Làm việc tại Google nhưng vẫn ôm 'giấc mộng' khởi nghiệp, tuy 2 lần thất bại, Founder Xào Ý Tưởng: Ngã liên tục chẳng sao, mình chai rồi!

Lân Lan |

Lấy ca sĩ Hàn Quốc Bi Rain là người truyền cảm hứng, chị Trân vô cùng ấn tượng với con đường thành công đi lên từ hai bàn tay trắng của anh. Cũng bởi vậy, trải qua những khó khăn, có cả những thất bại nhưng chị vẫn có một niềm đam mê mãnh liệt với khởi nghiệp.

Hiện làm việc tại Google với vị trí Quản lý hoạt động & chiến lược sản phẩm (Product Strategy & Operation Manager) ở Silicon Valley, Mỹ nhưng chị Lê Huyền Trân vẫn khát khao giấc mơ khởi nghiệp và mong muốn được lan tỏa nó tới những người trẻ ở Việt Nam. Xuất phát điểm là một học sinh tỉnh lẻ ở Nha Trang, chị Trân nhận được học bổng đi UWC tại Anh, và bắt đầu hành trình gây dựng sự nghiệp từ đây.

Chị Trân từng khởi nghiệp 4 lần, 2 lần thất bại, 1 lần thành công (doanh thu 50.000 USD/tháng khi mới tung ra thị trường) và hiện là founder của Xào Ý Tưởng - một startup về công nghệ giáo dục nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam trau dồi kỹ năng để xây dựng và phát triển những ý tưởng startup của riêng mình. Với một đam mê mãnh liệt với khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên, báo Tri thức trẻ đã có cuộc trò chuyện ngắn với chị Huyền Trân để hiểu thêm về chị cũng như công việc chị đang làm.

Làm việc tại Google nhưng vẫn ôm giấc mộng khởi nghiệp, tuy 2 lần thất bại, Founder Xào Ý Tưởng: Ngã liên tục chẳng sao, mình chai rồi! - Ảnh 1.

* Có một vị trí tốt như vậy ở Google, lý do nào thúc đẩy chị liên tục khởi nghiệp đến như vậy?

Bất kì ai làm khởi nghiệp cũng đều có đam mê. Giả dụ như bạn thích một người nào đó thì bận rộn đến mấy, bạn vẫn dành thời gian và theo đuổi người ta, phải không? Tôi cũng vậy. Bên cạnh đam mê, việc khởi nghiệp cho tôi nhiều kinh nghiệm hơn hẳn khi đi làm ở các công ty lớn.

Nếu để so sánh, làm vị trí cao ở một công ty lớn, trọng trách nhỏ, quản lý ít trong khi đó, làm khởi nghiệp, trách nhiệm lớn, gần như phải tự làm từ đầu đến cuối, vài tháng đã cho ra một sản phẩm mới.

Chính vì vậy, tốc độ học hỏi khi khởi nghiệp nhanh hơn hẳn khi ở trong công ty lớn và kỹ năng bản thân cũng phát triển nhanh hơn trong tương lai. Khi ứng tuyển thực tập ở Amazon, tuy trẻ hơn nhiều ứng viên khác nhưng vì kinh nghiệm khởi nghiệp sẵn có của bản thân nên tôi được tuyển dụng. Lý do đường dài hơn, tôi muốn sau này khi về Việt Nam có thể tạo những dự án khởi nghiệp ở trên chính quê hương mình và giúp đỡ, kết nối với những bạn trẻ có khát khao tương tự.

Tốc độ học hỏi khi khởi nghiệp nhanh hơn hẳn khi ở trong công ty lớn và kỹ năng bản thân cũng phát triển nhanh hơn trong tương lai.

* Vậy chị cân bằng công việc của mình như thế nào?

Thi thoảng đi làm trên công ty, đầu óc mình đôi khi bị phân tâm. Nó chính là cái dở đấy. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng cân bằng các mục tiêu trong tương lai: mục tiêu ngắn – học hỏi càng nhiều càng tốt chứ không nhắm vào thăng tiến và mục tiêu dài – có công ty riêng. Sau đó, tôi tính toán việc trên công ty, những việc giúp mình học được điều mới sẽ được ưu tiên còn những việc lặp đi lặp lại hằng ngày sẽ được rút ngắn thời gian đi.

Thực tế, công việc trên công ty được rút ngắn từ 8 tiếng xuống 7 tiếng/ngày, thậm chí trong thời gian làm việc tại nhà do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một ngày tôi chỉ làm việc 6 tiếng vì không giao tiếp với nhiều người.

Thời điểm hiện tại, công việc chính cũng bị ảnh hưởng ít nhiều khi tôi làm khởi nghiệp nhưng tính đường dài, trong 20 năm tới, những gì tôi làm sẽ giúp ích cho nhiều người khác nữa. Vì thế, tôi luôn nhìn về phía trước và chăm chỉ.

* Chị nhận thấy điểm khác biệt giữa khởi nghiệp tại Mỹ và ở Việt Nam là gì?

Mỹ được biết đến là một trong những nước có nhiều công ty khởi nghiệp nhất nhưng cá nhân tôi khi bắt tay vào một startup ở Mỹ, nhiều khi hụt hẫng lắm. Bởi có quá nhiều công ty cạnh tranh, có nhiều người trùng ý tưởng với mình khi mình mới chỉ nghĩ tới.

Ở Việt Nam lại khác, dù lọt top 5 những đất nước có nhiều người thích startup nhưng những ý tưởng khác biệt chưa nhiều. Sự khác biệt thứ hai là về tài chính: rất dễ tìm kiếm sự đầu tư từ các công ty tài chính ở Mỹ trong khi ở Việt Nam, thông thường mọi người bỏ tiền túi, quỹ đầu tư ít hơn hẳn.

