Ngày 19/8, cuốn sách Thang Trần Phềnh của tác giả Ngô Kim Khôi đã được ra mắt tại Nhà triển lãm Mỹ Thuật ở Hà Nội. Gia đình cố họa sĩ Thang Trần Phềnh cùng một số nhà nghiên cứu và hàng trăm độc giả yêu mến nghệ thuật đã tới tham dự buổi ra mắt cuốn sách được xem là tư liệu quý về người đã có công góp phần xây dựng nền móng cho hội họa Việt Nam.
Trong buổi ra mắt sách, ông Phạm Đỗ Minh (chồng bà Thang Thị Loan, con gái út của họa sĩ Thang Trần Phềnh) đã có những chia sẻ xúc động về những kỷ niệm với bố vợ. Ông nói với ánh mắt đầy tự hào và kính trọng. Theo ông Minh, họa sĩ Thang Trần Phềnh là người khiêm nhường, sống giản dị và không mưu cầu điều gì lớn lao.
Trong những năm tháng cùng chung sống, ông Phạm Đỗ Minh cho biết bản thân được chứng kiến niềm đam mê hội họa của họa sĩ Thang Trần Phềnh.
Cụ có thể vẽ với nhiều chất liệu. Các tác phẩm của cụ từ thời thuộc Pháp qua thời kháng chiến rồi hòa bình ở miền bắc gồm đủ loại, từ trên giấy, trên lụa, vải bố,.. cho tới các dụng cụ vẽ bằng bút sắt, mực tàu, thuốc nước aquarelle, bột màu gouache, phấn tiên pastel, sơn dầu, thậm chí là bằng phấn nhuộm mua ở chợ Đồng Xuân, miễn là có nguyên liệu để vẽ.
Ông Phạm Đỗ Minh (trái) và tác giả Ngô Kim Khôi. Ảnh: Nguyễn Hằng
Cuốn sách đặc biệt do tác giả Ngô Kim Khôi dày công dành nhiều năm sưu tầm, tìm kiếm về những tư liệu, thông tin ít ỏi về cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm của họa sĩ tài danh một thời Thang Trần Phềnh, cũng mang lại nhiều cảm xúc khó tả cho người cháu nội, là ông Thang Đức Thắng.
Chia sẻ tại sự kiện ra mắt cuốn sách, ông Thang Đức Thắng cho biết, thông qua cuốn sách, nhiều tác phẩm của ông nội cho đến nay ông mới biết và hiểu thêm về niềm đam mê của ông nội, cũng như câu chuyện về nền hội họa ở Việt Nam trong buổi bình minh của mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Cuốn sách cung cấp những tư liệu, thông tin về họa sĩ Thang Trần Phềnh, một người có vị trí quan trọng trong nền mỹ thuật Việt Nam. Trong đó, nhiều tư liệu đến từ gia đình của họa sĩ nhưng chưa bao giờ công bố, có giá trị nghiên cứu về lịch sử, sự nghiệp cũng như bút pháp và chữ ký của họa sĩ Thang Trần Phềnh qua các thời kỳ.
Anh Thang Đức Thắng, cháu nội của họa sĩ Thang Trần Phềnh, có mặt tại buổi giao lưu và giới thiệu cuốn sách. Ảnh: Nguyễn Hằng
"Thang Trần Phềnh (1895-1973)" bao gồm 164 trang (cả bìa) trong đó có 90 trang nội dung và hơn 68 trang hình ảnh tư liệu quý về người họa sĩ và các tác phẩm qua nhiều thời kỳ.
Cuốn sách Thang Trần Phềnh được chia làm 5 phần, trong đó bao gồm nhiều trang cung cấp các tư liệu về thân thế và quá trình hoạt động nghệ thuật của họa sĩ và 28 tác phẩm mà tác giả đã sưu tầm được.
Không chỉ cung cấp những dữ liệu quý về họa sĩ Thang Trần Phềnh, cuốn sách của tác giả Ngô Kim Khôi còn giúp bạn đọc có cái nhìn chung về thời kỳ đầu của nền hội họa Đông Dương.
Trong buổi ra mắt sách, tác giả Ngô Kim Khôi chia sẻ, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu và viết sách về nhân vật này và các tên tuổi cùng thời. Cuốn sách còn một số thiếu sót về in ấn và thông tin trong lần đầu phát hành nên tác giả mong bạn đọc lượng thứ và sẽ bổ sung và chỉnh sửa trong các lần sau.
Trang bìa của cuốn sách chính là bức tranh "Phạm Ngũ Lão" của họa sĩ Thang Trần Phềnh.
Đôi nét về họa sĩ Thang Trần Phềnh và tác giả Ngô Kim Khôi
Thang Trần Phềnh sinh ngày 18-5-1895 tại Hà Nội (theo danh sách sinh viên khóa II của trường Mỹ Thuật Đông Dương). Ngay từ khi còn nhỏ, Thang Trần Phềnh đã bộc lộ năng khiếu về vẽ, ông luôn đứng nhất môn hội họa khi học tập tại Trường Bưởi (Lycée du Protectorat).
Gia cảnh khó khăn nên Trần Phềnh có ý thức tự lập từ rất sớm, ông đã nảy ra ý định vẽ tranh để bày bán trong hiệu buôn của cha mình. Trong thuở đầu của mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20, Lê Huy Miến (1873-1943), Nguyễn Nam Sơn (1890-1973) và Thang Trần Phềnh là những cái tên tạo được niềm cảm hứng lớn.
Một số tác phẩm của họa sĩ Thang Trần Phềnh từ rất sớm đã viễn du nơi xứ người và làm rạng danh nền văn hóa nước nhà. Các tác phẩm nối tiếng của họa sĩ bao gồm: Chân dung phụ nữ Lào (1927), Đánh bài Tam Cúc (1930), Xem bói (1931), Phạm Ngũ Lão (hay còn gọi là bức Trần Hưng Đạo)...
Bức tranh sơn dầu "Phạm Ngũ Lão" của họa sĩ Thang Trần Phềnh vào năm 1923, nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam
Tác giả Ngô Kim Khôi (sinh năm 1959) là cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn - người đồng sáng lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Hà Nội ngày nay) cùng họa sĩ Victor Tardieu, đồng thời cũng là người nổi tiếng cùng thời với họa sĩ Thang Trần Phềnh.
Tác giả Ngô Kim Khôi có mặt từ rất sớm, trước giờ bắt đầu buổi giao lưu và giới thiệu sách. Ảnh: NVCC
Định cư ở Pháp từ năm 1985, ông Kim Khôi có chuyên môn về tạo mẫu thời trang và đã làm việc cho các hãng: Hermès, Christian Dior, Givenchy, Scherrer, Balenciaga...
Bên cạnh đó, ông còn chuyên gia hội họa Việt Nam, từng cộng tác với Tòa Thị chính Paris (Pháp) năm 1998, Bảo tàng Cernuschi Paris (2012 - 2013), Viện Hàn lâm hải ngoại Pháp (2015), các nhà đấu giá tại Paris như Aguttes, Art Valorem..., và là giáo sư về Thái cực quyền (Dương gia bí truyền).