Lấn chiếm di tích quốc gia: Xử phạt như “gãi ngứa”

Thạch Lựu |

Giáo sư Kuramoto Kazuhiro (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế Nhật Bản-Nichibunken) tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam, những vụ vi phạm di tích quốc gia liên tục xảy ra, vụ sau lại to hơn vụ trước. Câu hỏi của ông khiến những người làm công tác bảo tồn di tích Việt Nam chạnh lòng: thế các bạn không có biện pháp mạnh mẽ nào để chấm dứt việc này à?

Xử lý "nghiêm" nhất là phạt hành chính

Một cán bộ của Bộ Văn hóa chuyên đi "xử lý" những vụ vi phạm di tích kể: Mỗi lần nhận "trát" đi xử lý vụ nọ vụ kia vi phạm di tích, chúng tôi thường đùa nhau: đi "gãi ngứa" đây!

Mặc dù khung xử phạt những vụ này thuộc về luật hành chính, có quy định mức phạt hẳn hoi nhưng việc phạt tiền hầu như hiếm hoi, vẫn lấy răn đe hòa giải làm trọng.

Có vụ sai phạm mười mươi, người ta xây công trình mới toanh trong khu di tích quốc gia nhưng cũng không dỡ bỏ được. Dỡ lại tiếc! Thường thì sẽ giải quyết theo kiểu vừa đấm vừa xoa.

Có nơi yêu cầu đi yêu cầu lại cũng không dứt điểm được. Rất nhiều trường hợp nhà nước phải thỏa hiệp! Có ý kiến thẳng thừng: Xử phạt kiểu ấy, thì ngại gì mà không vi phạm?

Ví dụ về việc 12 tấm bia song ngữ Anh Việt mới toanh ở đền Trần Thái Bình (báo TPCN số 311 ra ngày 6/11/2016 đã đề cập), Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch (VH-TT&DL) đã phải tổ chức hẳn một cuộc kiểm tra và kết luận: Ban Quản lý di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) đã tự tiện tiếp nhận và đặt 12 bia đá trong khu vực bảo vệ một của di tích do một hội đồng hương tại nước ngoài công đức mà không xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Các tấm bia đều được thiết kế khá lớn với các hoa văn, họa tiết rồng, lá đề, chim thần, hoa cúc dây, sóng nước… đã sử dụng, chỉnh sửa từ các hoa văn, họa tiết thời Lý – Trần thu thập từ nhiều nguồn.

Đa phần nội dung các văn bia được trích dẫn trong các tài liệu lịch sử, tuy nhiên nội dung văn bia do Ban Quản lý Khu di tích đền Trần Thái Bình tự soạn, chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và đồng ý.

Quy cách trích dẫn, trình bày chưa thống nhất, chưa khoa học, còn lẫn lộn về ngữ pháp tiếng Hán cổ và tiếng Việt hiện nay.

Thậm chí, có khá nhiều lỗi chính tả, phần dịch sang tiếng Anh còn có chỗ chưa chính xác, chỗ thì dịch, chỗ thì để nguyên tiếng Việt.

Sau đó, Bộ ra Công văn số 1746/BVHTTDL-TTr gửi UBND tỉnh Thái Bình đề nghị tháo dỡ và di dời các bia đá ra khỏi khuôn viên di tích trước ngày 15/5/2015.

Tận ngày đáo hạn 14/5, người ta tháo dỡ 6/12 tấm bia. Một nửa số bia Ban quản lý di tích đền Trần Thái Bình xin được giữ lại (?!).

Trước sức ép của dư luận, Bộ VHTTDL trong một tháng phải ra tiếp công văn thứ hai, yêu cầu di dời toàn bộ số bia ra khỏi khu di tích.

Lúc này, Trưởng Ban quản lý di tích huyện Hưng Hà, ông Nguyễn Công Khanh lại cho rằng: công tác di dời rất khó khăn vì thiếu nhân lực – những lao động phổ thông có thể tìm thấy ở bất cứ đâu.

Một lý do bi hài như vậy nhưng Ban Quản lý di tích cũng viết vào báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình để xin ý kiến chỉ đạo.

Sự việc dây dưa đến tận cuối tháng 5/2015, 12 tấm bia dựng trái phép mới được di dời toàn bộ, trả lại nguyên trạng cho di tích.

Lấn chiếm di tích quốc gia: Xử phạt như “gãi ngứa” - Ảnh 1.

Cơi nới đền thờ Mẫu lợp mái tôn mới tinh trên gò Kim Châu, Văn Miếu không cần xin phép ai.

Hay vụ việc cơi nới đền thờ Mẫu trên gò Kim Châu, thuộc khu di tích Văn Miếu, Quốc Tử Giám: những người chủ trương "tự xây" gần như chống đối trực tiếp đội cưỡng chế tháo dỡ.

Tôi hỏi: tình hình phá dỡ chắc là căng thẳng, ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám) bảo: "phải dùng từ quyết liệt mới đúng.

Bản thân tôi sang giải thích tuyên truyền còn bị họ xúc phạm đủ kiểu. Dân đưa lý do tâm linh ra để phản đối. Cho rằng cứ liên quan đến tâm linh thì không phạm pháp.

Chúng tôi phải nhờ đến công an can thiệp phá dỡ. Nhưng mình phá ban ngày, họ lại xây vào ban đêm. Vận chuyển vật liệu xây dựng không qua cổng chính mà bằng thang và thuyền thúng riêng".

Cũng ông Kiêu cho biết: "việc giải quyết đền thờ Mẫu trên gò Kim Châu chỉ dừng lại ở mức trả lại nguyên trạng ban đầu, tức là chỉ phá được phần xây mới. Còn nói giải quyết triệt để như chỉ đạo của thành phố thì chưa".

Nghiêm hương pháp đường hoàn toàn mới ở chùa Hương (khởi công từ năm 2011, đưa vào sử dụng năm 2013 cao 3 tầng, rộng hơn 400m2, ngay cạnh chùa Thiên Trù) đặt những người làm bảo tồn vào thế đã rồi.

Sự việc kéo tận đến tháng 1/2016, Sở Văn hóa Hà Nội phải tổ chức lấy ý kiến Cục Di sản (Bộ Văn hóa), các ban ngành liên quan và chuyên gia về giải pháp xử lý sai phạm ở di tích quốc gia chùa Hương Tích - khu vực Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

"Hòa cả làng" là kết quả cuối cùng. Công trình mới không những không bị dỡ bỏ, còn khiến cả một bộ máy công quyền phải nghĩ cách hợp lý hóa nó cho đỡ "lãng phí".

Luật quy định xử phạt vi phạm di tích như thế nào?

Hiện tượng các di tích lịch sử bị xâm hại là một trong những vấn đề nhức nhối của ngành văn hóa hiện nay.

Luật di sản văn hóa năm 2001 đã được sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm bảo vệ các di tích như sau: "Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm bảo vệ di tích đó; trong trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, huỷ hoại hoặc có nguy cơ bị huỷ hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hoá - thông tin nơi gần nhất".

Điều 13; Điểm b, Khoản 1, Điều 34 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật di sản văn hoá cũng quy định: Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.

Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngoài ra những cá nhân, tổ chức xâm lấn, xây dựng trái phép trong khu vực bảo vệ di tích văn hóa còn bị buộc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại trạng thái ban đầu.

Luật thì đầy đủ như vậy nhưng tiếc thay việc thực hiện vẫn đầy bất cập. Nên câu hỏi của Giáo sư Kuramoto Kazuhiro vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.

Đối với hành vi lấn chiếm di tích lịch sử để xây dựng các công trình mới là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Khoản 5 Điều 34 Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá thì hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa hoặc hành vi xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích văn hóa sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Luật sư Nguyễn Tuấn Anh (Công ty Luật Việt An)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại