Tự nhiên ẩn chứa rất nhiều hình ảnh đối xứng bắt mắt, rất vừa vặn và không hỗn tạp, nhưng thường chỉ xuất hiện dưới quy mô nhỏ (các phân tử đối xứng, bắp cải đỏ , cây lô hội Aloe polyphylla , …). Hiếm khi chúng xuất hiện với quy mô to, thậm chí là khổng lồ như tảng băng nằm tại Nam Cực.
NASA mới chụp được tảng băng vuông đến kì lạ tại Nam Cực tuần vừa rồi, tấm ảnh thuộc một phần Chiến Dịch IceBridge, lập ra nhằm theo dõi sự biển chuyển của băng tại vùng cực. Nằm giữa những tảng băng đủ hình dáng trôi nổi trên làn nước, một tảng băng to bự, vuông như cắt xuất hiện.
Nhưng bạn đừng vội đem những giả thuyết rợn tóc gáy ra để suy đoán! Chẳng có người ngoài hành tinh/Người khổng lồ/Thực thể Vũ trụ nào cầm cưa cắt băng ra trêu con người đâu. Các nhà khoa học xác định rằng tảng băng hình thành một cách hoàn toàn tự nhiên.
Khi ta nghĩ tới "tảng băng trôi", ta sẽ nghĩ ngay tới một cục băng trông như ngọn núi trôi nổi trên biển, giống một trong những yếu tố chính đánh chìm tàu Titanic.
Nhưng chúng mới chỉ là một trong hai loại băng được xếp hạng, được gọi là "tảng băng không mặt phẳng – non-tabular iceberg", vì lý do quá hiển nhiên.
Còn tảng băng có mặt phẳng, đúng như cái tên của nó, sẽ trông giống một tấm băng vuông vắn được "ai đó" cắt ra.
Tấm băng lớn có cạnh bên gần như thẳng đứng và phần trên phẳng như sân bóng, chúng thường trượt xuống nước từ những vỉa băng lớn.
Nhà khoa học Kelly Brunt công tác tại Đại học Marryland nói với LiveScience rằng bạn có thể so sánh tấm băng phẳng phiu này với một cái móng tay mọc dài quá, tự rụng ra. Có một ví dụ: Tảng băng lớn nhất từng được ghi lại có tên B-15 , dài tới 295 km và rộng 37 km, diện tích bề mặt lên tới 11.000 km2. Nó "rụng" ra từ Vỉa băng Ross tại Nam Cực.
Còn tấm băng vuông vắn mới chưa được đo đạc, mà nhìn hình thì ta cũng khó đưa ra ước đoán. Tốt nhất là cứ để NASA đo đạc và đưa tin chính thức. Chuyên gia Kelly Brunt, khác với chúng ta, có đủ kiến thức để đưa ra dự đoán rằng tấm băng kia cũng phải rộng hơn 1,6 km.