Ở Việt Nam có rất nhiều bạn tài năng và nhiệt huyết; tuy nhiên, các bạn chưa hiểu cường độ làm việc ra sao để khởi nghiệp thành công và cũng chưa có nhiều khóa học/lớp học đào tạo sao cho startup đúng hướng. Vì thế, sau 3 lần khởi nghiệp ở Mỹ, lần này tôi muốn bắt tay vào một dự án ở Việt Nam.

* Tuy nhiên, một số công ty khởi nghiệp trên thế giới sau đại dịch Covid-19 đã buộc phải tuyên bố phá sản. Chị nghĩ sao về điều này?

Qua đại dịch Covid-19, có người được, có người mất. Làm khởi nghiệp, tất nhiên bạn phải chấp tính rủi ro khá cao. Từ những bài học cá nhân, tôi nhận thấy nên đầu tư vào nhiều ngành/mảng khác nhau để đa dạng hóa nỗ lực của bản thân và đó cũng là cách để giảm bớt rủi ro. Khởi nghiệp không dành cho tất cả, chỉ những người không từ bỏ mới thành công.

Để chuẩn bị tâm lý ngã ngựa, trước tiên bạn cứ leo lên một con lừa và chịu những cú ngã nhẹ trước, sau đó có trèo lên lưng ngựa hay lưng voi thì ngã liên tục cũng chẳng sao, mình chai rồi, không sợ nữa. Tôi cũng rút ra một kinh nghiệm là lần đầu tiên, bạn đừng bỏ hết tiền lẫn tâm sức vô bởi nếu thất bại sẽ ngã rất đau và không ít người đã không đứng dậy nổi. Nếu còn trẻ, các bạn nên bắt đầu từ dự án nhỏ.

Làm việc tại Google nhưng vẫn ôm giấc mộng khởi nghiệp, tuy 2 lần thất bại, Founder Xào Ý Tưởng: Ngã liên tục chẳng sao, mình chai rồi! - Ảnh 2.

* Vậy chị có thể chia sẻ một bài học thất bại khi khởi nghiệp của bản thân chị được không?

Đó là khi tôi làm cùng một người bạn khi đang học thạc sĩ kinh doanh ở trường Đại học Chicago. Chúng tôi đi thương lượng với những công ty lớn để tìm những ưu đãi lớn cho sinh viên trong trường, ví dụ như mạng điện thoại.

Ban đầu, chúng tôi đã thương lượng với một ông manager công ty đó được 40% luôn, bản thân cũng rất vui vẻ khi mình đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Mấy tuần sau quay lại, người manager đó đã nghỉ việc nhưng lại không nói cho những người ở lại công ty về deal của chúng tôi.

Tuy rất hoang mang nhưng ngay sau đó, chúng tôi lại bắt đầu lên kế hoạch thương lượng lại vì người manager mới không muốn deal cao như vậy. Bài học tôi học được: Những gì mình làm việc trong kinh doanh cần phải lưu trữ trên giấy để tránh rắc rối về sau.

* Là một người từng trải trong lĩnh vực khởi nghiệp, vậy chị có lời khuyên nào tới những bạn trẻ hiện nay không?

Hãy vượt qua nỗi sợ! Tôi biết có rất nhiều bạn có ý tưởng hay nhưng không phải ai cũng dám làm, dám vợt qua nỗi sợ của chính mình. Hãy đi tìm người truyền cảm cho bạn, giống như tôi – đó là ca sĩ Bi Rain bởi ảnh là một người đi lên từ bàn tay trắng, sau đó bỏ rất nhiều thời gian để luyện tập để có sự nổi tiếng như bây giờ.

Bản thân tôi, mỗi lần bắt tay vào khởi nghiệp, tôi vẫn có những nỗi sợ riêng; mỗi lần ra sản phẩm mới, tôi đều hồi hộp y như lần đầu tiên. Nhưng tôi luôn trân trọng những điều mình học được, giữ vững mục tiêu và không bao giờ cho phép bản thân nản chí. Hy vọng các bạn sẽ luôn kiên định với giấc mơ của mình!

* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Profile sơ lược về chị Lê Huyền Trân

- Quản lý hoạt động & chiến lược sản phẩm (Product Strategy & Operation Manager) tại Google ở Silicon Valley, Mỹ.

- Trước khi gia nhập Google, chị Trân có kinh nghiệm làm việc tại 2 công ty danh giá tại Mỹ: Amazon ở vị trí Quản lý Sản phẩm kỹ thuật và tại Analysis Group ở vị trí Chuyên gia Phân tích dữ liệu.

- Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Thạc sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học Chicago Booth, trường đại học danh giá nằm trong top 3 về kinh doanh tại Mỹ.

4 startup thuộc quyền sở hữu của chị Trân

(1) EchoEdu - phần mềm điện thoại học bằng cách xáo trộn thu âm note của người học.

(2) Interactive Case - Phần mềm giúp các bạn luyện phỏng vấn giải quyết tình huống kinh doanh.

(3) The Student Coop - Trang web với ưu đãi giảm giá khủng cho học sinh.

(4) Xào - Hộp công cụ khởi nghiệp hoàn chỉnh trong 30 ngày.

Làm việc tại Google nhưng vẫn ôm giấc mộng khởi nghiệp, tuy 2 lần thất bại, Founder Xào Ý Tưởng: Ngã liên tục chẳng sao, mình chai rồi! - Ảnh 3.

Hộp công cụ của Xào Ý Tưởng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại