đàn thêm có giá và làng núi hẻo lánh được thêm giàu.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Video quảng bá về Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 tại Davos

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại