Lần đầu tiên NASA chụp được 3 vật thể từ “thế giới bên kia”

Anh Thư |

Chúng là 3 vật thể "trong truyền thuyết" sáng gấp 10 tỉ lần Mặt Trời, làm bằng loại vật chất đối lập và có thể đã "tuyệt chủng" hàng tỉ năm trước khi gửi 4 bóng ma đến người Trái Đất.

Từ lâu các nhà khoa học đã đưa ra 2 giả thuyết về thế hệ sao đầu tiên của vũ trụ mà chưa phương tiện nào quan sát nổi: Một là "sao quần thể III" đốt cháy hydro; hai là "sao tối" bằng hydro và heli nhưng được cung cấp năng lượng bằng cách đốt nóng vật chất tối thay vì phản ứng tổng hợp hạt nhân như Mặt Trời.

Một trong hai loại sao đó có thể vừa bị "quái vật" James Webb bắt được, theo Sci-News.

Lần đầu tiên NASA chụp được 3 vật thể từ “thế giới bên kia” - Ảnh 1.

Chân dung cận cảnh một sao tối - Ảnh: SCI-NEWS

James Webb là siêu kính viễn vọng do NASA phát triển và điều hành chính, với sự hỗ trợ của ESA và CSA (các cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada), với tầm nhìn xa hàng tỉ năm ánh sáng.

Ánh sáng từ các vật thể đó cũng mất hàng tỉ năm để đến được "mắt thần" của kính viễn vọng, do đó công cụ này cũng cung cấp cái nhìn xuyên thời gian vào vũ trụ cổ đại.

Lần này, nó đã khám phá ra 3 vật thể kỳ lạ ở vùng không - thời gian chỉ 320-400 triệu năm sau vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ, tức cách chúng ta trên dưới 13,4 tỉ năm ánh sáng.

Đó là JADES-GS-z13-0, JADES-GS-z12-0 và JADES-GS-z11-0, được phát hiện từ sứ mệnh Khảo sát thiên hà sâu nâng cao của James Webb (JADES).

Lần đầu tiên NASA chụp được 3 vật thể từ “thế giới bên kia” - Ảnh 2.

JADES-GS-z13-0, JADES-GS-z12-0 và JADES-GS-z11-0, trong đó JADES-GS-z11-0 bị nhân bản làm hai do hiệu ứng thấu kính hấp dẫn tạo ra bởi các thiên hà gần hơn, đủ sức uốn cong không - thời gian - Ảnh: NASA/ESA/CSA

Tiến sĩ Kinda Freese, nhà vật lý thiên văn từ Trường Đại học Texas ở Austin (Mỹ), một trong những thành viên chủ chốt của nhóm JADES cho biết ban đầu chúng được xác định là các thiên hà sơ khai.

Tuy nhiên quá trình phân tích quang phổ chuyên sâu cho thấy không phải như vậy. Chúng chính là 3 sao tối "trong truyền thuyết".

Sao tối bị lầm lẫn là thiên hà bởi chúng có độ sáng gấp 10 tỉ lần Mặt Trời, sáng như cả một thiên hà làm bằng sao bình thường. Gọi là sao tối vì chúng làm bằng vật chất tối - vô hình, nhưng có thể chiếm từ 25%-80% vũ trụ, theo một số nghiên cứu.

Các hạt vật chất tối không phát sáng, nhưng khi chúng va chạm bên trong ngôi sao và tự hủy, nhiệt năng sẽ truyền nhiệt vào các đám mây hydro đang co lại, tạo thành ánh sáng chói chang hơn hẳn các ngôi sao sáng bằng phản ứng nhiệt hạch.

Về lý thuyết, sao tối là loại "quái vật" đủ mạnh để biến thành lỗ đen siêu khối - còn gọi là lỗ đen quái vật - sau khi chết.

Vì vậy, các "bóng ma" từ quá khứ này sẽ giúp giải quyết thắc mắc bấy lâu về việc vì sao vũ trụ sơ khai có quá nhiều lỗ đen lớn khủng khiếp và quá nhiều thứ trông như thiên hà lớn.

Trước đây người ta cho rằng đó là điều vô lý bởi thiên hà lớn với lỗ đen siêu khối làm trung tâm như Ngân Hà của chúng ta sẽ cần rất nhiều thời gian để sáp nhập từ các thiên hà nhỏ với nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại