Lần đầu Quốc hội xem xét đề xuất xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính

Trang Anh |

Mặc dù không quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính, song nội dung Điều 37 Bộ Luật dân sự năm 2015 đã gián tiếp thừa nhận quyền này. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không thể giải quyết những vấn đề cụ thể.

Theo chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đây là dự án luật lần đầu tiên được đề nghị ban hành và do đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đề xuất.

Hiện nay, tại Việt Nam, người chuyển giới chưa được đề cập trong các quy định của văn bản pháp luật, nhưng trong một số luật cụ thể đã không có sự phân biệt giữa nam, nữ và người chuyển đổi giới tính. Cụ thể như Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và được sửa đổi năm 2014; Luật Quốc tịch Việt Nam vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Cư trú; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được sửa đổi năm 2020; Luật Thể dục, thể thao và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao…

Vấn đề chuyển đổi giới tính được đề cập tập trung trong Bộ luật Dân sự và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Trước đây, Điều 36 Bộ Luật dân sự năm 2005 quy định cho phép cá nhân có quyền được xác định lại giới tính song chỉ trong trường hợp giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác. Tại điểm e, điều 27 Bộ Luật dân sự năm 2005 chỉ cho phép những người "được xác định lại giới tính" thay đổi họ, tên.

Tiếp đó, ngày 24/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó bao gồm quy định về chuyển đổi giới tính. Cụ thể, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan". Với quy định này, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 11 tại châu Á, hợp pháp hoá việc chuyển đổi giới tính.

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật hộ tịch thì việc "Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự".

Mặc dù không quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính, song nội dung Điều 37 Bộ Luật dân sự năm 2015 đã gián tiếp thừa nhận quyền này. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không thể giải quyết những vấn đề cụ thể như: Đối tượng nào được thay đổi giới tính trên giấy tờ; Ai có đủ điều kiện để được thực hiện các can thiệp y học; Các quan hệ pháp lý của người được công nhận đã thực hiện chuyển đổi giới tính thành công...

Trước đó, tại phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/4, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới, trong đó nhấn mạnh quyền được chuyển đổi giới tính của công dân.

Đại biểu cho biết, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung vào 2 dạng giới nam và nữ. Theo đó, luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ; cơ quan có thẩm quyền, thực hiện xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện can thiệp y học.

3 chính sách được thể hiện rõ là quyền chuyển đổi giới tính của công dân; quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân và quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân.

Chính phủ cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản luật về chuyển đổi giới tính là cần thiết để góp phần thể chế hóa một số nội dung liên quan đến quyền con người đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại