Theo Đánh giá thống kê hàng năm của Viện Năng lượng có trụ sở tại London (Anh), Trung Quốc đã tăng cường sản xuất điện than nhưng cũng bổ sung nhiều công suất năng lượng tái tạo hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Điều đó dẫn đến giảm cường độ carbon trong việc tiêu thụ năng lượng của Bắc Kinh.
Mức tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc được thúc đẩy bởi việc mở rộng các trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng 5G hay trạm sạc xe điện, trong khi nhiều nhà máy cũng đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở nước ngoài.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch ở các nền kinh tế tiên tiến lớn có thể đã lên đến mức đỉnh điểm. Năm 2023, ở châu Âu, lần đầu tiên mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch chiếm ít hơn 70% năng lượng sơ cấp kể từ cách mạng công nghiệp nhờ nhu cầu thấp hơn và tăng trưởng năng lượng tái tạo - theo Viện Năng lượng.
Năm 2023, Ấn Độ tiêu thụ nhiều nhiên liệu gây ô nhiễm hơn cả châu Âu và khu vực Bắc Mỹ cộng lại (Ảnh: Viện Năng lượng/Bloomberg)
Điều đó nhấn mạnh tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong quá trình khử carbon đối với nhiều quốc gia. Nếu sự sụt giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải ở châu Âu chỉ đơn giản là làm tăng sản lượng carbon ở những nơi khác thì các chính sách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ không đạt hiệu quả.
Việc sử dụng than cũng tăng ở Ấn Độ vào năm 2023 trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Theo đánh giá thống kê, lần đầu tiên quốc gia này tiêu thụ nhiều nhiên liệu gây ô nhiễm hơn cả châu Âu và khu vực Bắc Mỹ cộng lại.
Giám đốc điều hành Viện Năng lượng Nick Wayth nói: "Bức tranh lớn che giấu những câu chuyện năng lượng đa dạng diễn ra trên các khu vực địa lý khác nhau. Ở các nền kinh tế tiên tiến, chúng tôi quan sát thấy dấu hiệu nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch đang đạt đỉnh điểm, trái ngược với các nền kinh tế ở Nam bán cầu - nơi sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng sử dụng nhiên liệu hóa thạch".