Xuyên không hay du hành thời gian đã luôn là chủ đề được khai thác bởi các nhà làm phim và những cuốn tiểu thuyết viễn tưởng. Như mới đây, phim chiếu rạp Cô Ba Sài Gòn đang gây sốt cũng là một bộ phim về chủ đề xuyên không.
Cô Ba Sài Gòn là một bộ phim về chủ đề xuyên không
Xét về mặt khoa học, thì hiện tại con người chưa thể du hành thời gian. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận được lời khẳng định rằng việc du hành về tương lai là hoàn toàn có khả năng. Thậm chí đã từng có người được trải nghiệm điều đó, dù chỉ trong vòng... 0,02s mà thôi.
Tóm lại, nếu như du hành thời gian là có thực, thì làm thế nào để làm được điều đó? Khoa học bảo có cách, nhưng chắc chắn không phải là... mặc áo dài như trong Cô Ba Sài Gòn rồi.
1. Đến gần... hố đen vũ trụ
Nghe có vẻ không tưởng, nhưng đây là một trong những cách nhanh nhất để bạn được trải nghiệm cảm giác xuyên không.
Stephen Hawking từng chia sẻ, hố đen vũ trụ là một cỗ máy thời gian tự nhiên, dù chỉ có thể đưa bạn đến tương lai. Ý tưởng được đưa ra không phải là đâm thẳng vào hố (dĩ nhiên) mà là lọt vào quỹ đạo xung quanh hố đen.
Hố đen vũ trụ là một khối vật chất có khối lượng khổng lồ được nén trong một không gian cực nhỏ, vậy nên lực hút của nó đủ để bẻ cong không-thời gian xung quanh. Nó khiến thời gian chậm lại với một mức độ kinh khủng hơn bất kỳ vật chất nào trong vũ trụ này. Trong đó, càng ở gần, lực hút càng mạnh, thời gian càng bị làm chậm.
Giả sử chúng ta có 2 còn tàu vũ trụ - một tàu xoay quanh quỹ đạo hố đen ở một khoảng cách gần (tàu A), tàu còn lại xa hơn một chút (tàu B). Lúc này, phi hành đoàn B sẽ trải qua một quãng thời gian dài hơn A. Và nếu so với Trái đất, 1 năm ở hố đen có thể tương đương hàng chục năm.
Tức là nếu bạn đến một hố đen rồi trở về sau 1 năm, bạn sẽ thấy người Trái đất đã trải qua hàng chục năm rồi. Đó đích thực là du hành đến tương lai, chỉ là bạn không thể quay ngược lại thôi.
2. Ống Tipler
Năm 1936, nhà vật lý người Mỹ Frank Tipler đã đưa ra khái niệm về ống Tipler (Tipler cylinder), hay còn được biết đến với cái tên "cỗ máy thời gian Tipler".
Khi ấy, Tipler cho rằng một vật nếu di chuyển xoay quanh một hình trụ có chiều dài vô tận, vật đó sẽ đi ngược về quá khứ. Và ý tưởng điên rồ ấy thậm chí đã được NASA suy xét rất nghiêm túc, cho rằng đó có thể là phương pháp dẫn về thời điểm khởi nguồn của sự sống trên Trái đất.
Tuy nhiên, ống Tipler được đánh giá là không thể ứng dụng trong thực tế, vì khái niệm "vô tận" ấy quá mơ hồ với tầm hiểu biết hiện tại của con người.
3. Đảo chiều vũ trụ
Năm 1949, thiên tài toán học Kurt Godel đã đưa ra một phương pháp hoàn toàn mới để tiếp cận học thuyết của Einstein, qua đó cho phép khả năng du hành thời gian xảy ra.
Theo đó, nếu như vũ trụ có thể tự quay, và có một con tàu di chuyển với tốc độ đủ nhanh, chúng ta sẽ đi ngược dòng thời gian, chạm đến một thời điểm trước khi vũ trụ quay đến.
Bản thân Einstein thì không mấy hứng thú với giải pháp này, dù một số nhà khoa học cho rằng Godel đã đúng. Tuy nhiên, phương án ấy được xem là "hư cấu" hơn cả ống Tipler, vì ít nhất bạn phải vượt qua hàng trăm tỉ thiên hà.
4. Lỗ giun (wormholes)
Lỗ giun là một cánh cổng được Einstein dự đoán trong Thuyết tương đối rộng. Cánh cổng ấy được tạo ra bằng cách uốn cong không thời gian, tạo thành một đường tắt giúp chúng ta có thể vượt qua khoảng cách nhiều năm ánh sáng chỉ trong vài giây, và thậm chí đi được đến tương lai.
Trên thực tế, bằng việc chứng minh được sóng hấp dẫn, các nhà khoa học tin rằng hố giun hoàn toàn có thể được khai thác. Họ thậm chí đã nghĩ về những con tàu vũ trụ có khả năng tạo ra một hố giun dịch chuyển.
Tuy nhiên muốn làm được điều đó, khoa học cần những khám phá mang tính vượt bậc về cái gọi là "vật chất âm" (negative matter) - thứ chúng ta gần như chưa biết gì về nó. Ngoài ra, cần phải sở hữu một nguồn năng lượng cực kỳ lớn để bẻ cong được không - thời gian, và đó là điều chúng ta chưa thể làm được ít nhất trong nửa thế kỷ tới.
Sóng hấp dẫn có thật, thì hố giun cũng có thể là thật
5. Tốc độ ánh sáng
Phương án này có lẽ đã rất quen thuộc với các fan của khoa học viễn tưởng. Càng đạt gần tốc độ ánh sáng, thời gian xung quanh bạn càng chậm lại. Khi ấy, một chuyến đi dài 8 phút của bạn có thể bằng 8 năm trôi qua ở Trái đất.
Einstein đã chứng minh không vật gì có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng, vì nó cần đến một nguồn năng lượng vô tận. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây về hạt tachyon lại phản bác điều đó.
Tachyon là loại hạt có khả năng đạt đến tốc độ ánh sáng chỉ nhờ năng lượng của bản thân. Nếu như chứng minh được sự tồn tại của loại hạt này, chúng ta cũng chứng minh được việc có thể di chuyển đến tốc độ ánh sáng mà chỉ cần rất ít, thậm chí là không cần năng lượng.
Nguồn: Hybrid Librarian